Rẽ qua một khúc quanh, Trình Lương giải thích với Phan Kính: “Trước đây Thím Triệu là người trong làng chú, sau này con trai thím ấy ra ngoài làm công, được cai thầu để ý, cậu ấy cưới em họ bên nhà vợ cai thầu rồi đưa thím Triệu tới đây.”
“Quan hệ của mọi người thân thiết lắm ạ?” Phan Kính hỏi.
“Ừ, thím Triệu và mẹ chú giống nhau, đều là góa phụ từ khi còn trẻ, một mình nuôi con, lúc ở trong làng, hai người thường hay giúp đỡ nhau.”
Nghĩ một chút, Trình Lương nói thêm: “Đối với chú, thím Triệu như thím ruột. Sau này nếu có ai đối xử tệ với cháu, cháu cứ đến cửa hàng của thím ấy rồi nói với thím. Đợi chú tới, chú và thím Triệu sẽ cùng giúp cháu trả thù.”
Phan Kính có chút muốn bật cười nhưng lại cắn môi nhịn xuống.
Khu nhà máy khá rộng, quanh co mất một lúc, cuối cùng họ cũng đến trước một xưởng.
Trình Lương xuống xe, anh đưa phiếu giao hàng cho chủ xưởng, tính toán tiền xe, ký tên rồi nhận tiền.
Xử lý xong, họ lại quay trở về theo đường cũ.
Phan Kính hỏi: “Chú Trình, mình không đi bán hàng núi sao ạ?”
Trình Lương lắc đầu: “Gần tỉnh cũng có núi, dù không lớn bằng bên mình nhưng hàng núi cũng chẳng hiếm nên cũng khó bán. Chú để hàng ở cửa hàng thím Triệu, lúc rảnh thì đi từng xưởng hỏi xem có ai cần không nhưng toàn đơn nhỏ lẻ, chỉ để nhà người ta dùng thôi.”
Họ lại quay về cửa hàng kia.
Vừa bước vào tiệm, quả nhiên ngửi thấy mùi thịt hầm thơm ngào ngạt. Thím Triệu phấn khởi bưng ra một thau lớn ra mời họ.
Từ sau khi bà nội bệnh nặng, chẳng còn ai nấu ăn cho Phan Kính nữa, thấy nhiều thịt thế này, cô không nhịn được mà thèm thuồng. Chào thím Triệu xong, ánh mắt cô cứ không kiềm được mà dõi về phía nồi.
Trình Lương không dám nói cô bé mồ côi cả nhà, lên tỉnh nhờ người thân trước mặt Phan Kính mà chỉ mơ hồ bảo với thím Triệu là tiện đường ghé qua.
Thím Triệu không hỏi nhiều, thấy cô bé đáng yêu thế thì bà mừng còn chẳng kịp nên vội vàng gọi họ vào ăn cơm.
Trước mặt Trình Lương là một cái bát to, trong bát có nửa cái đầu heo, còn bát của Phan Kính cũng không nhỏ, là một bát canh trứng nóng hổi đầy mỡ.
Hai người cầm móng heo trong tay, bắt đầu gặm.
Thím Triệu nhìn hai người đầy yêu thương, đợi khi họ ăn gần xong, Phan Kính đi rửa tay trước rồi ngoan ngoãn quay lại ôm bát uống canh.
“Hôm nay Kính Kính ở lại đây hả?” Thím Triệu hỏi.
Trình Lương nhìn sang Phan Kính thì thấy cô bé lắc đầu.
Thế là Trình Lương thay cô bé trả lời: “Không ạ, con bé đến nhà người thân, đi sớm một chút cũng tốt. Vài hôm nữa cháu lại đưa nó qua chơi.”
Ăn cơm xong, Phan Kính định dọn bát đũa nhưng lại bị thím Triệu nhanh tay giữ lại: “Người nhỏ như này, sao có thể để cháu làm việc được chứ.”
Trình Lương lau tay dính đầy dầu mỡ rồi cười tít mắt đi theo thím Triệu vào bếp giúp đỡ.
Phan Kính thì ngồi trên ghế nhỏ, cố gắng lau cái bàn vốn chẳng dính gì mấy.
Vào trong bếp, Trình Lương đóng cửa, sau đó ghé lại bên thím Triệu mà khẽ kể lại thân thế của Phan Kính.
