Một cuộc kiểm tra sức khỏe đột xuất của Sở Giáo dục tỉnh đã khiến nhà họ Chu rối như canh hẹ.

Chu Chấn Nghiệp vừa nhận được tin đã lập tức bỏ dở công việc chạy vội về khu tập thể.

“Sao lại thế được? Sức khỏe của Tiểu Mục từ trước đến nay vẫn rất tốt, sao có thể không đạt tiêu chuẩn kiểm tra?”

Từ khi con trai chào đời, sự nghiệp của ông ta không ngừng thăng tiến, điều kiện sống trong nhà cũng ngày càng cải thiện. Con trai ông chưa từng chịu thiệt thòi gì về ăn mặc.

Nếu nói cậu ta có vấn đề sức khỏe, người đầu tiên không tin chính là Chu Chấn Nghiệp.

Lưu Vân sờ trán con trai một cái rồi nói: “Trước ngày kiểm tra nó hơi sốt nhẹ, người uể oải, bữa tối và sáng hôm sau đều không ăn gì. Mà Sở Giáo dục lại đột ngột thông báo kiểm tra, em đoán lúc đó nó căng thẳng quá nên mới bị vậy...”

Chu Mục nằm ngửa trên giường, nhắm chặt mắt không nói lời nào.

Cậu ta không kể sự thật với mẹ. Trên thực tế trước buổi kiểm tra, cậu ta đã bỏ liền ba bữa cơm.

Trưa hôm sau ngày tìm Diệp Mãn Chi để nói chuyện nối lại tình cảm, cậu ta cùng bạn bè đến một nhà hàng quốc doanh gần đó ăn cơm. Không ngờ lại bắt gặp Diệp Mãn Chi đang đi cùng hai người đàn ông.

Một người mặt bầu bĩnh, tóc uốn mặc đồ cán bộ; người kia thì mặc đồng phục trắng của cảnh sát khu vực.

Cả ba người đều ôm trong tay một chồng sổ như kiểu phiếu mua lương thực dày tới nửa mét.

Còn Diệp Mãn Chi thì mặc một chiếc áo sơ mi màu hồng đào quê mùa đến lạ thế mà lại khiến cô trông trắng trẻo lóa mắt. Tay chỉ xách ba hộp cơm, vừa đi vừa lượn lờ, nổi bật giữa hai người đàn ông.

Ba người vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ trước cửa nhà hàng. Có một thực khách đi ra suýt chút nữa đụng trúng Diệp Mãn Chi, may mà được tên cảnh sát trẻ dùng vai chắn lại.

Vừa liếc thấy cảnh tượng đó, Chu Mục lập tức mất cả khẩu vị.

Lại thêm việc Diệp Mãn Chi từng nói cô đã đi xem mắt và còn vừa ý người ta nữa khiến bát hoành thánh vừa mới bưng lên cậu ta chỉ ăn được hai miếng rồi đưa cho người khác.

Buổi chiều từ lớp dự bị về gặp mưa lớn bị ướt rồi lên cơn sốt nhẹ. Cậu ta ngủ luôn qua bữa tối hôm đó và cả bữa sáng hôm sau.

Với thể trạng của cậu ta, bỏ ăn vài bữa vốn không thành vấn đề, chỉ cần ăn bù là hồi lại được. Nào ngờ lại đúng lúc gặp trúng đợt kiểm tra sức khỏe đột xuất của Sở Giáo dục!

Lưu Vân sốt ruột nói: “Lão Chu à, hạ đường huyết đâu phải bệnh nghiêm trọng gì, anh xem có thể tìm ai nhờ vả xem có đường xoay xở không?”

“Nếu mà xoay được thì mấy người trước đây bị loại vì không đạt sức khỏe là cái gì?” Chu Chấn Nghiệp mặt tối sầm nhìn chằm chằm con trai hỏi: “Nói thật cho ba biết, trước hôm kiểm tra đã xảy ra chuyện gì? Sốt mà cũng khiến mày bỏ ăn à?”

Ông mơ hồ cảm thấy chuyện này có liên quan đến cô gái nhà họ Diệp.

