Khi nghe nói người cô họ bên ngoại của Chu Mục làm việc ở khoa khám sức khỏe bệnh viện thành phố và chính bà ấy là người đã ra tay tráo đổi bản báo cáo kiểm tra sức khỏe, chỉ trong khoảnh khắc mọi chuyện đã sáng tỏ trong đầu Diệp Mãn Chi.
Nhà họ Chu đã không còn hài lòng với cô.
Nói chính xác hơn là không còn hài lòng với phiên bản hiện tại của cô.
Cuộc hôn nhân này vốn được ông ngoại Diệp Mãn Chi và cha Chu Mục quyết định từ mười tám năm trước.
Lúc đó ông ngoại cô là phó giám đốc một nhà máy xúc xích quy mô lớn duy nhất trong tỉnh do người Liên Xô đầu tư, còn cha của Chu Mục chỉ là tổ trưởng tổ sửa chữa trong một xưởng sửa xe nhỏ.
Có thể đính hôn với cô đối với Chu Mục mà nói thực chất là trèo cao.
Cho nên khi họ còn nhỏ, người lớn nhà họ Chu đối xử với cô rất tốt, luôn dặn Chu Mục phải nhường nhịn cô trong mọi chuyện.
Thế nhưng sau khi giải phóng, các nhà đầu tư nước ngoài lần lượt rút vốn, ông ngoại cô cũng ngày càng sa sút, trong khi bác Chu thì thăng tiến không ngừng.
Cùng với sự đảo ngược về địa vị giữa hai gia đình, Diệp Mãn Chi cũng dần cảm nhận được sự thay đổi trong thái độ của người lớn nhà họ Chu đối với cô.
Lần rõ rệt nhất là khi mẹ Chu Mục khuyên cô đừng tham gia luyện tập trong câu lạc bộ nhạc dân tộc nghiệp dư nữa, cho rằng gảy tỳ bà, hát khúc là nghề hạ đẳng, không phù hợp với gia đình họ.
Nhưng bà ngoại Diệp Mãn Chi từng là nghệ nhân bình đàn trong xã hội cũ, các chị em nhà họ Diệp từ nhỏ đã học tỳ bà từ bà.
Những điều đó dì Lưu sớm đã biết rõ khi hai nhà định thân.
Viền mắt Diệp Mãn Chi cay xè nhưng lòng tự trọng và kiêu hãnh không cho phép cô rơi lệ lúc này.
Cô siết chặt lòng bàn tay lạnh buốt, trấn tĩnh lại rồi hỏi:
“Nếu tớ không hỏi, cậu định cứ giấu tớ mãi sao?”
“Không phải như vậy…”
Chu Mục bực bội vỗ vỗ vào đầu mình.
Lúc mới phát hiện ra chuyện này cậu ta cũng rất kinh ngạc.
Đào tạo một lưu học sinh ở nước ngoài, nhà nước phải đầu tư rất nhiều. Nếu vì lý do sức khỏe mà phải ngưng việc học thì tổn thất chính là tài sản quốc gia.
Thế nhưng sau một hồi giằng co trong lòng, cậu ta vẫn lựa chọn im lặng.
Trong thâm tâm, Chu Mục không hề muốn sang Liên Xô cùng Diệp Mãn Chi.
Diệp Mãn Chi có rất nhiều ưu điểm: xinh đẹp, khéo tay, nhiệt tình, sôi nổi.
Thế nhưng vì hai người quen biết từ nhỏ nên những điểm tốt ấy lại trở thành những điều dễ bị xem nhẹ nhất. Càng ở bên nhau lâu, khuyết điểm của đối phương lại càng bị khuếch đại.
Trong mắt cậu ta, Diệp Mãn Chi kiêu căng, ngang ngược, thích ra lệnh, lại mê cái đẹp và tham ăn.
Lúc nhỏ bắt nạt cậu, lớn lên thì sai khiến cậu, quản từ đầu đến chân, chuyện gì cũng nhúng tay vào.
Ngay cả chuyện cùng nhau sang Liên Xô du học cũng là cô tự quyết định rồi ép cậu làm theo!
Chu Mục cảm thấy nhân cơ hội này tách ra năm năm cũng là điều tốt.
Diệp Mãn Chi luôn tràn đầy sức sống, tỏa sáng rực rỡ, mà cậu thì muốn thoát ra khỏi vùng sáng đó, tìm lấy không gian của riêng mình.
Tất nhiên dù lý do có vẻ hợp lý đến đâu thì một khi bị vạch trần vẫn cứ thấy xấu hổ.
Cậu ta sờ mũi, bảo đảm:
“Bỏ qua chuyện ba mẹ tớ nghĩ gì đi, dù sao thì chờ tớ từ Liên Xô trở về nhất định sẽ cưới cậu!”
Cơn giận dữ và nhục nhã tột cùng khiến Diệp Mãn Chi không thể kìm nén thêm được nữa. Cô vớ lấy ổ bánh lúa mạch đen nặng chừng hai ký ném thẳng vào trán đối phương.
“Chu Mục, đầu óc cậu có vấn đề à?!”