Diệp Mãn Chi không muốn dây dưa quá nhiều với Chu Mục và gia đình cậu ta. Giống như lời chị dâu ba đã nói, đã chia tay rồi thì ai đi đường nấy, sống yên ổn là được, đừng để dính líu thêm nữa.

Tối nay cô còn phải tham gia đại hội quần chúng do khu phố tổ chức, liền nói dăm ba câu đuổi khéo Chu Mục rồi vội vã chạy đến trường tiểu học con em cán bộ.

Gần đây thành phố đang triển khai chiến dịch “Tháng tuyên truyền Luật Hôn nhân”, các quận huyện và khu phố đều phải tiến hành một đợt vận động rầm rộ chưa từng có.

Phần lớn cư dân khu phố Quang Minh là công nhân và gia quyến của Nhà máy 856. Họ đến từ khắp mọi miền đất nước, giọng nói khác nhau, hiểu biết về Luật Hôn nhân cũng không đồng đều. Vì vậy ủy ban khu phố Quang Minh trở thành một trong những đơn vị trọng điểm được thành phố theo dõi.

Khi Diệp Mãn Chi đến được trường tiểu học, sân vận động chỉ lác đác mấy chục người ngồi.

“Bác Lý ơi, ủy ban khu phố mình đã thông báo đến từng hộ rồi mà sao chỉ có ngần này người đến?”

“Báo rồi, báo tận nhà từ sớm rồi ấy chứ. Nhưng cái việc phổ biến Luật Hôn nhân này y như đi học vậy. Người ta không muốn tới mình cũng không thể kéo ép họ được! Mấy người ngồi kia là tôi phải chắp vá mãi mới có đó!”

Diệp Mãn Chi và Trần Thái Hà liếc nhìn nhau, vẻ mặt đầy bất lực.

Hai người họ phụ trách hỗ trợ Ủy ban cư dân số Năm và số Sáu trong việc tuyên truyền Luật Hôn nhân ở cơ sở.

Hai ủy ban này quản lý gần năm nghìn cư dân mà bây giờ mới có mấy chục người tới — chẳng đáng là bao!

Trần Thái Hà đưa ra một đề xuất chẳng ra sao: “Hay là mỗi người chúng ta về gọi thêm ít người tới cho đủ số? Dù sao cũng phải qua được buổi hôm nay cái đã!”

Việc phục vụ nhân dân thì hơi xa vời với hai người họ lúc này. Cả hai vẫn đang trong thời gian thử việc, mục tiêu quan trọng hơn là trở thành cán bộ chính thức của khu phố.

Diệp Mãn Chi nhìn ra cổng trường thở dài tiếc nuối: “Giờ có gọi người cũng không kịp nữa rồi, chủ nhiệm Mục đến rồi.”

Mục Lan đảo mắt nhìn quanh, khá hài lòng với khẩu hiệu và tranh cổ động được treo tại hiện trường nhưng vừa thấy số người tham dự thì lập tức nhíu mày.

Bà là một trong số ít nữ cán bộ cơ sở có trình độ cao thời đó, bình thường rất ít khi chỉ trích cấp dưới nơi công cộng.

Dù trong lòng rất không vui, bà vẫn giữ thể diện cho hai người họ: “Hôm nay là lần đầu hai người tổ chức động viên, cứ xem như là buổi diễn tập. Mau nghĩ thêm vài cách nữa làm sao để buổi sau có nhiều người đến hơn. Luật Hôn nhân nhất định phải phổ biến đến mọi nhà, ăn sâu vào lòng dân!”

Nói xong, bà bước thẳng lên sân khấu phát biểu, dẫn chứng từ các trường hợp thực tế trong công tác, nhấn mạnh hậu quả của bạo lực và ngược đãi phụ nữ trong hôn nhân. Không khí tại buổi diễn thuyết rất tốt — tiếc là người nghe quá ít.

Diệp Mãn Chi trong lòng không khỏi áy náy, cảm thấy đã uổng phí tâm huyết của chủ nhiệm Mục.

Hôm sau đến cơ quan, cô và Trần Thái Hà như hai học sinh sợ bạn cùng bàn thi điểm cao hơn, vừa thấy Lưu Kim Bảo liền hỏi: “Bên ủy ban số Ba và số Bốn thế nào rồi?”

“Cũng chẳng khá hơn đâu, chỉ hơn bốn mươi người. Phó chủ nhiệm Trương mắng tụi tôi một trận, bảo bọn tôi chỉ lo uốn tóc kẻ chân mày, không chuyên tâm làm việc.”

“Không sao, bên bọn tôi cũng chẳng ra gì, mình nghĩ cách khác vậy.”

Lưu Kim Bảo thở dài: “Tôi nghe Trang Đình nói mấy buổi tuyên truyền kiểu tự nguyện này tỉ lệ người đến thường thấp lắm, gấp cũng chẳng ăn thua.”

Vài tân binh cùng nhau động viên lẫn nhau, ai nấy cũng thấy nhẹ lòng hơn đôi chút.

Diệp Mãn Chi nghĩ hoạt động còn kéo dài cả tháng cơ mà, thời gian vẫn còn nhiều.

