Gió nhẹ lướt qua mặt nước trong thuỷ tạ.
Cơ Nguyệt Hằng chẳng ngại ngần gì mà đánh giá người trước mặt. Thiếu niên kia đứng dưới cảnh hè xuân sắc, dáng người đĩnh đạc như trúc xanh trong tuyết, nhưng mỗi lần phản ứng đều tựa như một con nhím bé nhỏ bị chấn động, không biết trốn đâu cho ổn.
Câu hỏi ban nãy ánh mắt thì mơ hồ, lời nói thì bình thản xa cách, nhưng dùng từ lại kỳ quái không thôi.
Quả thật có chút giống... một tên đăng đồ tử.
Khóe môi Cơ Nguyệt Hằng khẽ cong, bật cười.
Nụ cười hắn cũng rất nhạt, chỉ có nơi đáy mắt là gợn lên một tầng sóng nhẹ. Đôi mắt đào hoa vốn như mặt hồ yên ả, nhờ nụ cười ấy mà sinh động hẳn lên.
“Có thể nhìn,” hắn nói, “nhưng không được nhìn lén.”
“Thuộc hạ tuân mệnh…”
Trình Lệnh Tuyết trong lòng vẫn còn nghi hoặc, nhưng khi nhìn thấy nụ cười ôn nhu vô hại kia, lòng liền nguôi quá nửa. Vị công tử yếu đuối đến sứ trắng còn cứng cáp hơn, thường ngày sống kín đáo, không dính chút bụi trần, dường như đã đem bản thân giấu kín vào ngọc hộp không để lộ ra ngoài.
Sao có thể… là loại người bày mưu tính kế kia chứ?
Giữa giờ Ngọ, công tử thân thể không khoẻ.
Biệt viện mời lang trung đến châm cứu cho người, Trình Lệnh Tuyết cùng Đình Tùng đứng đợi dưới hành lang.
Đình Tùng hỏi nàng về lai lịch và sư môn.
Trình Lệnh Tuyết đáp nhạt:
“Chỉ là từ nhỏ bị bán vào nhà phú hộ, vì phạm sai nên bị phạt làm mã nô, sau lại bị bán cho một kẻ đầu đường bán nghệ.”
Kỳ thực, nàng chỉ bị phạt ra chuồng ngựa. Kiếm pháp, khinh công và thuật cưỡi ngựa của nàng, đều là do sư phụ truyền dạy.
Chín năm trước, khi bị người mua về, sư phụ vốn chẳng định thu nàng làm đồ đệ. Cả ngày chỉ nhắc tới “hai vạn lượng bạc” như một câu chú niệm. Thế mà chưa qua mấy hôm, lão bỗng trở nên nổi cáu, giậm chân đấm ngực:
“Ông trời hại ta! Hai năm vất vả uổng công! Người thì chết, bạc chẳng thấy đâu!”
Khi ấy nàng mới tám tuổi, nghe không hiểu lão nói gì, chỉ nhớ rõ từ sau đó, sư phụ bắt đầu dạy nàng cùng sư tỷ mấy thứ công phu, ép hai người bọn họ ra đường kiếm tiền. Ba thầy trò, mặt ngoài là diễn trò bán nghệ, nhưng thực ra lại thay cố chủ đi dò la những tin tức khó mở lời hỏi thẳng nơi công đường.
Sư phụ cũng chẳng phải người hiền lành gì, nuôi hai đứa nàng, lúc tốt lúc xấu, không thể đoán định.
Mỗi sáng đều lôi các nàng dậy dạy võ, miệng mắng liên tọi:
“Luyện cho đàng hoàng! Kiếm đủ bạc rồi, sẽ đưa khế thân cho các ngươi! Ngươi… một vạn lượng! Giang Linh ba ngàn lượng! Đứa nào dám chạy, để ta bắt được thì quăng xuống sông nuôi cá!”
