Sau ngày hôm đó, tin tức về việc nhà máy 856 sắp mở rộng và thu hồi đất dần lan truyền.
Chuyện phải di dời mồ mả khiến nhiều hộ dân bản địa trong khu tập thể quân giới xôn xao.
Trong hành lang, không ít thân nhân công nhân lớn tuổi thường xuyên qua lại hỏi han, lén lút tìm người giới thiệu thầy bói hay bà đồng đáng tin.
Mộ tổ nhà họ Diệp ở quê, lần thu hồi đất mở rộng này không ảnh hưởng gì đến nhà họ.
Thế nhưng mấy ngày sau, một thông báo bất ngờ từ văn phòng nhà máy khiến cả nhà họ Diệp như nổ tung!
Diệp Mãn Đường – người sắp sửa lên đường đi thực tập ở nhà máy ô tô Stalin, người khiến mồ tổ nhà họ Diệp “bốc khói xanh” – lại bị nhà máy hủy tư cách đi Liên Xô!
Chuyện này chẳng khác nào đào mộ tổ nhà họ Diệp!
Vừa nghe tin, bác cả và bác gái nhà họ Diệp liền tức tốc chạy đến khu tập thể trong đêm.
“Không phải nói là tháng sau sẽ ra nước ngoài sao? Sao giờ lại bị đá khỏi danh sách?”
“Có người dùng tên thật tố cáo với nhà máy, nói là thâm niên làm việc thực tế của cháu không đủ điều kiện đi Liên Xô.”
“Vậy thâm niên của cháu rốt cuộc có đủ không?” – Hai vợ chồng bác cả đồng thanh hỏi.
“Trước thì đủ, bây giờ thì không nữa.”
Phòng nhân sự nhà máy vừa gửi thông báo mấy hôm trước, trong đó có một điều khoản giải thích cụ thể về cách tính thâm niên làm việc.
Theo cách tính mới, thâm niên chính thức của Diệp Mãn Đường chỉ là hai năm, không đủ tiêu chuẩn đi Liên Xô.
Và chỉ một ngày sau khi thông báo được ban hành, anh ấy liền bị một công nhân già – tên tuổi chưa từng nghe tới – dùng tên thật tố cáo.
Rõ ràng có người cố tình chơi xấu để giành suất đi Liên Xô.
Bác cả đập bàn: “Tôi đã nói từ đầu rồi, chuyện hôn sự của con út phải cẩn trọng vậy mà mấy người không chịu nghe vội vàng hủy hôn. Giờ thì hay rồi, đến cả Mãn Đường cũng bị nó vạ lây, suất ra nước ngoài ngon lành bị người khác giật mất!”
“Bác à, quy định là do nhà máy thay đổi, có liên quan gì đến con út chứ?”
So với người nhà đang bối rối rối rắm, trong lòng Diệp Mãn Đường lại khá bình thản, tuy mất cơ hội đi Liên Xô thì tiếc thật nhưng ít ra cũng được cái này mất cái kia, không cần phải ly hôn với vợ nữa.
“Lúc nào chẳng sửa, sao lại đúng ngay trước khi cháu ra nước ngoài? Không phải cố ý thì là gì?” – Bác cả quay sang dạy dỗ em trai – “Nếu con út chưa hủy hôn, ít nhất nhà máy cũng còn có người đứng ra nói giúp Mãn Đường! Giờ không thể sĩ diện nữa, phải đến nhà họ Chu nói chuyện!”
Bác gái cũng kéo tay Diệp Mãn Chi khuyên nhủ: “Lai Nha, con hiểu chuyện mà, lần này phải giúp anh ba con một tay!”
Nhà bác cả vốn định dựa vào phó xưởng trưởng Chu tìm cách đưa cháu đích tôn mới tốt nghiệp cấp hai vào làm việc tại nhà máy 856, ai ngờ hai nhà lại đột ngột cắt đứt, kế hoạch cũng tan theo mây khói.
Diệp Mãn Chi chỉ ậm ừ qua chuyện.
Vì chính cô là người đã âm thầm bày kế cho chị dâu ba, thấy mọi chuyện gần như thành công, sao cô có thể rút thang giữa chừng?
Diệp Thủ Tín đang lo lắng cho chuyện của con trai, nghe nhắc tới nhà họ Chu thì càng thêm phiền nói: “Anh à, con gái tôi đâu phải ế, việc gì cứ phải treo cổ trên cái cây cong vẹo nhà họ Chu? Hồi đó là nhà họ Chu phụ bạc chúng ta, tôi tuyệt đối không đến năn nỉ họ!”
