Trình Lương đợi cô bé leo lên xe, anh thấy bé thấp bé, lại bị lạnh đến mức run cầm cập, còn chưa kịp hỏi sao bé biết tên mình thì đã không nhịn được mà trách nhẹ:
“Trẻ con như vậy mà đi một mình, nguy hiểm lắm đấy biết không?”
Phan Kính xoa xoa tay:
“Cháu đã hỏi thăm rồi ạ. Bà Vương ở phòng bên cạnh của bà nội nói trong làng bà ấy có một người thanh niên lái xe tải lớn, mỗi tuần đều chạy một chuyến lên tỉnh. Cháu đã ghi lại biển số xe của chú, cố ý đứng đây chờ đấy.”
Trình Lương nghe vậy thì cũng yên tâm phần nào:
“Có phải cháu cãi nhau với người nhà không? Để chú đưa cháu về nhà.”
Phan Kính lắc đầu, cô lấy từ trong ba lô ra mấy tờ giấy:
“Cháu không về nhà đâu, chú Trình, cháu muốn lên tỉnh.”
Trình Lương nhận lấy mấy tờ giấy đó.
Giấy chứng tử.
Cả nhà đều đã mất.
Trình Lương không nói thêm lời nào nữa, anh giúp Phan Kính cài dây an toàn rồi khởi động xe.
Anh nghĩ đứa trẻ thế này mà khăng khăng muốn lên tỉnh thì chắc là còn người thân ở đó.
Nhưng nếu thật sự có người thân, thì sao họ lại không tới đón bé? E rằng họ cũng chưa chắc muốn nuôi bé thật lòng.
Thế là anh lập tức dặn:
“Lát nữa đến thành phố, cháu theo chú đi giao một chuyến hàng đã, không xa đâu. Sau đó chú đưa cháu tới nhà người thân. Chúng ta sẽ ghé mua ít bánh kẹo, coi như không thất lễ. Cháu cứ nói chú là hàng xóm cũ, sau này chú sẽ thường xuyên tới thăm cháu...”
Phan Kính không tiện giải thích, lại thấy áy náy vì đã lừa người ta nên giả vờ ngủ thiếp đi.
Trình Lương lải nhải mà mãi không được hồi âm nên ngoảnh đầu nhìn thì thấy cô bé đã ngủ ngon lành.
Anh không nói gì thêm mà tập trung lái xe, trong lòng tính toán lát nữa phải dừng xe lại ăn chút gì đó. Anh là đàn ông, có thể không ăn uống gì, chứ trẻ con thì không được.
Lúc đầu Phan Kính chỉ giả vờ ngủ, nhưng chợp mắt được một lúc thì cơ thể trẻ con của cô thật sự không chịu nổi nữa nên đã thật sự ngủ say.
Chiều hôm đó, Trình Lương tìm một chỗ trũng trong núi để dừng xe lại, sau đó lấy bánh bột và thịt xông khói ra. Anh liếc nhìn cô bé đang ngủ ngon lành ở ghế phụ thì lục lọi trong túi đồ mẹ anh chuẩn bị cho mình, tìm ra một miếng phô mai sữa rồi nướng lên, kẹp vào trong bánh.
Anh còn nấu một nồi cháo nhỏ, đợi mọi thứ chuẩn bị xong xuôi mới đánh thức Phan Kính.
Cô dụi dụi mắt, thấy đồ ăn đã sẵn sàng thì cảm thấy rất ngại.
Sau đó, một lớn một nhỏ ngồi trên tảng đá ăn cơm.
Trình Lương không tiện hỏi chuyện gia đình của cô bé, sợ làm bé đau lòng nên chỉ kể mấy chuyện mình chạy xe tải.
“Ngọn núi này gọi là núi Đại Hạt Tử, nhưng mà trên núi không có gấu. Thỏ thì nhiều lắm, mùa thu lái xe vòng quanh núi còn có thể đâm phải vài con đấy.”
Phan Kính chăm chú ăn, thỉnh thoảng “vâng vâng dạ dạ” hưởng ứng.
Kiếp trước, cô bị chú Hai, chú Ba ngược đãi, sau đó sớm bước chân vào giới giải trí kiếm tiền, chẳng mấy khi được ngủ ngon, thành ra dáng người cũng thấp.
Kiếp này, cô muốn ăn ngon ngủ yên để lớn nhanh một chút.
Cắn miếng bánh có mùi sữa xong, Phan Kính hỏi:
“Chú Trình, chú biết làm bánh sữa không ạ?”
