Mưa xuân mới tạnh, gió mát len lỏi thấm vào tận tạng phủ.
Dưới ánh sáng ban mai, cảnh vật vốn ngày thường tưởng như xa vời, đình đài lầu gác, gấm vóc chu thuyền, lại trở nên gần gũi biết bao.
Toàn bộ biệt viện đang dần bừng tỉnh.
Bọn thị nữ lần lượt đi qua hành lang, tay bưng nước rửa mặt, trà sớm, cơm sáng cùng y phục đã xông hương . Dưới chân giày thêu nhẹ bước lên gạch xanh, không phát ra lấy nửa tiếng động.
Một thân ảnh y phục xanh sẫm, vóc dáng mảnh khảnh, từ chốn râm mát trong viện bước ra, đứng lặng dưới tàng cây trước vườn, ôm kiếm mà canh giữ.
Mặt trời dần lên, biệt viện cũng dần dần rộn rã tiếng người.
Một thiếu nữ nhỏ tuổi “loạt xoạt”, lao vội tới dưới tàng cây, vui vẻ nói với người ôm kiếm:
“Trúc Tuyết! Thì ra ngươi ở đây. Nhìn này! Ta thêu cho ngươi một chiếc khăn trùm đầu, sắc xanh sẫm, hợp với ngươi lắm đó!”
Thiếu niên ôm kiếm, mắt phượng khẽ rủ, dáng người thanh tú mà thẳng tắp, đứng trong nắng sớm, tựa như tuyết lạnh trên cành trúc lúc đêm tàn. Nghe nàng nói, chàng lui nhẹ một bước, thanh âm trầm thấp mà lạnh nhạt:
“Đa tạ biểu cô nương. Nhưng ta không cần khăn trùm đầu.”
Thiếu nữ thoáng thất vọng:
“Ngươi cái này cũng không nhận, cái kia cũng không nhận. Là ghét ta sao?”
Trúc Tuyết lại lui một bước:
“Không dám.”
Thiếu nữ thẳng thắn hỏi luôn:
“Vì sao ngươi cứ luôn tránh xa ta? Chẳng lẽ bởi vì ta lớn hơn ngươi một tuổi? Hay là ngươi cảm thấy bản thân chỉ là hộ vệ, không dám gần gũi với ta? Thật ra cũng đâu cần phải tự ti như thế. Ngươi là ân nhân cứu mạng biểu huynh ta, nếu không nhờ ngươi, huynh ấy sao có thể bình an thoát khỏi ổ cướp trở về? Huống hồ ngươi còn là người chính trực, tháng trước biểu huynh muốn lấy số bạc lớn để tạ ơn ngươi, ngươi cũng không nhận, chỉ xin một phần sinh kế. Ngươi thật sự… là người rất tốt a!”
Trúc Tuyết bị khen đến đỏ cả vành tai, mặt mày vẫn bình thản nhưng ánh mắt không giấu nổi phần lúng túng. Thiếu niên cụp mi, yên lặng giấu thần sắc, chậm rãi nói:
“Thực ra… ta từng bị trọng thương, nay đã mất mệnh căn, không thể cùng người hoan hảo.”
Thiếu nữ kinh ngạc, lời nói nghẹn nơi cổ, chỉ lặng nhìn khuôn mặt tuấn tú kia hồi lâu. Sau lại thoáng mất mát, song chợt thấy may mắn, vội quay người bỏ chạy:
“Vậy… coi như hôm nay ta chưa nói gì! Khăn đó cũng không phải ta thêu, là tỳ nữ của ta đó! Ngươi… cũng chớ quá tự ti, không ai cười ngươi cả đâu!”
Bóng dáng thiếu nữ xinh đẹp biến mất sau vòm hoa.
Dưới gốc cây, Trúc Tuyết buông ra một hơi thở dài nhẹ nhõm.
Lời vừa rồi… cũng chẳng tính là gạt người.
Nàng quả thực là không có mệnh căn, cũng không thể * hợp. Nhưng nguyên nhân… chẳng phải bởi thương tích, mà là vì——
Nàng vốn là nữ cải nam trang.
Vì từng nghe rằng, nam nhân nếu không có “mệnh căn” thì chẳng thể hành phòng, sẽ không được nữ tử yêu thích. Bởi thế nàng mới viện ra cớ kia. Còn mệnh căn trông thế nào, trẻ con sinh ra như nào, nàng thực tình… chẳng rõ.