“Cậu không đi thì chuyện của Mãn Đường biết tính sao? Bố mẹ dưới quê biết ăn nói thế nào? Người ta đốt pháo mở tiệc ăn mừng cả rồi!”
Đừng nhìn Diệp Thủ Tín đặt tên con nghe có vẻ học thức – nào là “Kim Ngọc Mãn Đường”, “Quế Lâm Nhất Chi” – thật ra trong đám con chỉ có mình Mãn Đường học hành ra hồn, mấy đứa còn lại đều trông chờ không nổi.
Nếu Mãn Đường mất suất đi Liên Xô, không biết bao giờ mới có cơ hội khác làm rạng rỡ tổ tiên.
Cả nhà em trai toàn đầu óc cứng nhắc, bác cả phất tay: “Thôi được rồi, để tôi về nghĩ cách xem sao.”
Bác cả vốn là thủ kho nguyên liệu của nhà máy thuốc lá, hai năm trước vì xảy ra thiếu hụt nguyên liệu nên bị điều sang làm bảo vệ cổng. Với điều kiện như ông ấy rõ ràng chẳng giúp gì được chuyện đi Liên Xô nên mọi người cũng chỉ xem như khách sáo.
Ai ngờ chưa đến hai ngày sau lời ông ấy nói, Diệp Mãn Chi liền bị Chu Mục chặn lại trên đường tan làm.
Chu Mục chắn trước mặt cô đắc ý nói: “Nghe nói cậu hối hận rồi? Muốn quay lại với tôi?”
Diệp Mãn Chi nhìn ánh tà dương ngả về Tây mỉa mai đáp: “Cậu nằm mơ giữa ban ngày à? Ai nói muốn quay lại với cậu, cậu đi hỏi người ta đi!”
“Chính là bác cậu tới nhà tôi, nói rõ ràng!”
“Vậy cậu cứ quay lại với bác tôi đi!”
Chu Mục đuổi theo cô hớn hở nói: “Rõ ràng cậu đã hối hận mà còn không chịu thừa nhận! Hôm đó thấy tôi ăn cơm với Tô Dĩnh cậu còn ghen nữa!”
“…” Diệp Mãn Chi cạn lời, “Cậu nhìn đâu ra tôi ghen?”
“Ha, em còn mượn rượu giải sầu, uống đến say khướt!”
Từ sau khi bác cả Diệp đến nhà tặng quà, Chu Mục luôn trong trạng thái cực kỳ hưng phấn.
Thật ra sau khi hủy hôn, trong lòng anh ta luôn có cảm giác không thật – cứ thấy như Diệp Mãn Chi chỉ đang giận dỗi, hết giận rồi sẽ lại tìm anh ta như trước.
Bác cả tới tặng quà chẳng khác nào xác nhận suy nghĩ trong lòng anh ta.
“Tôi đã nói với mẹ tôi rồi, chuyện hủy hôn trước kia không tính, chúng ta vẫn còn…”
Diệp Mãn Chi ngắt lời hắn: “Tôi nghe nói nhà cậu đã giới thiệu đối tượng cho cậu rồi?”
“Có chuyện đó nhưng là bố mẹ tôi giới thiệu, tôi đâu có ưng ai…”
Diệp Mãn Chi lại ngắt lời: “Nhà tôi cũng sắp xếp cho tôi đi xem mặt rồi, tôi ưng người ta.”
“Không thể nào! Cậu xem mặt với ai? Sao tôi không biết?”
“Có gì mà không thể? Ba mẹ cậu không thích tôi, cậu cũng không tốt với tôi, tôi việc gì phải đứng yên chờ cậu quay lại?”
Chu Mục trừng mắt nhìn cô như muốn tìm ra dấu vết nói dối trên mặt.
Diệp Mãn Chi thản nhiên nói thẳng: “Bác tôi muốn nhờ nhà cậu giúp chuyện nên mới lấy tôi ra làm cái cớ. Cậu cũng tỉnh táo chút đi…”
Thấy cô không giống như giả vờ, Chu Mục thất vọng lại nổi cơn “ngốc tử” hét lên: “Cậu đúng là vô vị! Chính miệng nói còn không dám nhận! Tôi mặc kệ, cậu phải quay lại với tôi, nếu không tôi tuyệt thực!”
“…” Diệp Mãn Chi chẳng chiều cái tính công tử của anh ta, lạnh lùng dứt khoát: “Vậy thì tuyệt thực đi.”