Năm 1956, sau tiết Cốc Vũ, làn gió xuân cuối mùa nhẹ nhàng thổi vào thành phố Tân Giang.
Tấm biểu ngữ treo trước cổng đại viện với dòng chữ "Thúc ngựa phi nhanh tiến lên chủ nghĩa xã hội" vừa được tháo xuống, chưa đầy bao lâu đã được thay bằng một biểu ngữ nền đỏ chữ trắng: "Nhiệt liệt chúc mừng hợp tác công tư".
Diệp Mãn Chi thu ánh mắt đang dõi theo cửa sổ bên ngoài, lại dồn tâm trí vào lá thư tố cáo đặt trước mặt.
Bức thư không dài nhưng nội dung lại đủ sức gây nên một cơn chấn động trong nhà họ Diệp.
Kính gửi toàn thể lãnh đạo Ủy ban khu phố,
Tôi là một công dân yêu nước bình thường, kiên quyết ủng hộ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa vĩ đại. Tôi muốn báo cáo với lãnh đạo một tình hình mà tôi biết!
Cư dân khu phố Quang Minh, tổ trưởng tổ sửa chữa cơ khí Nhà máy 856 – Diệp Thủ Tín đã mở một tiệm may!
Địa chỉ là: Tòa 8, tầng 3, cửa phụ phía tây khu đại viện quân công (chính là phòng của con gái thứ ba nhà ông ấy – Diệp Mãn Chi, học sinh lớp 11A trường con em Nhà máy 856).
Thợ chính là Diệp Mãn Chi, cô ba nhà ông ấy. Đã làm được hai tháng, ước chừng kiếm được hai ba chục đồng, coi như tiểu thủ công nghiệp.
[…]
Việc này tạo ảnh hưởng rất xấu trong quần chúng, kính mong lãnh đạo điều tra kỹ càng, buộc gia đình ông ấy sớm tiếp nhận cải tạo.
Bốp! —
Diệp Thủ Tín đập mạnh một cái lên lá thư, giận dữ nói:
“Lập tức bảo Nhị Nha ly hôn với Từ Đại Quân cho tôi! Tôi không chấp nhận kết thân với hạng người hèn hạ chuyên đi tố cáo sau lưng như vậy!”
Sau tiếng quát giận dữ, căn phòng lặng như tờ, không ai lên tiếng đồng tình cũng chẳng ai phản đối.
Ngay cả Diệp Mãn Chi, người luôn thích làm người hòa giải trong nhà cũng chẳng buồn nói thêm lời nào.
Cô thật sự đã quá ngán ngẩm với anh rể hai – Từ Đại Quân!
Đầu năm nay, báo đài bỗng nhiên bắt đầu khuyến khích nữ giới mặc đồ hoa, các cô gái yêu thích cái đẹp lần lượt hưởng ứng bắt đầu mặc quần áo có màu sắc ngoài xanh lam, trắng và xám truyền thống.
Diệp Mãn Chi từ nhỏ đã yêu cái đẹp, mê ăn diện. Dù có mặc quần áo công nhân của cha, cô cũng phải thêu một chùm hoa lan nhỏ trên túi áo trước ngực.
Lần này có lý do "hưởng ứng phong trào", cô liền năn nỉ mẹ mua vải, tự tay may một chiếc váy dài tay bằng vải sợi tổng hợp.
Chiếc váy được làm theo mẫu quần áo may sẵn của thương hiệu Hồng Hà Thượng Hải, kiểu dáng thời thượng, màu sắc tươi tắn.
Cô chỉ mới mặc đến trường một ngày đã khiến nhiều bạn học và hàng xóm kéo đến nhà nhờ cô may giúp.
Mỗi bộ quần áo có thể nhận được bảy hào tiền công, với một người như Diệp Mãn Chi mỗi tháng chỉ có năm hào tiền tiêu vặt, quả thật là khó lòng từ chối.
Thế nhưng nửa tháng trước khi công việc may vá của cô đang ngày càng phát đạt thì cán bộ khu phố bỗng cầm lá thư tố cáo tìm đến, nói rằng việc cô may đồ cho người khác là tiểu thủ công nghiệp, cần được cải tạo theo chế độ xã hội chủ nghĩa, phải sáp nhập vào hợp tác xã sản xuất trang phục.
Khi đó cả thành phố đang đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, ngay cả tiệm tắm “Trần Ký” đối diện đại viện cũng bị cải tạo thành “Nhà tắm hợp tác công tư Trần Ký”.
Nếu muốn tiếp tục làm nghề may, Diệp Mãn Chi bắt buộc phải hưởng ứng mang máy may vào hợp tác xã trở thành công nhân nhận lương hàng tháng.
