Đến khi người cha kia được kéo ra ngoài, đã là rất lâu sau đó rồi. Còn Trình Lương thì khom lưng, anh đã kiệt sức rồi.
Đứa trẻ bị đè dưới thân cây nặng nề, thở gấp, vậy mà sắc mặt lại bắt đầu ửng hồng lên.
Người cha ấy cuối cùng cũng thấy khó chịu trong lòng, bèn bò lại gần.
Đôi môi đứa trẻ lẩm bẩm, mắt ngước nhìn lên trời:
“Mẹ ơi...”
Cậu bé gọi vài tiếng rồi không còn động tĩnh gì nữa.
Còn người cha của bé thì ngồi dựa bên cạnh, lại chẳng nhận được một ánh mắt nào từ con.
Ông run rẩy vươn tay, cuối cùng cũng chạm được vào gương mặt con mình.
Đây là con của ông, là đứa con trai duy nhất, là báu vật ông từng nâng niu từ khi còn bé xíu.
Rồi ông “òa” một tiếng, bật khóc nức nở.
Đến khi tới bệnh viện, đứa trẻ đã lạnh ngắt từ lâu, còn chân trái của người cha thì hoàn toàn bị tật.
Mà tay Trình Lương thì vì bị những mảnh gỗ dơ bẩn đâm vào quá nhiều nên cuối cùng phải cắt bỏ ba ngón tay bên trái và hai ngón tay bên phải.
Cho đến đây, câu chuyện vẫn còn được xem là cảm động đến rơi lệ.
Nhưng sau đó, khi họ trở về nhà, người mẹ câm của Trình Lương đã khóc vài trận. Thế nhưng bà vốn là người từng trải, từ thảo nguyên chạy nạn vào núi nên rất nhanh chóng đã nghĩ thông và bắt đầu chuẩn bị thuốc men để dưỡng thương cho con mình.
Con trai mình làm việc tốt là tích đức. Người mẹ câm lạc quan nghĩ vậy.
Thế nhưng, sau khi về nhà, vợ và mẹ già trong gia đình của người cha mất con vẫn mãi không thể chấp nhận việc đứa bé đã chết.
Nhưng ông lại không thể mở miệng nói ra rằng mình đã bỏ rơi con để tự cứu lấy mạng sống.
“Đau quá...”
“Nó không sống nổi đâu...”
Đó là sự thật, nhưng ông không thể kể điều đó cho người nhà mình nghe.
Thế là ông theo bản năng mà chọn cách giải quyết dễ dàng hơn.
Đó là đổ lỗi cho người lái xe.
“Ban đầu tôi và thằng bé đều còn sống được. Là tại gã lái xe ấy, có lòng tốt nhưng vụng về, làm thằng bé bị đè chết...” ông vừa khóc vừa nói.
“Làm việc tốt mà ra chuyện xấu...” Bà lão trong nhà gào khóc.
Còn ông nội thì rít một điếu thuốc:
“Là lòng tốt thật mà...”
“Không cần bắt nó đền mạng cho thằng bé.”
“Lấy một cái chân là đủ rồi.”
Người mẹ câm của Trình Lương dùng lúa trong nhà đổi với dân làng được mấy con gà mái.
Khi bà về đến nhà thì thấy con trai mình nằm úp mặt trên mặt đất, nửa người dưới bê bết máu.
Một nhóm người núi, tay cầm dao rựa, đang định rời đi.
Người mẹ câm vứt gà, lao lên điên cuồng nhưng bị cản lại.
Bà vung tay ra hiệu thật nhanh nhưng không ai hiểu được.
Một ông lão trong nhóm người thấp giọng nói:
“Con trai bà có lòng tốt mà làm ra chuyện xấu, đè chết cháu trai tôi rồi. Nhưng nó cũng giúp được con trai tôi một tay nên chúng tôi không oán trách gì. Chỉ cần một cái chân để bồi táng là được.”
Cổ họng người mẹ câm phát ra tiếng gào xé ruột:
Không phải nó! Không phải con trai tôi!
Nhưng không ai hiểu người đàn bà câm ấy đang muốn nói gì. Họ chỉ lau sạch máu trên dao, rồi rời đi.
Khi Phan Kính đang vật lộn sống sót từng ngày, thì những chuyện thảm khốc này cũng đang lặng lẽ xảy ra.
