Gã đàn ông nở một nụ cười bất đắc dĩ: “Đứa trẻ này không nghe lời, tôi hay lấy bọn buôn người ra dọa nó. Hôm nay tôi không mua đồ chơi cho nó, nó không muốn về nhà với tôi, thế là nó nói tôi là kẻ buôn người.”
Sau đó, gã cúi đầu xuống, vẫn giữ nụ cười hiền lành như thể đang dỗ dành đứa con gái không nghe lời của mình:
“Còn hét nữa, tao bóp chết mày bây giờ.”
Giọng gã rất nhỏ, chỉ đủ để Phan Kính nghe thấy nhưng ngữ khí thì độc ác tột độ.
Gã đàn ông ấy mặc áo khoác lông cừu, đeo kính gọng vàng, nhìn thế nào cũng không giống kẻ xấu.
Hai cô gái trẻ thở phào rồi cười nói: “Trẻ con đứa nào chả thế…”
“Mau về nhà với cha đi, cô bé.”
Một cô gái còn quay người lại, vui vẻ vẫy tay với đám người đang vây xem phía sau: “Không sao đâu, chỉ là cô bé giận dỗi cha mình thôi mà!”
Đám người vây quanh không xa cũng thở phào nhẹ nhõm, họ trò chuyện đôi ba câu rồi định giải tán.
Phan Kính không vùng vẫy nữa, gã đàn ông kia cũng thử buông tay đang bịt miệng cô ra, rồi cô cũng không la hét gì thêm nữa.
Gã đàn ông càng yên tâm hơn, nghĩ rằng trẻ con mà, bị dọa cho sợ thì sẽ ngoan ngoãn thôi. Gã lỏng tay ra, thậm chí còn mỉm cười, dùng một tay ôm Phan Kính, một tay vẫy chào tạm biệt hai cô gái kia.
Hai cô gái cũng vẫy tay chào lại.
Ngay sau đó, gã đàn ông đột nhiên gào lên điên cuồng:
“Á! Mẹ kiếp!”
Tay gã buông ra, Phan Kính rơi xuống đất, cô lập tức bật dậy, chạy thẳng về phía khu vực đông người trong cửa hàng.
Hai cô gái trẻ cũng sững sờ: “Máu! Á!”
Gã đàn ông kia đau đến không nói được lời nào, tai trái gã đã bị cắt mất nửa, đang lủng lẳng trên má, còn cả một vết dao chéo qua mặt, máu từ trán rỉ xuống, nhỏ vào mắt.
Nửa khuôn mặt gã bê bết máu, nhìn cực kỳ đáng sợ.
Phan Kính gắng sức chạy về phía trước, mặc kệ tiếng hét thảm phía sau.
Vừa chạy, cô vừa hô lớn: “Cháu giết kẻ buôn người rồi, báo cảnh sát đi!”
Rõ ràng là đám người đứng xem đều không ngờ được sự việc lại diễn biến như vậy nên bị sững người mất mấy giây, rồi cuối cùng cũng có người phản ứng nhanh, vội vàng chạy đến buồng điện thoại công cộng để báo cảnh sát.
Lúc đó điện thoại di động chưa phổ biến, vài người có máy Nokia cũng luống cuống lấy ra gọi điện.
Lúc này, nhân viên cửa hàng cũng dùng điện thoại bàn gọi báo cảnh sát.
Tổng đài cảnh sát nhận được một lúc mấy cuộc gọi báo án. Có người nói có người bị giết giữa phố, có người báo kẻ buôn người bắt cóc trẻ con, cũng có người nói một đứa trẻ giết người…
Dù tình tiết rối rắm nhưng nghe thế nào cũng không phải chuyện nhỏ, lại xảy ra ở cùng một nơi nên cảnh sát lập tức xuất phát.
Phan Kính không ngừng bước, cô chạy thẳng đến trước một nhà hàng. Vài nhân viên và thực khách đang hóng chuyện ngoài cửa vội vàng đón lấy cô, lúc đó, Phan Kình mới chịu dừng lại, cảnh giác ngoái đầu nhìn. Thấy không ai đuổi theo mình, cô mới bước vào cửa.
Sau khi vào trong, mấy người vây quanh bảo vệ cô.
Có nhân viên bưng nước đến, cẩn thận đưa cho Phan Kính.
Phan Kính mệt mỏi nên không nhận lấy.