“Trúc Tuyết” là tên được công tử ban cho sau khi nàng vào phủ làm hộ vệ. Danh xưng thật của nàng —— Trình Lệnh Tuyết.
Khăn lót bó ngực chặt chẽ khiến nàng tức ngực khó thở.
Trong lòng Trình Lệnh Tuyết cũng nghẹn đến phát hoảng.
Nàng có thể trở thành “ân nhân cứu mạng” của công tử, kỳ thực chẳng phải chuyện ngẫu nhiên, mà là do nàng ngấm ngầm bám theo chàng suốt dọc đường. Cơ duyên trùng hợp, khi công tử chẳng may bị sơn tặc bắt đi, nàng liền “anh hùng cứu mỹ nhân” một phen.
Còn cái danh “chính trực không nhận thù lao” Hoàn toàn là giả.
Chẳng phải nàng không ham tiền, chỉ là vì muốn tiếp cận công tử, đành ngậm ngùi dằn lòng bỏ qua cơ hội.
Chuyện này phải kể lại từ hơn một tháng trước…
Hôm ấy, nàng xuống núi thay sư phụ làm việc, đi ngang một đoạn phố phồn hoa, đột nhiên cổ tay ngứa râm ran, một luồng đỏ như tơ máu hiện lên. Cùng lúc, ngực đau nhói, toàn thân thoáng run.
Lúc đầu nàng chẳng để tâm, nhưng ngay sau đó, có một tên ăn mày tiến đến, đưa cho nàng một phong thư cùng mấy thỏi bạc, nói là có người nhờ giao tận tay.
Lá thư được viết bởi một người dưỡng cổ, nội dung rằng hắn vô tình để “mẫu cổ” rơi vào người một vị quý công tử, còn “tử cổ” – lại nhập vào thân thể nàng.
Trong thư dặn rằng, sau nửa năm sẽ bộc phát, độc cổ sẽ phát tác mỗi tháng một lần. Nếu kẻ mang tử cổ muốn sống, thì phải khiến người có mẫu cổ hoàn toàn tín nhiệm, một lòng một dạ. Chỉ khi đó mới có thể giải cổ.
Bằng không, độc phát lâu ngày, kinh mạch tổn hại, không cứu được.
Trình Lệnh Tuyết bán tín bán nghi. Nếu thư viết “giao hoan có thể giải cổ”, nàng còn tạm tin. Nhưng thứ gọi là “chân tâm tín nhiệm”, làm sao mà đo đếm được?
Nàng đem chuyện hỏi một vị lang y quen biết. Y nhìn qua, xác nhận nàng đích xác trúng cổ, nhưng không thể đoán là loại nào. Cổ độc khác với độc thường, muốn giải chỉ có người nuôi cổ mới làm được.
Tiếc rằng —— người nọ chẳng khác gì quỷ mị, để lại thư rồi biến mất không dấu.
Bất đắc dĩ, nàng đành tìm người kia —— vị quý công tử đã trúng mẫu cổ.
Chàng vốn đang du ngoạn Giang Nam để giải sầu, lại chẳng may gặp cướp trong rừng.
Nàng liền nhân cơ hội ấy, làm ra một màn cứu người nơi ổ cướp, thuận lợi tiếp cận chàng.
Nhưng mỗi lần nhớ lại đêm đó, tâm nàng không khỏi lạnh thêm một phần.
Ổ cướp hôm đó quái lạ dị thường. Tên đầu lĩnh phát điên giết sạch huynh đệ mình, máu chảy thành sông. Nàng vừa xuất hiện, đã nhanh chóng hạ thủ, giữa bể xác núi xương đưa công tử yếu ớt kia thoát thân.
Đó vốn dĩ là một khởi đầu hoàn hảo.
Nhưng nàng lại có một tật xấu — hễ đến gần người sống mà thân cận quá mức, liền sẽ sinh căng thẳng. Vị quý công tử kia thể chất yếu nhược, lại có tật ở chân, lúc ấy nàng chẳng thể làm gì khác hơn là đỡ chàng đi ra khỏi ổ cướp. Thân thể chàng nặng nửa người dồn xuống, hơi thở lạnh lẽo như sương tuyết, lại vô cùng xa cách, thỉnh thoảng còn phả qua vành tai nàng, hệt như không giống người sống.