Nhưng nhà họ Diệp nuôi con gái học lên đến cấp ba đâu phải để làm thợ may!
Cả nhà cân nhắc nhiều lần, cuối cùng đành không tình nguyện mà từ bỏ nguồn thu nhập bất ngờ này.
…
“Thôi cứ mang máy may trả lại cho chị hai đi.”
Diệp Mãn Chi hiểu rất rõ — anh rể hai viết thư nặc danh bằng nét chữ như gà bới gửi lên khu phố chỉ vì sợ cô sau này làm ăn phát đạt sẽ không chịu trả lại máy may.
Chiếc máy may đó là của hồi môn của chị hai, hai năm nay giúp nhà chồng chị ấy kiếm không ít tiền lẻ.
Gần đây vì lo chị hai bụng bầu vẫn còn phải làm việc vất vả, cha cô bèn lấy cớ "mượn tạm" mang máy về nhà, tính sau khi chị sinh xong sẽ trả lại.
“Trả gì mà trả! Không trả!” — Diệp Thủ Tín đập bàn rầm rầm, giận dữ nói:
“Con sao lại không có chút cốt khí nào hết vậy? Không giống con gái của cha chút nào!”
“Cha có cốt khí thì sao không ra mặt đòi lại công bằng cho con đi? Lá thư này đến tay đã một tuần, giấy cũng sắp vò nát luôn rồi mà cha vẫn chưa có động thái gì. Đánh Từ Đại Quân một trận thì có ích gì? Hắn lành lặn lại thì vẫn ăn sung mặc sướng bằng tiền chị con làm ra!”
Thời buổi này ly hôn là chuyện mất mặt, chị hai với Từ Đại Quân lại tình cảm không tệ, hơn nữa còn mới có thai, sao có thể nghe lời mà ly hôn được?
Đánh chuột cũng sợ vỡ bình, thiệt thòi này nhà cô dù không muốn nuốt cũng phải nuốt cho bằng được!
Thường Nguyệt Nga đặt hai cái thau tráng men lên bàn ăn, gọi to:
“Lá thư tố cáo đó đọc mấy ngày nay rồi, có đọc thêm cả trăm lần nữa cũng không mọc ra hoa đâu, mau tới ăn cơm đi!”
Bữa tối hôm nay nhà họ Diệp có một thau bánh bao bột mạch đen, một nồi cải thảo hầm miến và nửa bình canh “Súp bơ kiểu Xô Viết”.
Mùi thơm ngào ngạt từ thịt bò, cà chua và bơ hoà quyện khiến người ta chảy nước miếng. Anh tư hít hít mũi nói:
“Mẹ, con cũng muốn ăn súp bơ!”
“Đợi em con ăn xong rồi mẹ cho con húp ít nước, hôm nay nấu hơi nhiều canh.”
Canh súp bơ là món dành riêng cho chuyên gia Liên Xô trong nhà máy. Dựa vào giấy khám sức khoẻ của cô con út, Thường Nguyệt Nga thỉnh thoảng có thể mang về một phần từ nhà ăn.
Nhưng kể từ khi việc làm thêm nghề may bị ngưng lại, phần thức ăn bà mang được từ bốn muôi giảm xuống còn một muôi, vừa đủ cho một mình Diệp Mãn Chi ăn.
Thường Nguyệt Nga thấy con gái dạo này sắc mặt hồng hào, tóc đen bóng, trông không giống người thiếu máu chút nào. Đang định hỏi xem cái món “súp bơ” này còn phải ăn đến bao giờ thì đột nhiên bị một tràng tiếng gõ cửa nặng nề cắt ngang.
“Diệp Mãn Chi! Diệp Mãn Chi! Mày ra đây cho tao!”
Rầm rầm rầm—
Tiếng gõ cửa làm gián đoạn chú mèo tam thể đang liếm vuốt vui vẻ. Nó cảnh giác cuộn mình lại, phồng lên như một quả bồ công anh rồi “meo meo” mấy tiếng về phía cửa.
Sự đe dọa của mèo tam thể chẳng ích gì, cửa không khóa, bị đập vài cái đã bật mở.
Nhìn thấy người đến lại chính là mẹ của Từ Đại Quân, Thường Nguyệt Nga sững người một giây rồi vội vàng đưa tay cản lại.
Nhưng bà Từ hất tay bà ra, lao thẳng về phía cô gái nhỏ đang mặc chiếc sườn xám xanh hồ thuỷ.
“Diệp Mãn Chi, mày có ý gì hả? Ai cho mày đăng ký nhà tao thành tiệm may?”
Diệp Mãn Chi ngẩn ra trong giây lát, hỏi một câu thừa thãi:
“Ý gì là ý gì cơ ạ?”