Vài hôm trước bác cả Diệp đến nhà tặng quà, thằng nhóc này còn mừng rỡ như trúng số nói có thể cân nhắc chuyện nối lại tình xưa.

Mới nói chưa được mấy ngày, giờ lại ỉu xìu như không còn chút ý định gì nữa.

Chu Mục bị hỏi trúng tim đen, bực tức quay lưng hét lên: “Sốt thì mất khẩu vị không được à? Hỏi gì mà hỏi mãi! Hai người phiền chết đi được!”

Lưu Vân tức đến nghẹn lời: “Con nói chuyện với ba con kiểu gì thế hả!”

“Thôi đi,” Chu Chấn Nghiệp mặt đen như đáy nồi nói, “Trước tiên cứ tìm người xem có xin được tái kiểm không đã. Đúng là kiếp trước tôi nợ nó mà!”

Trong khi nhà họ Chu u ám rầu rĩ thì nhà họ Diệp lại rộn ràng như mở hội khi nghe tin.

“Hồi đó nhà họ dám giở trò với giấy khám sức khỏe của con, giờ thì hay rồi, con trai họ cũng bị loại vì kiểm tra không đạt! Ha ha ha...” Thường Nguyệt Nga cười sảng khoái, mua thêm hai cân sườn để cải thiện bữa ăn.

Diệp Thủ Tín cũng gạt hết nỗi buồn mấy ngày nay, gương mặt nở nụ cười tươi rói.

Dù trong lòng Diệp Mãn Chi nghi ngờ rằng có lẽ tên ngốc Chu Mục kia đã tuyệt thực.

Nhưng hiểu rõ tính cách của cậu ta, Chu Mục rất sĩ diện. Nếu đúng là vì tuyệt thực mà bị mất suất đi du học, cậu ta chắc chắn sẽ thấy xấu hổ, thà thừa nhận bị hạ đường huyết còn hơn là tự làm mất mặt vì tuyệt thực.

Dù thế nào đi nữa, nhà họ Chu gặp vận đen đối với nhà họ Diệp cũng là một tin vui lớn.

Nhân lúc cả nhà tâm trạng đang tốt, Diệp Mãn Chi rủ Thường Nguyệt Nga, chị dâu ba và chị dâu tư cùng đi đến trường tiểu học để nghe cô tuyên truyền về luật hôn nhân.

Ba người mẹ chồng – nàng dâu tối đến cũng không có việc gì nên vui vẻ đồng ý đi cổ vũ cán bộ Tiểu Diệp.

Nhưng khi họ đến trường đúng giờ, phòng học lớn phía đông sân trường đã chật kín người.

Ngoài cửa còn có rất nhiều chị em đang chuyển ghế tìm chỗ ngồi.

Nhìn đám đông chen chúc trong lớp học, chị dâu tư Thẩm Lượng Muội lẩm bẩm: “Trời đất ơi, không phải em út nói hoạt động tuyên truyền luật hôn nhân này chẳng có ai tới sao? Sao lại đông nghịt thế này?”

Hơn nữa quá nửa đều là những gương mặt thân quen trong khu tập thể.

Hoàng Lê chỉ vào bảng đen ra hiệu cho cô ấy tự xem.

Tuy nhiên Thẩm Lượng Muội chưa từng đi học, hồi mới giải phóng từng học lớp bình dân học vụ nhận biết được mấy chữ nhưng bỏ dở vài năm, giờ quên sạch sành sanh.

Chữ viết bằng phấn màu trên bảng, cô ấy chỉ nhận ra được hai ba cái.

Hoàng Lê đành phải đọc cho cô ấy nghe: “Hoạt động đặc biệt trong tháng tuyên truyền Luật Hôn nhân — Giới thiệu cho cư dân một số mẫu cắt may tiết kiệm vải đặc biệt.”

Phần lớn phụ nữ thế hệ trước đều biết chút nghề may vá, những gì có thể tự tay làm tuyệt đối không bỏ tiền ra mua.