Nàng theo bản năng hất tay — liền đem người…
Ném ra ngoài.
Thân thể yếu ớt của công tử nào chịu nổi va chạm, lập tức hôn mê bất tỉnh nhân sự. Sau đó tuy có người tâm phúc thay mặt cảm tạ, còn phong nàng làm hộ vệ bên cạnh, song — kể từ đó trở đi, chàng chưa từng triệu nàng một lần nào.
Người ngoài nói: để nàng quen việc, làm thân.
Thế là nàng "làm thân" suốt hai mươi ngày. Chỉ tiếc thân chưa làm được, mặt công tử cũng chưa từng thấy, lại bị không ít thị tỳ và biểu cô nương mị nhãn đong đưa.
Không thấy người, cổ cũng khó mà giải.
Nàng đang sầu muộn, thì trong viện có người bước ra — là Đình Tùng, tâm phúc bên cạnh công tử.
Người này tầm hai sáu, hai bảy, xưa nay hành xử ngay thẳng, nhưng hôm nay sắc mặt lại khó coi vô cùng.
Chẳng mấy chốc, một hàng thị tỳ và hộ vệ bị gọi đến trước hành lang. Lúc này Trình Lệnh Tuyết mới hiểu nguyên cớ.
Thì ra, trong đám hộ vệ bên cạnh công tử có kẻ là mật thám.
Kẻ đó trước kia từng dùng mưu điệu hổ ly sơn, muốn mượn tay sơn tặc sát hại công tử. Sáng nay lại một phen ra tay ám sát, bị Đình Tùng một kiếm lấy mạng.
Giờ phút này thi thể còn đặt đó, sắc mặt tím bầm, khoé mắt gần như rách ra, hiển nhiên là trúng độc cực nặng trước khi chết.
Trình Lệnh Tuyết cúi nhìn xác, thầm nghĩ: Công tử này là giết cái gì tới vậy… Ờ đúng rồi, là giết gà dọa khỉ.
Người luyện võ thấy máu là chuyện thường, nàng mặt không đổi sắc, trái lại tiểu thị tỳ sau lưng đã run rẩy không thôi. Nàng nghiêng người, lặng lẽ che khuất tầm mất cô bé lại.
Ngay lúc ấy — sau tấm màn trúc đối diện, một cánh tay thon dài chậm rãi vén lên.
Đầu ngón tay trắng nõn, chẳng dính một chút bụi trần. Màn trúc nhấc lên, như tranh lụa cuộn mở, nhẹ nhàng lộ ra dung nhan sau tấm rèm.
Ánh nắng sớm chiếu rọi, đầu tiên là tà áo trắng nhàn nhạt, sau đó là cằm trắng ngà như ngọc, môi khẽ mím, lông mi rũ xuống, giữa mi tâm điểm một nốt chu sa đỏ rực.
Trình Lệnh Tuyết đứng ngẩn ra.
Đêm hôm cứu người ánh sáng mờ mịt, nàng chỉ nhớ thân hình gầy gò cùng chiếc xe lăn. Giờ mới là lần đầu tiên trông rõ khuôn mặt vị quý công tử kia.
Người luyện cổ trong thư từng viết: “Công tử văn nhược nhiều bệnh, quanh năm ngồi xe lăn thay chân, giữa mày có điểm chu sa, dung mạo như thiên tiên.”
Trước kia nàng còn cười thầm mấy câu “dung mạo như thiên tiên” kia là lời khoa trương. Nay tận mắt nhìn — giấy mực khó tả, bốn chữ ấy lại sống động như hiện ngay trước mặt.
Chỉ thoáng liếc một cái, nàng đã âm thầm khắc vài chữ trong lòng:
Yếu đuối, xinh đẹp, cao quý.
Không thể chạm vào — mà càng không dám mạo phạm.
Tựa như phát giác có người nhìn mình, công tử kia chậm rãi nâng mi.
Ánh mắt họ chạm nhau — một đôi con ngươi như hồ nước sâu, lặng lẽ không gợn, lại như có thể hút trọn ánh sáng quanh thân.
Giây khắc ấy, Trình Lệnh Tuyết phảng phất như trở lại khoảnh khắc máu đổ trong sơn trại đêm đó.
Bốn bề tĩnh lặng đến rợn người, dưới đất la liệt hài cốt, máu chảy thành dòng, thấm đẫm bùn đất.