Thím Triệu nghe xong thì chỉ muốn lau nước mắt: “Lương Tử à, cháu đưa Kính Kính đến nơi. Sau này cách ba hôm năm bữa cũng tới thăm con bé. Nếu nhà kia không tốt với nó, thì mang nó về đây, thím đủ sức nuôi một đứa trẻ.”
Trình Lương lấy tay áo lau nước mắt cho bà: “Gì thế thím, gì thế thím, Kính Kính ngoan như vậy, lại xinh xắn nữa. Chắc chắn ai cũng sẽ tốt với con bé. Thím đừng lo, đừng khóc... đừng để con bé phát hiện…”
Đợi hai người bình ổn tâm trạng xong rồi bước ra, họ phát hiện chỗ bàn ăn trống không.
Trên bàn còn lại một mảnh giấy vụn, trông như xé từ vỏ hộp thuốc lá ra.
Chữ viết bằng bút chì, xiêu vẹo nguệch ngoạc: “Có người đến đón cháu, sau này cháu sẽ quay lại.”
Thìm Triệu và Trình Lương vội vàng lao ra cửa, nhưng chỉ thấy bãi đất trống.
Hai người nhìn nhau, trong lòng cùng trào dâng một nỗi lo lắng.
Phan Kính ăn no rồi, cô đeo chiếc ba lô nhỏ của mình, hăng hái bước đi về phía trước.
Giờ cô đã có mục tiêu mới.
Trình Lương là người tốt, anh không nên chết.
Anh đáng được sống một cuộc đời thật tốt đẹp.
Phan Kính đi một đoạn, vừa đi vừa suy nghĩ rằng đi học là điều tốt, được nhận nuôi cũng là điều tốt.
Nhưng nếu đi học rồi, được nhận nuôi rồi, cô còn có thời gian và khả năng giúp những người giống như Trình Lương nữa không?
Ở trường học, cô chỉ có thể là một đứa trẻ bình thường, vô lo vô nghĩ mà chơi đùa, nhưng cũng không thể làm những việc không hợp với thân phận trẻ con.
Vậy nên cô chỉ còn cách tiếp tục bỏ học.
Trước hết, cô cần kiếm chút tiền.
Phan Kính nghiêm túc đứng bên vệ đường, khuôn mặt nhỏ căng lên.
Khó thì khó, mà dễ thì cũng dễ.
Một gã đàn ông nấp dưới gốc cây sát bức tường, lén lút nhìn chằm chằm Phan Kính.
Gã đã theo đứa trẻ này một đoạn rồi, chắc chắn là cô bé đi một mình.
Một mối làm ăn tốt đây.
Đứa trẻ xinh thế này, dĩ nhiên không cần phải đánh què hay làm câm để đi ăn xin. Những chuyện đó trái với lương tâm quá, nếu không cùng đường thì gã cũng chẳng muốn làm.
Trẻ xinh như vậy, chắc chắn có nhiều người muốn mua lắm.
Gần đây kiểm tra gắt gao, tiêu thụ trong thành phố khó khăn nên đem con bé bán lên vùng núi, cho làm con dâu nuôi từ bé, cũng là một mối lời.
Giờ là buổi trưa, thời điểm dễ buồn ngủ, lại còn là ngày thường nên bên đường không có nhiều người, chỉ có mấy nhân viên cửa hàng lân cận đang lười nhác đứng trước cửa nói chuyện vặt.
Gã đàn ông từ từ bước ra khỏi bóng râm.
Gã đi đến bên cạnh Phan Kính rồi cúi đầu, giọng thân thiện hỏi: “Cô bé, không tìm được đường à? Chú đưa cháu về nhé?”
Gã đàn ông trông khá đoan chính, không có vẻ gì là kẻ xấu.
Phan Kính lắc đầu: “Cháu biết đường ạ, mẹ cháu đang mua đồ trong tiệm, cháu đang chờ mẹ.”
Là một đứa trẻ thông minh. Gã đàn ông nghĩ bụng, suýt nữa thì tin nếu không phải gã đã theo dõi từ đầu.
Gã cúi xuống rồi bất ngờ bế bổng Phan Kính lên, thuận tay bịt miệng cô bé lại.
Phan Kính kinh hãi, cô vùng vẫy dữ dội trong lòng gã: “Buông cháu ra! Buông ra! Có người bắt cóc trẻ con!”
Mấy nhân viên cửa hàng và người qua đường bị tiếng kêu dọa giật mình, họ đồng loạt nhìn sang, có hai cô gái trẻ còn nghi ngờ bước lại gần: “Hình như tôi vừa nghe thấy có người nói là bắt cóc trẻ con…”