Chỉ là, hiện tại vẫn chưa có cách gì, nàng cũng chỉ có thể yên ổn ở lại.
Sau đó mấy ngày, Tấn Khác cảm thấy mình chịu đủ mọi uất ức.
Nàng bị ép đi theo Tiểu Đào, nhổ cỏ ngoài ruộng, bắt cá dưới sông, bị bùn văng đầy người, cuối cùng lại chẳng thấy bóng dáng con cá nào.
Trong tầm mắt của Tấn Khác, nơi nơi đều hoang tàn.
Thỉnh thoảng, Tiểu Đào cũng đi cùng nương nàng vào thành bán mấy món đồ cha đan xong.
Nương không dám lớn tiếng rao bán trong thành, sợ dẫn tới nha dịch tuần tra nên chỉ ngồi xổm ở góc tường, chờ người tới hỏi.
Đồ bán rất chậm.
Họ đã vào thành hai lần mà đồ vẫn chưa bán hết, nhưng công việc đồng áng gấp rút, nương không thể đi nữa, liền để Tiểu Đào dẫn theo Lê Tử vào thành.
Trước đó, Lê Tử chưa từng vào thành nên nàng rất hiếu kỳ.
Tiểu Đào nắm chặt tay Lê Tử, sợ muội muội mình bị lạc.
Tiệm bánh bao bên đường tỏa ra mùi thơm dụ người.
Lê Tử quay đầu nhìn, nàng chưa từng ăn thứ này bao giờ.
Tiểu Đào cũng chưa từng ăn, nhưng nàng rất xót muội muội.
“Không được ăn,” Tiểu Đào ghé tai Lê Tử thì thầm: “Cái đó làm từ thịt người, chỉ có kẻ ác độc mới ăn.”
“Không phải Vương nhị ca trong làng bị bệnh chết sao, thi thể của hắn bị đưa tới đây đấy.”
Lê Tử bị dọa sợ, nàng lập tức thu ánh mắt lại, không dám nhìn thêm.
Nhưng Tấn Khác ở trong thân thể Tiểu Đào, nghe được tiếng nuốt nước bọt khe khẽ của cô bé.
Tấn Khác chỉ cảm thấy nực cười.
Chỉ là một cái bánh bao mà thôi.
Cung nữ trong cung còn lấy bánh bao cho cá ăn kia kìa.
Vậy mà nó lại trở thành món ngon ngoài tầm với của hai đứa trẻ.
Chuyện này tuyệt đối không thể xảy ra ở nước Đại Tấn của họ.
Tấn Khác nghĩ, nước Đại Tấn họ trị quốc anh minh, dân chúng yên ổn, sao có thể có chuyện như thế này chứ.
….
Tấn Khác cảm thấy mình thật sự chịu khổ lớn rồi.
Nàng thật sự không chịu nổi khi nhìn thấy những thứ bẩn thỉu.
Nhưng việc Tiểu Đào làm mỗi ngày đều là việc bẩn.
Cô bé không phải đi làm đồng, thì là lên núi chặt củi.
Có lúc, Tiểu Đào nổi lên tính trẻ con, cô bé thấy sâu bọ trên cây lúa còn ngồi xổm xuống nhìn chăm chú một lúc.
Tấn Khác bị nhốt trong thân thể cô bé, cũng chỉ có thể đối mặt với con sâu gớm ghiếc đó.
Nàng muốn hét lên điên cuồng nhưng lại không thể phát ra tiếng.
Tấn Khác còn thấy đủ loại bùn đất, ngoài ra, Tiểu Đào còn phải giúp Quả Tử lau mông nữa.
Tấn Khác bị ép phải nhìn mông trần của một đứa nhỏ.
Tiểu Đào dùng lá cây lau mông cho đệ đệ mình, lau xong, bé còn cẩn thận nhìn kỹ lá cây, xác nhận bên trên không có sâu.
Tiểu Đào nghe nói đứa trẻ nào mà trong phân có sâu thì đứa trẻ ấy rất khó sống. Đệ đệ nàng không có, nàng mới yên tâm được.
Tấn Khác nhìn thấy vật màu vàng trên lá cây thì sụp đổ tới mức tuyệt vọng.
Nàng dùng trong nhà xí trong cung đều là đồ làm từ ngọc ấm, bên dưới lót đầy bột trầm hương và từ trước đến nay, Tấn Khác chưa từng thấy vật luân hồi của ngũ cốc nên giờ cả người đều không ổn.