Ai dè cái mặt búng ra sữa như Lưu Kim Bảo mới vừa bảo đừng vội cứ từ từ, quay đi quay lại đã liên hệ được một đoàn nghệ thuật dân gian tổ chức hẳn một buổi diễn ngoài trời ngay ở bãi đất trống trước kho lương thực!

Thời đó đâu có mấy hoạt động giải trí, dù sống ở thành thị phần lớn mọi người trời tối là đi ngủ.

Hôm biểu diễn, bên cô tuy không đến mức “vắng như chùa bà Đanh” nhưng cũng gần như vậy rồi.

Trần Thái Hà lo tới đau răng, vừa ôm má vừa hỏi: “Tiểu Diệp, mình làm sao đây? Hay là chúng ta thử liên hệ bên chiếu phim?”

Dì Phụng ngồi bên cạnh đọc báo liền chế giễu: “Mấy đứa trẻ tụi bây đúng là hào phóng, đi làm mà còn phải bỏ tiền túi. Khu phố mình không có khoản chi cho mấy vụ như diễn nghệ thuật hay chiếu phim đâu, các cô làm thì tự bỏ tiền ra đi.”

“Cháu nghe nói đoàn nghệ thuật không lấy tiền diễn mà?”

“Không lấy tiền diễn thì phải bao cơm. Ăn uống đâu phải miễn phí? Nhiêu đó người tiêu tốn bao nhiêu lương thực biết không?”

Diệp Mãn Chi kéo tay Trần Thái Hà: “Mục đích chính của mình là tuyên truyền Luật Hôn nhân, xem phim chẳng truyền đạt được thông điệp gì cả. Mình nghĩ cách nào đó không tốn tiền đi.”

Hai người họ không có tài lực như Lưu Kim Bảo.

Từ khi Lưu Kim Bảo nhờ cô may đồ, cô đã đoán được anh ta có tiền rồi.

Người ta đặt may đồ chẳng hề để ý giá vải, chỉ quan tâm mặc lên đẹp hay không.

Diệp Mãn Chi tự thấy mình không đủ điều kiện tài chính để chơi trội kiểu đó.

Thế nhưng ở khu dân cư số Năm và Sáu, mấy buổi tuyên truyền liên tiếp vẫn không gây được tiếng vang gì. Ngoài vài cư dân tích cực, phần lớn đều thấy cuộc sống đang yên ổn đi nghe Luật Hôn nhân chỉ tổ mất thời gian.

Hiệu quả công việc ảm đạm khiến Diệp Mãn Chi ăn cũng không thấy ngon.

Nếu là trước đây cô còn có thể về nhà hỏi ý kiến người thân nhưng giờ vì chuyện anh ba bị hủy tư cách đi Liên Xô, trong nhà họ Diệp ai nấy đều như có mây đen phủ đầu.

Cô trong lòng có tật, không dám lại gần ba nên ăn xong là trốn về phòng luôn.

“Lai Nha!” Anh tư đứng ngoài cửa gõ, “Diệp Lê Hoa có trong phòng em không?”

“Nó lại làm gì anh rồi?”

Gọi cả họ lẫn tên ra, chắc chắn là con mèo nhỏ gây họa rồi.

Anh tư tức điên: “Nó ăn mất Tiểu Thanh của anh rồi!!”

“Không thể nào? Nếu anh nói nó ăn cá trong bể thì còn tin được chứ sao mà ăn được ve sầu?”

Chẳng trách hôm nay không nghe tiếng ve sầu kêu khản cổ — hóa ra là bị Lê Hoa xử lý rồi!

“Sao lại không thể! Cả nhà có nó béo nhất mà vẫn không tha cho Tiểu Thanh!”

Diệp Mãn Quế gần như muốn khóc. Đó toàn là tiền của anh ta mà!

“Anh thử tìm lại xem, mèo con sao lại làm vậy được? Nó không thích ăn ve sầu đâu, chắc là ve tự chạy mất thôi.”

Diệp Mãn Chi vừa an ủi vừa đuổi được ông anh đang lầu bầu đi. Cô quay vào nhìn con mèo với vẻ nghiêm nghị: “Mày giấu ve sầu ở đâu?”

“Meo meo meo~” Lê Hoa nhảy phắt lên bàn học, tao nhã ngồi bên chồng sách vẽ.

Diệp Mãn Chi bỗng có linh cảm không lành...

Đống sách đó là bảo bối phát tài của cô!

Hồi xưa làm nghề may mà nổi lên được cũng nhờ mấy quyển sách vẽ đó.

Cô vốn mê váy đẹp, lại vì muốn kiếm bảy hào tiền công mỗi bộ nên đã chạy khắp các cửa hàng trong thành phố vẽ lại gần như toàn bộ mẫu váy xuân hè đẹp trong tủ kính.

Khách chọn mẫu từ sách vẽ rồi đi mua vải may, vừa đẹp vừa rẻ!

Cô cố nén cảm giác ghê tởm nhấc quyển trên cùng lên lắc thử...

Quả nhiên!

Một con ve sầu màu xanh đen đã bị đè bẹt "bịch" một cái rơi xuống đất!

“Diệp! Lê! Hoa!!!”

Chưa kịp truy cứu, Lê Hoa đã nhảy qua cửa sổ trốn mất!

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play