Sư phụ võ công cao, lại giỏi moi tin, khiến hai người bọn họ bị doạ đến còn ngoan hơn cả chim cút.
Năm năm trước, sư phụ vì gặp lại một cố chủ, bị quyền quý hãm hại, trọng thương, mất hết công lực. Từ đó tâm trí sa sút, tính tình cũng hiền hơn, thi thoảng lại hỏi han nàng đôi câu, dần dần cũng có chút dáng vẻ sư phụ.
Nhưng rồi lão đổi giọng, ra điều kiện:
Hoặc là mỗi người phải thay lão kiếm hai vạn lượng bạc.
Hoặc là hoàn thành hai mươi chuyện cho lão.
Khi ấy, võ công sư phụ đã không còn, nếu bỏ trốn cũng chẳng phải không thể. Nhưng trong mắt lão khi ấy lộ ra sự bất lực, khiến các nàng không nỡ. Tuy lão đối với các nàng chẳng tốt lành gì, nhưng không có lão, có lẽ các nàng đã chết đói từ lâu rồi.
Bôn ba khắp nơi bốn năm, sư tỷ đã hoàn thành gần hết chỉ còn ba việc, còn nàng thì chỉ còn lại một chuyện cuối cùng. Chỉ là vì bị cổ trùng trì hoãn, phải đợi giải xong cổ mới có thể bổ sung việc đó vào —
Khi đó, nàng sẽ được tự do.
Đến lúc ấy, nàng không cần phải chịu khổ nữa.
Đình Tùng thấy Trình Lệnh Tuyết trầm mặc, tưởng nàng vì nhớ chuyện xưa mà đau lòng, liền an ủi:
“Công tử khoan hậu, chỉ cần đừng phạm điều cấm, ắt có ngày khổ tận cam lai.”
Lời ấy, Trình Lệnh Tuyết đã nghe không chỉ một lần.
Hôm qua, Tử Linh có nhắc, nói trước nàng, bên cạnh công tử còn có một thị vệ thân cận. Không rõ vì sao, người ấy lại đột nhiên chết bất đắc kỳ tử. Công tử cho người hậu táng chu đáo, còn cấp cho người nhà một khoản hậu bổng.
Nghe qua, cũng là người không tệ.
Nhưng khoan dung là một chuyện. Một người cực kỳ ghét bị lừa, thì làm sao có thể dễ dàng tha thứ cho một kẻ vừa lừa mình, lại còn được mình tin tưởng?
Sau khi giải cổ, nhất định nàng phải chuồn đi.
Nghĩ đến những ngày gần đây công tử thỉnh thoảng lại ôn hoà, Trình Lệnh Tuyết trong lòng lại dấy lên đôi chút hy vọng. Nàng siết chặt tinh thần, quyết định buông bỏ thành kiến đối với quyền quý, hết lòng tiếp nhận sự tín nhiệm của người.
Đêm đến, mưa lớn như trút.
Tầng tầng mây đen đè nặng nơi chân trời, ánh chớp thoắt hiện giữa tầng mây, rạch một đường nứt toác giữa màn đêm tăm tối, ánh sáng như thiêu đốt bầu không, soi rõ cả khoảng sân viện lặng ngắt.
Trình Lệnh Tuyết ngẩng đầu, nhìn về phía cửa sổ.
Tia chớp loé lên, chiếu sáng lớp giấy cửa sổ mỏng như tấm bình phong múa rối bóng. Sau khung cửa là một bóng người gầy gò, chỉ qua dáng hình mơ hồ, cũng có thể nhận ra vóc dáng gầy yếu.
Nàng từng xem múa rối bóng — một bên là bóng hình, một bên là người xem. Nhưng giờ, trong ánh chớp ấy, người trong và ngoài khung cửa đều hoá thành bóng rối. Mà nàng, cũng là một phần trong đó.
Cơ Nguyệt Hằng bình thản đứng nhìn ra cửa sổ.