Huống chi năm nay nhà nước đã bắt đầu áp dụng chế độ thu mua và phân phối vải vóc, mỗi người mỗi tháng chỉ có định mức tem phiếu vải, ai cũng cảm thấy số vải mình có không đủ dùng.

Hoạt động lần này do Diệp Mãn Chi đột nhiên nảy ra ý tưởng tổ chức, đúng lúc nắm trúng nhu cầu cấp thiết của các bà nội trợ.

Tin tức mở lớp vừa công bố, đám chị em phụ nữ lập tức đổ xô đến đăng ký.

Lúc này Diệp Mãn Chi và Trần Thái Hà đều không rảnh để tiếp chuyện người nhà, nhìn căn phòng học lớn phía đông sân trường chật kín các bà các cô trung niên, già có, trẻ có và đám trẻ con chạy nháo nhào khắp nơi, hai người đều hơi căng thẳng.

Trần Thái Hà nuốt nước bọt thì thào: “Nếu giờ mà nói với mọi người là trước tiên phải nghe tuyên truyền Luật Hôn nhân, chắc chúng ta bị người ta phun nước miếng chết đuối quá?”

“Không sao, nghĩ đến biên chế cán bộ của mình, bị chửi cũng ráng chịu. Chị Thái Hà, chút nữa ta chia việc ra làm, chị chịu trách nhiệm giảng Luật Hôn nhân, em chịu trách nhiệm bị chửi!”

Trần Thái Hà bị chọc cười: “Tới nước này còn giỡn được!”

Hoạt động này là do hai người cùng phụ trách, Diệp Mãn Chi phải biểu diễn cách cắt may cho mọi người xem, phần giảng Luật Hôn nhân tất nhiên do Trần Thái Hà đảm nhận.

Trước giờ vẫn là Chủ nhiệm Mục phụ trách phần đó, hôm nay là lần đầu tiên cô ấy đứng lớp.

Trần Thái Hà lo lắng bước lên bục giảng gõ gõ bảng đen.

Nghe tiếng động, các cư dân tưởng sắp được học cách tiết kiệm vải rồi liền dần dần im lặng.

Ai ngờ Trần Thái Hà vừa mở miệng đã là “Luật Hôn nhân” khiến khán giả bên dưới lập tức mất hứng.

Lúc đầu còn nể mặt cán bộ trẻ, mấy người chỉ rì rầm phàn nàn với người bên cạnh nhưng Trần Thái Hà giảng mãi không dứt, cuối cùng có người không nhịn được cất tiếng ngắt lời:

“Tôi nói này cán bộ Tiểu Trần, trên bảng thông báo rõ ràng là dạy cắt may, sao tới đây lại biến thành như này?”

“Đúng vậy đó!”

“Mấy người nói không giữ lời, sau này ai còn dám đi mấy hoạt động của khu phố nữa?”

Thấy tình hình bắt đầu loạn, Diệp Mãn Chi và Trần Thái Hà nhìn nhau một cái, vội theo đúng kế hoạch đã bàn trước cầm phấn và vải bước lên bục giảng, đổi người.

Cô lắc đầu cười khổ: “Mọi người đúng là không nể mặt chút nào, chẳng ai chịu nghe chúng tôi tuyên truyền Luật Hôn nhân cả! Thôi được, đã muốn học cắt may, vậy tôi sẽ giới thiệu đầu tiên là mẫu áo sơ mi cổ vuông kín, tay liền, túi nổi – kiểu mà các chị em hay mặc nhất.”

Để hàng ghế sau cũng nhìn rõ, cô dùng cả bảng đen như một tấm vải lớn vẽ lên đó mẫu cắt kích thước thật.

Thấy cô bắt đầu giảng bài nghiêm túc, lớp học dần yên tĩnh lại.

“Thế còn được, nên dạy mấy cái có ích như thế này. Mấy điều luật Luật Hôn nhân ấy nói nghe có ích gì?”

Diệp Mãn Chi ngừng việc đánh dấu số đo quay đầu lại nói: “Bà Vương à, chính bà mới là người nên nghe tuyên truyền Luật Hôn nhân đấy. Nếu bà chịu nghe sớm, chuyện của con gái bà đã giải quyết xong từ lâu rồi.”