Một thực khách nhận lấy cốc nước rồi đặt lên bàn, sau đó thấp giọng nói: “Chắc là kiệt sức rồi…”
Mọi người không làm phiền cô bé nữa, chỉ thỉnh thoảng lén quan sát. Dù sao, một đứa trẻ dính máu, nhìn thế nào cũng thấy kỳ lạ.
Chưa bao lâu, tiếng còi xe cảnh sát vang lên.
Hai nữ cảnh sát theo hướng dẫn của người dân mà vào nhà hàng đưa Phan Kính lên xe cảnh sát.
Những cảnh sát còn lại thì lần theo vết máu truy tìm kẻ buôn người.
Gã buôn người bị thương, chạy không nhanh được, lại không ngờ gặp phải “xương cứng”, cũng không chuẩn bị phương án ứng phó nên rất nhanh gã đã bị bắt lại.
Chờ đến khi gã bị áp giải lên xe, cảnh sát cũng sắp xếp ổn thỏa cho Phan Kính rồi xuất phát về đồn.
Khi xe chạy ngang qua hai cô gái lúc nãy, Phan Kính bảo tài xế dừng lại. Cảnh sát nghĩ cô bé muốn cảm ơn hai người nên dừng xe.
Phan Kính hạ kính cửa sổ, khống chế âm lượng để người không quá xa cũng nghe được:
“Cảm ơn các chị đã chịu bước đến xem tình hình hôm nay. Nhưng,” gương mặt cô nghiêm nghị, giọng nói lớn hơn:
“Nhưng nếu chưa làm rõ tình huống mà đã tự phán đoán, rất có thể sẽ hại một đứa trẻ cả đời! Cũng sẽ hại cả một gia đình!”
“Nếu sau này có chuyện tương tự, em mong các chị vẫn đủ dũng khí bước tới nhưng xin đừng nghe theo lời người lớn, hãy báo cảnh sát ngay!”
Cuối cùng, Phan Kính hít một hơi thật sâu, lớn tiếng nói:
“Kính Kính thay mặt tất cả các bạn nhỏ, cảm ơn các cô chú anh chị tốt bụng!”
Phan Kính ngồi lại vào trong xe rồi kéo kính cửa lên. Cô đã thấm mệt nên tựa vào cửa xe nhắm mắt nghỉ ngơi.
Hai cô gái đứng ngây người hồi lâu, cuối cùng cũng lấy lại tinh thần.
Một người lau nước mắt: “Cô bé không trách bọn mình…”
Người kia òa khóc: “Tớ sợ quá! Suýt nữa là hại chết một đứa trẻ rồi! Tớ còn nói với người khác đó là cha của cô bé…”
Những người gần đó nghe thấy cũng sợ hãi không thôi.
Một người phụ nữ vịn tường, cô nghĩ đến lúc nào con mình cũng vui vẻ ngây ngô, nếu gặp chuyện thế này thì chắc chắn không dũng cảm được như cô bé, có khi đã bị bắt đi rồi…
Càng nghĩ càng lo, cô vội vàng quay người chạy về phía trường mẫu giáo của con:
“Không được, tôi phải dạy lại con, cũng phải nói với cô giáo, phải để bọn trẻ đều biết chuyện này...”
Nghe vậy, những người xung quanh cũng nghĩ đến con mình rồi âm thầm hạ quyết tâm: sau này nhất định phải trông chừng con cẩn thận hơn.
Trên xe cảnh sát, cảnh sát lái xe và nữ cảnh sát ngồi sau liếc nhau, họ đều thấy được sự ngạc nhiên trong mắt đối phương.
Lúc này, Phan Kính đã ngủ mất. Cô dùng hết sức, lại chạy lâu như vậy, sớm đã kiệt sức rồi.
Nữ cảnh sát nhìn cô bé, nhẹ nhàng kéo bé vào lòng để bé ngủ thoải mái hơn.
Cô nhẹ nhàng ngắm khuôn mặt nhỏ nhắn ấy rồi rút một tờ giấy, dịu dàng lau sạch những vết máu bắn trên mặt cô bé.
Trong lúc ngủ, Phan Kính cau mày, ký ức hỗn loạn ùa về. Dường như cô đã trở lại kiếp trước, khi chuyên viên trang điểm đang tô son cho cô, rồi lại bỗng chốc quay về thời thơ ấu, khi bà nội vẫn còn ôm cô trong chăn vào giữa đông, lúc ấy, bà vừa gọi cô là “bé lười ngoan” vừa mỉm cười lau mặt cho cô.