Bóng hình kia mảnh khảnh đến mức giống như nữ tử.
Nhưng ai từng thấy thiếu niên ấy tung người phi thân lên ngựa đều biết, bên dưới vóc dáng mảnh khảnh ấy là một sinh khí mạnh mẽ bức người.
Cùng một tấm bình phong, nhưng trình diễn hai cuộc đời hoàn toàn khác biệt.
Lại một tia chớp loé lên, soi rõ đôi mắt đào hoa kia, dưới ánh đỏ rực như giãy giụa, ẩn chứa cảm xúc không tên. Mưa đêm lạnh buốt, khiến thanh âm thiếu niên cũng mang theo chút băng hàn:
“Gọi hắn vào.”
Đình Tùng hơi khựng lại, đè xuống ý mềm lòng không cần thiết, nói:
“Công tử bảo ngươi vào tránh mưa.”
Thiếu niên như bị bất ngờ vì tấm lòng ấy, hơi sững người:
“Đa tạ công tử. Nhưng thuộc hạ da dày thịt béo, không sợ mưa xối.”
Đình Tùng không kiên nhẫn đáp:
“Công tử bảo ngươi đến, thì đến đi.”
Trình Lệnh Tuyết không từ chối nữa.
Sau tấm bình phong, công tử vẫn không nhúc nhích.
Giờ này rồi mà vẫn ngồi trước án thư, không đốt đèn, thật là kỳ quái.
Hắn đang mò mẫm làm gì? Nghe mưa sao?
“Trúc Tuyết.”
Công tử gọi nàng.
Trình Lệnh Tuyết xoay người đáp:
“Có thuộc hạ.”
Một tia chớp chẻ ngang màn đêm.
Sấm rền bật tung mây trời, như tiếng than thở của ác long muốn thoát khỏi xiềng xích giữa tầng mây.
“Ngươi lúc nhỏ, thường bị phạt sao?” – Giọng nói kia trầm nhẹ, ẩn ý một tia tò mò.
Trình Lệnh Tuyết cho rằng công tử chỉ là đêm mưa nhàm chán nên hỏi chơi, liền đáp:
“Những năm đầu, đúng là vậy.”
Công tử lại hỏi:
“Có đau không?”
Nàng ngẫm nghĩ:
“Mới đầu thì đau, sau quen rồi, cũng chẳng thấy đau như thế nữa.”
“Tại sao?” – Công tử lại hỏi.
Trình Lệnh Tuyết thoáng nghi hoặc. Chẳng lẽ công tử là loại người vì chán nản mà thích nghe nỗi đau người khác để tìm cảm giác mới lạ? Nhưng ngửi thấy trong phòng vẫn còn mùi thuốc chưa tan, nàng bỗng hiểu ra – công tử không phải tò mò, mà chính đang chịu cơn đau hành hạ, chẳng biết giải thoát thế nào, nên mới hỏi nàng.
Nàng nghiêm túc hơn, đáp:
“Bị phạt nhiều thì da thịt cũng dày ra, chịu đựng được.”
Công tử không nói gì, hồi lâu mới cất tiếng:
“Đau trên thân thể, còn có thể nhẫn. Nhưng nếu là đau trong thần hồn, thì phải làm sao chịu đựng?”
Giọng hắn chậm rãi, lạnh như nước rắn bơi dưới đáy hồ đen. Thể trạng hắn yếu, lại mới khỏi bệnh, nói chuyện chậm rãi cũng là điều bình thường. Trình Lệnh Tuyết nhẹ giọng đáp:
“Thuộc hạ sẽ nghĩ đến chuyện vui, có thể làm dịu đi sự giày vò.”
“Chuyện vui?”
Ánh mắt Trình Lệnh Tuyết bất giác xa xăm.
Khi còn bé, mỗi lần bị quản gia trách phạt, hay bị những đứa trẻ khác xa lánh, nàng thường tưởng tượng một ngày nào đó sẽ được mẹ ruột tìm về — nghĩ như vậy, lòng sẽ nhẹ nhõm hơn một chút.