Và sau đó lại là những ngày tháng yên ắng.
Trình Lương tàn phế, và cũng như mẹ mình, anh không còn nói năng gì nữa.
Người mẹ câm ấy, sau khi chăm sóc cho vết thương của con trai ổn thỏa, thân thể bà cũng đổ sụp.
Trình Lương bán chiếc xe tải lớn mà cha để lại rồi toàn tâm toàn ý chăm sóc mẹ.
Thế nhưng, dù người đàn bà câm ấy cố gắng gượng qua từng năm thì cuối cùng cũng không qua khỏi.
Lại một năm nữa trôi qua.
Tại thành phố, Phan Kính đang trang điểm thì thấy quản lý cầm tờ báo đến.
Thảm án diệt thôn ở núi Đại Hạt Tử, huyện Song Thành!
Trình Lương tích góp thuốc chuột suốt một năm, mài dao suốt một tháng rồi nửa đêm lặng lẽ lên núi.
Sau khi làm điều mình luôn muốn làm, anh không nán lại nữa mà dứt khoát kết liễu bản thân. Cả làng, anh chỉ để lại một người đàn ông bị què chân bên trái.
Khi cảnh sát đến nơi, người đàn ông trung niên tóc trắng xóa ấy đang cố gắng tự sát.
Ông lẩm bẩm:
“Là thằng bé gọi gã đến... Là quả báo...”
Ông kể hết tất cả và rồi, dù chỉ mới hơn bốn mươi tuổi, ông đã già như một ông lão.
Phan Kính lại cắn thêm một miếng bánh sữa, rồi nghiêng đầu nhìn Trình Lương.
“Chú Trình, đoạn đường này ít người đi quá, sao chú lại hay chạy đường này vậy ạ?”
Trình Lương lập tức có tinh thần hẳn, anh hớp một ngụm cháo lớn rồi thần bí nói với Phan Kính:
“Lúc chú học cấp hai, chú từng nghe thầy giáo từ thành phố tới giảng là trong núi có rất nhiều báu vật. Núi Đại Hạt Tử của chúng ta lớn như vậy, bên trong chắc còn nhiều thứ tốt lắm.”
“Chú chạy xe lớn, vừa mang hàng về cho huyện mình, mà mỗi lần cũng chở hàng đi bán nữa.”
“Lương thực mà mẹ và mấy thím của chú trồng có thể bán ra ngoài. Còn có các loại đặc sản khô trong núi cũng mang đi bán được nữa.”
“Chờ khi tìm được đường tốt, chú sẽ hợp tác với người trong núi, khiến làng chú và người núi sẽ có tiền!”
“Sau này có tiền rồi, chú sẽ đào hầm xuyên núi để không cần đi đường núi xa như vậy nữa. Còn có thể mời chuyên gia đến dạy làm nông, làm đặc sản này…”
Phan Kính chăm chú lắng nghe giấc mơ của người thanh niên này.
Ăn xong bánh, cô lên xe rồi không khuyên anh nên đổi tuyến đường nữa.
Người thanh niên này... mệnh anh đã gắn chặt với ngọn núi này rồi.
---
Đến tỉnh, Trình Lương đưa Phan Kính đến khu Tây thành phố.
Phía Tây tỉnh có nhiều nhà máy, còn phía Đông thì là khu dân cư.
Đa số mọi người sống ở giữa để tiện đi làm ở nhà máy. Còn những ai không phải vào nhà máy làm việc thì đều ở phía Đông.
Cho nên trong tỉnh lưu truyền một câu: Tây nghèo Đông giàu, càng về Đông càng giàu.
Vào đến khu nhà máy, bụi bặm rất nhiều. Dù đã đóng kín cửa sổ xe, Phan Kính vẫn hắt hơi vài cái.
Trình Lương đã quen đường nơi đây nên nhanh chóng lái xe đến trước một cửa hàng nhỏ.
Trước cửa hàng có một thím đang ngồi, Trình Lương hạ cửa kính rồi gọi to:
“Thím Triệu ơi, cháu đi giao hàng trước, lát quay lại nhé!”
Thím Triệu ngồi trước cửa hàng cười tươi rói:
“Ê! Lương Tử, mau tới đây! Thím đoán chắc là cháu sắp tới rồi nên hầm sẵn chân giò heo rồi đó!”
Trình Lương đáp một tiếng rồi tiếp tục lái xe đi.