Kiếp này, cô không thể cứu vãn được cha mẹ, nhưng đã giữ lại được khoản tiền bồi thường, chăm sóc cho sức khỏe của bà nội tốt hơn một chút, không bệnh không tai gì cả rồi. Nhưng dù sao thì tuổi bà cũng đã cao.
Cô hiểu rõ sinh lão bệnh tử là điều không thể đảo ngược.
Có thêm được từng ấy thời gian để yêu thương và đồng hành cùng bà, trong lòng cô chỉ toàn là sự biết ơn. Huống hồ, bà nội cũng không chịu bao nhiêu khổ, đó đã là may mắn lắm rồi.
Bà cụ trên giường hơi động đậy, cô lập tức nở một nụ cười vui vẻ: “Bà nội tỉnh rồi ạ?”
Bà cụ khẽ mở mắt nhìn cô bé, miệng phát ra âm thanh mơ hồ.
Cô hiểu, bà đang gọi mình.
Bà dần lấy lại tinh thần sau một hồi gắng sức.
Cô lạch bạch nhảy xuống giường, bê tới dĩa dâu tây đã rửa sạch từ trước.
Bà cụ cố gắng duỗi tay ra, vậy mà lại có thể tự mình nhón lấy một quả. Sau đó bà cố sức đưa tay ra, đưa tới trước mặt cô bé.
Cô ghé lại gần, cắn một miếng nhỏ rồi giả vờ nhai rất khoa trương: “Ngon quá! Bà nội nếm thử đi!”
Bà cụ hé miệng cười nhẹ.
Cô lập tức đưa nửa quả dâu tây còn lại tới bên miệng bà nội.
Bà há miệng, cố sức cắn một miếng, nước quả thấm ra làm ướt môi lưỡi của bà.
Từ khi ngất đi, bà đã mất đi vị giác, trong miệng chỉ còn lại vị đắng của thuốc. Nhưng lúc này, kỳ diệu thay, bà lại cảm nhận được vị ngọt.
Trong cái đắng ấy lờ mờ có vị ngọt.
Giống như cuộc đời đứa cháu gái bé nhỏ này của bà vậy.
Khóe mắt bà cụ rơm rớm nước mắt.
Bà cố gắng đưa tay về phía chậu trái cây, dốc sức đẩy vài cái về phía cô bé.
“Cháu ngoan à, khổ thật đấy... sau này nhất định phải được hạnh phúc nhé, cháu ngoan của bà...”
“Cháu ngoan của bà...” Sau khi thốt ra vài chữ yếu ớt gần như không nghe thấy ấy, bà cụ dựa vào thành giường, lại nhắm mắt lại rồi từ từ ngừng thở.
Hơi ấm từ cơ thể bà dần tan biến.
Cô nằm úp xuống, áp mặt vào cánh tay quen thuộc. Trên người bà nội vẫn còn chút hơi ấm như vòng tay ôm lấy cô mỗi đêm.
Người yêu cô duy nhất trên đời... cũng đã ra đi.
Tang lễ của bà cụ được lo liệu rất nhanh, họ hàng của họ rất đông nhưng toàn là những kẻ lòng lang dạ sói.
Cô không báo cho ai mà thẳng thắn chi tiền, chọn một mảnh đất tốt làm nơi an nghỉ, mua chiếc quan tài tốt nhất rồi nghiêm trang quỳ trước mộ dập đầu đủ lễ, thu xếp đâu ra đấy, không để bác sĩ nào quan tâm đến mình phải lo lắng.
Cô tự mình làm thủ tục xuất viện nhưng còn ít chăn đệm chưa thu dọn.
Bệnh viện đã quyên góp cho cô bé ít tiền, định để hôm sau khi cô tới lấy chăn đệm thì đưa cho cô.
Nhưng, cô bé... mãi không quay lại nữa.
Hôm đó, chủ cửa hàng trái cây chỉ mang theo mười quả dâu tây về nhà, cũng đủ dỗ cho vợ vui vẻ. Vợ anh là người tốt bụng, đang mang thai lại hay xúc động nên anh không dám kể chuyện này cho vợ nghe.
Hai ngày sau, sáng sớm, anh mở cửa hàng thì thấy trước cửa có một viên gạch vuông màu đỏ, bên dưới đè một tờ tiền mệnh giá lớn.
Anh nhặt lên trong nghi hoặc. Ở góc tờ tiền có một hình vẽ nhỏ bằng bút chì, là hình một quả dâu tây.