Người khác không hiểu chuyện tò mò hỏi: “Con gái bà Vương sao thế?”

Người ở cùng tòa nhà với bà Vương liền tiếp lời: “Con rể bà ấy thời trước giải phóng đi buôn, bảy tám năm rồi chưa thấy về. Dạo này con gái bà ấy không muốn đợi nữa, định tái giá nhưng nhà chồng cũ cản không cho, còn giấu cả đứa nhỏ đi.”

Con dâu bà Vương vội hỏi: “Cán bộ Tiểu Diệp, chuyện của chị chồng tôi cô có cách gì không?”

Diệp Mãn Chi lắc đầu: “Mọi người còn muốn học cắt may mà, chuyện nhà chị để lúc khác đi.”

“Đừng thế, cô có cách thì cứ nói ra để mọi người cùng góp ý.”

“Đúng rồi cán bộ Tiểu Diệp, chúng ta cùng giúp một tay!”

“Được rồi,” Diệp Mãn Chi không làm cao nữa, đặt viên phấn xuống nói, “Bà Vương, chuyện này then chốt không nằm ở bên nhà chồng.”

“Vậy then chốt là gì?”

“Then chốt là phải xác định được sống chết của con rể bà đã. Nếu anh ta chết rồi thì con gái bà có quyền tự do tái hôn, chẳng ai can thiệp được. Còn nếu còn sống thì phải hai người cùng nhau làm thủ tục ly hôn. Cưới hay ly dị đều là chuyện của hai người họ, không liên quan đến nhà chồng, họ nói gì cũng vô dụng.”

“Vấn đề chính là ở chỗ đó đấy! Lưu Chí Quốc đi biệt tăm bảy tám năm rồi, ai mà biết cậu ta còn sống hay đã chết!” Bà Vương vội vàng hỏi, “Người này cứ mãi không xuất hiện, chính quyền cũng không cấp giấy ly hôn, cán bộ Tiểu Diệp, cô có cách gì không?”

“Cái này thì phải xem quyết tâm của con gái bà thôi. Nếu cô ấy thật sự quyết tâm rời khỏi nhà chồng thì có thể nộp đơn ly hôn lên tòa án. Khi đó tòa sẽ đăng báo tìm người chồng mất tích, trong thời gian quy định nếu anh ta vẫn không hồi âm thì tòa sẽ phán cho ly hôn.”

Bà Vương liên tục lắc đầu, “Một vụ kiện là kết thù ba đời, nhà nào tốt lành lại đi kiện cáo chứ?”

“Cho nên tôi mới hỏi con gái bà có thật sự muốn tái giá hay không.”

Ủy ban khu phố mỗi thứ Hai, Tư, Sáu đều tổ chức học tập, vừa tuyên truyền với cư dân vừa để những cán bộ nhỏ như họ được rèn luyện.

Tình huống của con gái bà Vương khá giống với một trường hợp mà họ từng học qua, cuối cùng cũng phải nhờ đến tòa án.

Diệp Mãn Chi vỗ tay cắt ngang tiếng bàn tán xôn xao trong lớp học, mỉm cười nói: “Tình huống tương tự ủy ban khu phố mình cũng gặp không ít rồi, ví dụ như chuyện nuôi con ngoài giá thú hoặc chuyện cô dâu trẻ có thể tìm bạn đời mới sau khi chồng nhập ngũ… Nhưng hôm nay chúng ta đến để học cách cắt may, tôi sẽ không làm mất thời gian của mọi người nữa.”

Các chị em nghe đến say mê, còn định nghe cô kể tiếp về chuyện “cô dâu trẻ”, kết quả là câu chuyện lại bị cắt ngang, người ta không kể tiếp nữa rồi!

“Được rồi được rồi, để tôi nói tiếp về chiếc áo sơ mi nữ này nhé! Mình lấy vải voan hoa làm ví dụ, với thân hình tiêu chuẩn thì tối đa chỉ cần 3 thước 7 vải. Phần vai chỗ tay áo có thể chừa ra một đến hai tấc,” Diệp Mãn Chi giơ thẳng tay lên cao, “Chừa ra phần này để khi giơ tay không bị kéo tung áo lên…”

“Ừm, cách của cán bộ Tiểu Diệp hay đấy, áo sơ mi ngắn đúng là hay gặp vấn đề như vậy.” Người nói là một nữ thợ trong hợp tác xã may mặc của khu phố.