Lớn thêm chút nữa, sau khi nếm trải cảm giác thất vọng, nàng không còn dám lấy chuyện ấy ra để an ủi bản thân nữa. Những lúc buồn khổ, nàng chuyển sang nghĩ nếu được chủ tử trong trại trung tâm yêu thích, không ai dám ức hiếp nàng — như thế cũng được xem là một niềm vui.
Cho đến khi nhận ra, thế gian này, ngoài bản thân nàng ra, không ai có thể cứu lấy nàng, nàng đã trưởng thành.
Không cần ảo tưởng nữa để tự vỗ về mình.
Trình Lệnh Tuyết nhìn về phía công tử.
“Gì cũng được. Chỉ cần là chuyện có thể khiến bản thân thấy vui — thì đều là được.”
“Gì cũng được sao?”
Sau tấm bình phong, người nọ khẽ cười – giọng cười nhẹ như hơi thở, thấp thoáng ý vị.
“Lại đây.”
Không trăng, không đèn, sau bình phong chỉ còn lại một dáng người được ánh sáng yếu ớt cắt thành nét mảnh, bóng hình tuy mờ nhạt mà vẫn toát lên vẻ ung dung thanh nhã. Nhưng mãi đến khi đến gần, Trình Lệnh Tuyết mới nhận ra – thân ảnh mảnh mai kia như dây cung đã kéo đến tận cùng.
Tựa hồ đã gom hết ý chí trong một thân thể mảnh khảnh, chỉ cần thêm một chút áp lực là sẽ tan vỡ ngay sau đó.
Thấy vậy, nàng không chần chừ, bước nhanh đến trước mặt hắn.
“Công tử không khoẻ sao?”
Cơ Nguyệt Hằng chống khuỷu tay lên mặt bàn, tư thế vẫn đoan trang nhã nhặn. Nhưng cả người, từ đầu ngón tay đến sống lưng, đều căng chặt như dây đàn. Thân hình hắn như vầng mây mỏng nơi chân trời, nhẹ tênh mà mơ hồ, nhưng sâu trong tầng mây kia, lại như có một con Chúc Long bị xiềng xích, vùng vẫy không ra.
Rất khó chịu.
Hắn siết chặt tay, khớp xương phát ra tiếng răng rắc khẽ khàng.
Một tia chớp rạch ngang trời, vừa lúc nàng bước đến gần án thư, ánh sáng chói lóa bổ đôi bóng tối, khiến căn phòng bừng sáng như giữa ban ngày.
Nàng khẽ hô một tiếng.
Sắc mặt công tử lúc này tái nhợt lạ thường, nhưng đôi môi lại đỏ rực như son. Giữa trán, nốt chu sa như muốn rỉ máu.
Hắn đang chăm chăm nhìn nàng.
Dáng vẻ tưởng chừng như trầm ổn, nhưng ánh mắt sâu không đáy kia lại tĩnh mịch đến quỷ dị, tựa như u đàm chẳng thấy đáy.
Trong tay hắn, đang nắm một thanh chủy thủ.
Bàn tay gầy guộc như nhánh trúc khô, siết chặt chuôi đao, các khớp xương như co rút lại, giống như móng vuốt của một con rồng hung tợn đang chực vồ mồi.
“Lại gần một chút nữa.”
Hắn khẽ gọi, giọng nói dịu dàng lạ thường.
Thanh chủy thủ dưới ánh chớp loé lên như sinh linh bị đánh thức – phản chiếu ánh sáng yêu dị lên khuôn mặt thanh niên, khiến nốt chu sa giữa trán hắn càng đỏ rực, như một giọt máu sắp tràn.
Từng luồng khí lạnh mơ hồ lan ra sau lưng, rịn lên từng thớ thịt.
Trình Lệnh Tuyết không nhúc nhích.