Trình Lương lắc đầu:
“Chú không biết đâu, mẹ chú biết. Mẹ chú giỏi lắm.”
Anh bỗng như một đứa trẻ mà bắt đầu khoe khoang:
“Mẹ chú là người câm, nghe nói bà từng chạy nạn từ thảo nguyên tới. Bà ấy nấu ăn rất ngon, còn biết may đồ, còn biết ngân nga nữa.”
Phan Kính vỗ tay tán thưởng:
“Vậy thì thật sự giỏi quá!”
Trình Lương khoe khoang một lúc rồi cảm thấy việc mình đang khoe khoang trước một đứa trẻ mất cha mẹ thật sự không ra gì. Thấy cô bé chẳng tỏ vẻ gì, anh bỗng im bặt rồi cắm cúi ăn cơm.
Phan Kính thong thả nhai bánh, trong đầu lại nhớ đến câu chuyện đời trước của Trình Lương.
Chuyện của Trình Lương thực sự rất bi thảm, bi thảm đến mức được đăng cả lên báo lá cải lẫn báo tỉnh và được truyền đến tận thủ đô.
Khi ấy, người quản lý đưa cô xem tờ báo rồi vừa tặc lưỡi vừa nói:
“Kính Kính, chỗ quê cô này, người tốt thì tốt thật, mà người xấu cũng quá tệ đấy.”
Chính vì vậy mà Phan Kính có ấn tượng với anh nên mới dám một mình leo lên xe của anh.
Dù gì thì một người từng đánh đổi mạng sống để cứu người chắc hẳn sẽ không phải kẻ xấu.
Còn thời gian cụ thể thì cô không nhớ rõ nữa.
Nhưng đại khái là bắt đầu vào một ngày sau trận mưa lớn, khi Trình Lương vừa giao hàng xong. Trên đường núi có sạt lở, một đôi cha con đánh xe ngựa bị kẹt dưới thân cây to bị gãy.
Họ là dân sống trên núi, sống nhờ núi, nghe nói từ thời xa xưa tổ tiên họ đã trốn loạn vào rừng rồi từ đời này sang đời khác cứ thế mà sống tiếp.
Vài năm gần đây, người trên núi mới bắt đầu giao lưu với người dưới núi, thỉnh thoảng có xuống mua bán.
Hai cha con này bị cây đè lên, Trình Lương mang xà beng tới, cố sức bẩy thân cây lên.
Vấn đề là cây quá to, Trình Lương phải đè một đầu thì mới có thể bẩy được đầu kia lên.
Một người đè một đầu.
Đè bên này thì bên kia nhấc được.
Trình Lương đứng ở giữa, đau lòng đến mức gần bật khóc.
Một người cha đầu đã hoa râm, một cậu bé chỉ chừng mười tuổi.
Đứa trẻ đã hôn mê.
Người cha gào lên:
“Cứu con tôi...”
Trình Lương lót đá dưới thân cây bên cha rồi cố sức bẩy bên đứa trẻ.
Sức nặng bên người cha càng lúc càng tăng nhưng ông vẫn liên tục hét:
“Cứu con tôi... cứu con tôi...”
Tiếng nói dần trở nên mơ hồ.
Mặt đứa trẻ tái xanh, hơi thở thì yếu ớt.
Tay Trình Lương bị mảnh gỗ đâm đến chảy máu đầm đìa nhưng anh vẫn không nói một lời, chỉ dùng cả thân thể đè lấy xà beng.
Đến khi thân cây to cuối cùng cũng nhấc được lên một chút, người cha bị đè đến mức gần mất đi tri giác cũng bắt đầu có cảm giác ở chân.
“Đau quá...” người cha nói.
Trình Lương rơi nước mắt, cố sức nhấc cây lên nhưng rồi anh nghe người cha nói:
“Cậu trai, cứu tôi đi...”
Trình Lương sửng sốt.
Người cha tiếp tục:
“Nó sắp chết rồi, cứu cũng tàn phế, sống chẳng được bao lâu. Cứu tôi đi...”
Trình Lương nói:
“Nó còn cứu được!”
Người cha lắc đầu:
“Phải nghĩ cho người còn sống chứ, nhà tôi còn mẹ già...”
Trình Lương không muốn bỏ cuộc nhưng người cha đã ôm chặt lấy thân cây, khiến cây càng thêm nặng.
Trình Lương hít sâu một hơi, anh cầm lấy xà beng, bước tới phía người cha rồi bắt đầu bẩy cây.
Anh nghĩ:
Vẫn còn kịp, cứu được đứa bé, vẫn còn kịp.
Nhưng... đã quá trễ rồi.