Cách cắt may được giới chuyên môn công nhận khiến các chị em vốn còn bán tín bán nghi bắt đầu coi trọng hơn nội dung bài giảng của Diệp Mãn Chi.

Ngay sau đó bên dưới đã có người giơ tay hỏi:

“Cán bộ Tiểu Diệp, nếu tôi dùng vải bông may kiểu áo này thì cần bao nhiêu vải? 3 thước 7 có đủ không?”

“Tôi lấy vải voan hoa làm ví dụ là vì khổ vải của nó hẹp nhất, chỉ có 1 thước 92. Nếu đổi sang vải bông hay vải lụa thì lại càng tiết kiệm hơn, với người thân hình chuẩn thì không cần tới 3 thước 7 đâu.”

“Cán bộ Tiểu Diệp, tôi thấy cổ áo trên bản vẽ chỉ có một lớp thôi, một lớp nhìn có đẹp không?”

“Cổ áo một lớp sẽ tiết kiệm được hơn 3 tấc vải so với cổ áo hai lớp. Nếu chị thấy không đẹp, có thể làm như tôi,” Diệp Mãn Chi kéo cổ áo của mình ra, “viền thêm ren vào cổ áo. Dù sao thì mua ren không cần phiếu, còn vải thì có nên tiết kiệm được chừng nào hay chừng ấy.”

Diệp Mãn Chi rất kiên nhẫn, lần lượt trả lời từng câu hỏi của mọi người.

Với những câu cô không trả lời được, cô sẽ nhờ Thường Nguyệt Nga – người dạy cô cắt may – và các chị thợ của hợp tác xã hỗ trợ giải đáp.

Mọi người chia sẻ kỹ xảo trao đổi kinh nghiệm khiến cả buổi học Diệp Mãn Chi chỉ kịp giới thiệu được một mẫu áo sơ mi nữ.

Dù vậy vẫn còn một số chị em không biết chữ theo không kịp, kêu lên rằng cán bộ Tiểu Diệp giảng nhanh quá!

Diệp Mãn Chi bàn bạc với Trần Thái Hà một lúc sau đó quay lại thông báo với mọi người: “Tiếp theo chúng ta còn giới thiệu cách cắt quần lót, quần áo cán bộ nam nữ, quần áo trẻ em, đầm váy, quần lót kiểu Tây cho cả nam và nữ. Ai quan tâm thì giơ tay nào!”

Soạt soạt soạt — gần như tất cả mọi người đều giơ tay.

“Vậy chúng ta sẽ tổ chức lớp học vào thứ Ba, Năm, Bảy hằng tuần tại phòng học này, mỗi ngày giới thiệu một mẫu cắt may. Nhưng trước hoặc trong giờ học sẽ có phần tuyên truyền về Luật Hôn nhân, ai muốn thì cứ đến học.”

Bên dưới có một bác lớn tiếng hỏi: “Cán bộ Tiểu Diệp, vậy cái chuyện cô dâu trẻ sau khi chồng nhập ngũ có thể tìm đối tượng mới hay không rốt cuộc thế nào?”

Diệp Mãn Chi cười theo mọi người, xua tay nói: “Hôm nay muộn rồi, buổi tuyên truyền sau chúng ta sẽ nói tiếp chuyện đó.”

Thật ra thì chính cô cũng không rõ liệu cô dâu trẻ có được tìm đối tượng mới hay không. Theo điều 2 của Luật Hôn nhân, cô dâu trẻ bị cấm làm như vậy; nhưng nếu người đàn ông là quân nhân cách mạng tại ngũ thì lại phải xét đến điều 19 của Luật Hôn nhân.

Vì vậy để lần tuyên truyền sau không nói bừa, cô còn phải tranh thủ thời gian lên cơ quan hỏi cấp trên nữa.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play