“Mày đừng có giả vờ! Mấy đồng chí bên sở công thương nói rồi, chính là em vợ của Đại Quân điền đơn đăng ký! Còn bắt nhà tao đến đó nộp tiền lấy giấy phép kinh doanh!” Bà Từ dựng cả lông mày mắng: “Tao nói mày còn nhỏ tuổi thế mà sao bụng dạ ác độc đến vậy?”
Nghe tin này đột ngột, cả nhà họ Diệp đều ngơ ngác nhìn về phía cô con gái chuyên âm thầm gây rối.
Đặc biệt là Thường Nguyệt Nga, vừa kinh ngạc lại vừa muốn phì cười. Bà chỉ cảm thấy con gái mình gan dạ lanh lợi, còn hơn cái kiểu do dự không quyết đoán của ông Diệp nhiều.
Nhà mình chỉ làm chút việc riêng lẻ, cùng lắm tính là tiểu thủ công nghiệp. Nhưng nếu nhà họ Từ có giấy phép kinh doanh thì đó mới thật sự là tiểu thủ công nghiệp chính thức!
Diệp Mãn Chi thì vẫn giữ vẻ bình tĩnh, làm ra vẻ ngạc nhiên hỏi lại:
“Bác ơi, cháu giúp nhà bác làm một việc lớn như thế, bác không cảm ơn thì thôi sao lại còn quay sang mắng cháu? Nói cho kỹ, cũng là nhờ lá thư tố cáo của nhà bác mà cháu mới nảy ra ý tưởng đó đấy!”
“Bác xem nhé, nhà bác có máy may, tay nghề cũng không tồi, có giấy phép kinh doanh rồi thì nhất định sẽ được yêu cầu cải tạo chuyển vào làm trong ‘hợp tác xã sản xuất may mặc’! Như thế chẳng phải giúp nhà bác có thêm một suất làm việc chính quy sao?”
Đôi mắt tam giác của bà Từ trĩu xuống, giận dữ mắng to:
“Tao phi! Suất việc cái con khỉ!”
Hợp tác xã cũng có tiêu chuẩn tuyển người.
Nhà bà biết may chỉ có con dâu cả, mà con dâu làm ở cơ quan có lương cao hơn thợ may trong hợp tác xã nhiều, ai lại đi bỏ dưa hấu mà nhặt hạt mè?
Vốn mỗi tháng nhà bà có thể kiếm thêm bảy tám đồng, giờ bị Diệp Mãn Chi phá đám như vậy chẳng khác gì đã bị gắn tên vào sổ của sở công thương và ủy ban khu phố. Dù không đi lấy giấy phép thì trong thời gian tới cũng đừng mong nhận mối may lén nữa!
Thấy bà ta tức đến méo cả mặt, Diệp Mãn Chi vừa thấy sảng khoái trong lòng lại vừa có phần sợ hãi.
Cô rón rén lùi từng bước trốn sau lưng cha mình. Cảm thấy đã an toàn, cô lại đổ thêm một gáo dầu vào ngọn lửa đang cháy ngùn ngụt của đối phương.
“Bác à, chị cháu không đi được thì vẫn còn bác mà! Trong hợp tác xã ấy ngoài thợ may ra thì cũng cần các công nhân khác nữa. Cháu thấy bác rất giỏi trong việc thu nhận đơn hàng. Chị cháu bụng bầu vượt mặt mà bác còn giúp chị ấy nhận về cả chục đơn làm hàng thủ công! Người tài như bác mà vào hợp tác xã thì nhất định sẽ có đất dụng võ!”
Bị kéo phăng mất lớp mặt nạ che giấu, bà Từ lập tức xấu hổ hóa giận dữ.
Bà cho con dâu làm chút việc thì đã sao chứ?
Con gái gả chồng như bát nước đổ đi, nếu không phải nhà họ Diệp xen vào thì đâu đến nỗi ra cơ sự thế này?
Nghĩ đến thiệt hại của nhà mình, bà Từ càng thêm đau lòng, vừa gào lên đòi nhà họ Diệp bồi thường vừa vung tay định đánh vào mặt con nhóc ranh kia.
Diệp Thủ Tín vội vàng dang tay chắn trước mặt con gái, bày ra vẻ “lợn chết không sợ nước sôi” nói:
“Con gái tôi còn nhỏ, biết gì về mấy chuyện đăng ký kinh doanh chứ! Giấy phép kinh doanh nhà bà là tôi giúp làm đấy, có muốn cảm ơn thì cảm ơn tôi này!”
“Bắt nạt người ta! Các người đúng là bắt nạt người quá đáng, tôi liều với các người luôn!”