Đến trưa, anh vẫn canh cánh trong lòng, bèn dặn hàng xóm trông hộ quán một lúc rồi chạy đến bệnh viện.
Anb muốn hỏi cô bé đó hiện giờ thế nào rồi, bà của bé còn sống không.
Anh tìm được một y tá, cố gắng miêu tả lại hình dáng cô bé, sợ nói không rõ thì không dò được tin.
Không ngờ, vừa nhắc đến cô bé năm sáu tuổi chăm sóc bà nội, y tá đã lập tức nhận ra ngay.
“Bà nội con bé mất rồi, sau khi con bé trả hết viện phí thì không thấy nữa.” Y tá thở dài: “Chúng tôi cũng góp tiền giúp nhưng tìm không ra bé.”
“Có phải con bé đang ở nhà không?” chủ cửa hàng hỏi.
“Chúng tôi đã tìm rồi, cả nhà bà nội và nhà riêng đều bị dì cả và chú hai chiếm mất, vừa nghe hỏi về đứa trẻ là họ chối ngay, còn đẩy chúng tôi ra ngoài nữa.”
Chủ cửa hàng nghe mà lòng buốt giá: “Đứa trẻ nhỏ như vậy, ngoan như vậy… biết phải làm sao đây…”
“Bác sĩ, chỗ mấy người có ảnh của cô bé không? Tôi buôn bán ở đây, quen nhiều người, tôi muốn dán thông báo tìm trẻ lạc, tìm khắp nơi xem có đưa con bé trở lại được không.”
“Được, vậy thì tốt quá rồi!” Y tá vui mừng đáp lời rồi quay người đi tìm: “Tôi nhớ bác sĩ Triệu có máy ảnh mới, từng chụp cho hai bà cháu một tấm rồi!”
Chủ cửa hàng đi theo: “Vậy thì hay quá rồi. À đúng rồi, đứa trẻ tên gì thế?”
“Phan Kính.”
Khi tờ thông báo tìm trẻ được dán đầy khắp các cột điện trong huyện Song Thành, cô bé sáu tuổi tên Phan Kính đã tự mình đi lên tỉnh.
Cô đã từng sống một đời, từng là minh tinh lớn, từng hưởng vinh hoa, cũng từng chịu đầy khổ ải, nhưng cuối cùng… vẫn là khổ.
Tới cuối đời, tất cả những gì cô có được chỉ là công dã tràng.
Khi cận kề cái chết, cô mới hiểu điều bản thân thực sự mong muốn vốn chỉ là khoảnh khắc viên mãn khi cha mẹ và bà nội còn ở bên.
Giờ tất cả đã không còn.
Cô được sống lại, không nhất thiết phải lặp lại vết xe đổ nữa và đã không thể thay đổi khổ đau của mình thì hãy thay đổi bất hạnh của người khác.
Kiếp trước, cô bị một gã "săn sao" tồi tệ dụ dỗ, tuổi còn nhỏ đã bị đưa lên bàn rượu, chịu không ít đắng cay. Kiếp này, cô muốn đi con đường riêng của mình rồi cố gắng giúp đỡ được thật nhiều người.
Đích đến của cô là thủ đô.
Nhưng trước tiên, cô phải đến tỉnh thành, bởi vì cô nhớ khoảng thời gian này, trong tỉnh thành từng xảy ra một vụ án thảm khốc…
---
Phan Kính ngoan ngoãn co người trên ghế phụ, hơi thở nhẹ như một chú mèo hay cún con mới sinh.
Tay Trình Lương nắm chặt vô-lăng, chăm chú nhìn đường.
Đoạn này là đường núi, ngoằn ngoèo khúc khuỷu, độ nguy hiểm rất cao. Vốn dĩ xe tải chạy qua đây đã ít, mà tài xế dám chạy thì lại càng hiếm hơn.
Nhưng Trình Lương lại thích chạy đoạn đường này nên anh đã hẹn sẵn với mấy ông chủ để định kỳ nhận chuyến. Tuy không kiếm được nhiều nhưng thu nhập cũng ổn định.
Hôm nay anh đang ở lối vào núi thì gặp một cô bé kỳ lạ.
Ngay đầu đường núi, có một bé gái mặc áo hồng đứng lẻ loi, trông khá đáng sợ.
Lúc đó, tim Trình Lương như muốn nhảy ra ngoài vậy, anh giảm tốc độ lại, và rồi nhìn rõ tấm biển nhỏ mà cô bé giơ lên: “Chú Trình Lương, cháu muốn lên tỉnh.”
Trình Lương giật mình, đạp phanh “két” một cái và để cô bé lên xe.