(*ngũ cốc luân hồi là cách nói văn hoa để chỉ việc đại tiện)
Nhưng sau mấy lần bị chấn động mạnh, Tấn Khác lại trở nên bình tĩnh hơn nhiều, sau này thấy gì, nàng cũng không quá ngạc nhiên nữa.
Thậm chí nàng còn bắt đầu thấy quen cơ.
Nhưng nàng thực sự không hiểu tại sao nhà này lại nghèo đến mức ấy.
Mà điều khiến nàng không thể hiểu nhất là đã nghèo như vậy rồi, họ vẫn nỗ lực sống tiếp.
Tấn Khác là quý nhân, đương nhiên không thể chịu đựng loại cuộc sống hèn mọn này.
Nhưng đám người này cứ như vậy mà sống, lại chẳng hề oán trách gì cả.
Tấn Khác không hiểu nên nàng chỉ lặng lẽ quan sát, coi như là thấu hiểu dân tình, cũng đợi thời cơ của mình.
Gia đình này cứ thế sống cuộc đời bình thường của họ.
Ngày thường, người cha bị mất một chân vì lao động sẽ nằm trên giường, đợi Tiểu Đào nhặt cành cây về thì đan vài thứ nhỏ.
Lê Tử thì dắt em trai Quả Tử đi hái rau dại có thể ăn mỗi ngày. Thỉnh thoảng may mắn, chúng còn có thể bắt được mấy con châu chấu để mang về nướng, coi như cải thiện bữa ăn cho cả nhà.
Quả Tử mới hai tuổi, hắn không làm được việc gì nhưng chưa từng gây phiền phức, lúc nào cùng đám rau dại ngoan ngoãn ngồi trong địu sau lưng tỷ mình, còn có thể giúp nhặt rau nữa.
Còn nương thì việc gì cũng làm mỗi ngày.
Làm ruộng, bán đồ đan…
Mà Tiểu Đào là đại tỷ, nàng cũng gánh vác việc nhà.
Nàng theo mẹ đi làm đồng, cũng làm mấy việc nặng mà đệ muội mịn không làm nổi như nhặt củi, gánh nước v.v…
Sáng sớm vừa dậy, cả nhà ăn một bữa, sau đó ai vào việc nấy, chờ đến khi mặt trời lặn mới cùng nhau ăn bữa tối.
Vậy nhưng trên bàn cơm vĩnh viễn là một chậu rau và mỗi người một bát cháo loãng.
Thật sự chẳng có gì đáng nói hết.
Tấn Khác chưa từng thấy bữa ăn nào đơn sơ như vậy, cũng chưa từng thấy ai bẩn như vậy.
Nàng vô cùng nhớ cung điện có nền lát bằng bạch ngọc, tường trộn hương liệu, bất cứ lúc nào cũng thoảng mùi thơm của mình.
Giường lớn của nàng được chạm khắc hình tiên nữ cửu thiên.
Quần áo của nàng không có lấy một nếp nhăn, dính một chút bụi cũng phải bỏ đi…
Tuy nàng có rất nhiều thứ, thậm chí tương lai có thể có được cả thiên hạ. Nhưng hiện tại nàng chỉ có thể giống như một hồn ma mà nhìn đám người dơ dáy này.
Gia đình này không hề biết đến sự tồn tại của Tấn Khác, họ vẫn sống như bình thường.
Dù bận rộn, ba đứa trẻ cũng nhớ khi trời nắng thì đỡ cha ra phơi nắng.
Dù mệt mỏi, buổi tối nương vẫn kể chuyện ma truyền lại trong làng cho bọn trẻ nghe.
Dù cuộc sống khổ cực, mỗi sáng cha vẫn tết tóc cho các nữ nhi.
Tấn Khác nhìn, nàng cũng cảm nhận và lặng lẽ nếm ra chút hương vị trong lòng.
Chút hương vị này, bản thân nàng chưa từng có, cũng không thể nói thành lời.
Nhưng nàng hiểu được đại khái, cái vị này trong cuộc sống khổ cực này chính là lý do để họ tiếp tục sống.
Tấn Khác dần thu lại ánh nhìn khinh thường của mình.
Dù sao đi nữa, họ cũng không hại ai, chỉ là cố gắng sống cho tốt mà thôi.
Họ cũng là một phần của muôn dân trong thiên hạ.
Và tương lai, Tấn Khác sẽ cai quản thiên hạ này.