Tên đầu lĩnh sơn tặc giận dữ phát cuồng, ánh mắt đỏ lòm như dã thú phát điên, tay nắm đao, rống lên:
“Ta... ta giết ngươi!”
Mũi đao chĩa thẳng về phía trước — nơi ấy là một bóng dáng mảnh khảnh văn nhược, chính là vị quý công tử nọ, một thân y phục trắng nhã nhặn, áo bào vân chìm ánh bạc, dưới ánh trăng lay động như nước chảy.
Nàng tuy không trông rõ dung mạo hắn, nhưng chỉ cần nhìn dáng người đoan chính mà tao nhã ấy, đã không khỏi nghĩ đến bốn chữ trong lời kịch thường nói: “Như ngọc công tử”.
Thế nhưng, sau lưng như ngọc công tử là núi xác sông máu, trước mặt là sơn tặc phát cuồng chém người, áo bào trắng kia lại vấy đẫm từng giọt máu tươi…
Mà hắn, vậy mà vẫn tĩnh tại vô cùng.
Không giống một người sống có thất tình lục dục.
Nếu là trong vở kịch, tất sẽ khen ngợi hắn "gặp biến bất kinh", nhưng Trình Lệnh Tuyết lại không thấy thế là hay, ngược lại chỉ cảm thấy... quỷ dị.
Tựa như một bức tượng Quan Âm bằng bạch ngọc — một khi bị máu bắn lên, thì còn đáng sợ hơn cả hung thần ác sát.
Chính bởi cảm giác lạnh lẽo lạ thường ấy, mà khi đó nàng mới sinh ra một ý nghĩ hoang đường: “Chẳng lẽ thân người này mang tà khí, nên mới khiến lũ sơn tặc điên loạn?”
Dù nghe có vẻ nực cười, song hiện tại, khi đứng đối diện với hắn, nàng vẫn không thể không nhớ lại cái cảm giác mơ hồ mà đáng sợ đó.
Nhưng ngay sau đó, công tử cụp mắt xuống.
Không cùng nàng đối diện ánh nhìn, ảo giác cũng theo đó mà tan đi phần nào. Dưới ánh mặt trời, nốt chu sa giữa trán càng rõ ràng hơn, khiến hắn thoạt nhìn lại như một tượng Quan Âm bằng sứ dễ vỡ trong điện thờ.
Trong đầu nàng cuối cùng cũng đặt cho hắn một cái ấn tượng:
"Văn nhược an tĩnh."
Mành trúc buông xuống.
Quý công tử một lần nữa khuất sau rèm.
“Khụ... khụ...”
Đình Tùng sắc mặt âm trầm, ho nhẹ hai tiếng rồi trầm giọng nói vài câu về tội trạng của mật thám. Dứt lời, hắn rút kiếm, cắt tung xiêm y trên thi thể.
“Ôi ——”
Chung quanh tức thì vang lên từng tiếng xôn xao kinh hãi.
Trình Lệnh Tuyết xưa nay mặt không đổi sắc, lúc này cũng không khỏi nhướng mày: Thì ra mật thám là nữ cải nam trang!
Không ngờ, thế gian này lại gặp được người cùng cảnh ngộ.
Nàng híp mắt, ánh nhìn lạnh lẽo.
Khi mọi người đều mang tâm tư khác nhau, Đình Tùng lại lần nữa mở miệng. Một câu ngắn ngủi, nhưng khiến lòng nàng căng lại.
“Kết cục người này, chư vị đã tận mắt thấy. Vẫn là câu nói cũ — công tử hỉ tĩnh, không thích bị dối lừa. Mong các người nhớ kỹ… tự lo lấy mình!”
Không thích bị dối lừa…
Trình Lệnh Tuyết không khỏi đưa tay ôm ngực.
Sự tồn tại của cổ độc càng thêm rõ ràng.
Đêm đến, nàng nằm nghiêng trên giường, tay khẽ vuốt qua cổ nơi vẫn còn lưu ấn ngân tuyến mờ nhạt, lăn qua trở lại mãi không ngủ.
Trong đầu nàng, tựa như có một tảng đá lớn đè nặng, từng chút, từng chút kéo ý thức rơi xuống vực sâu, không ngừng hạ xuống…
Trong lúc mông lung, nàng mơ hồ trông thấy cửa phòng khép hờ.
Một bóng người đoan chính vận áo gấm, búi tóc bằng ngọc quan, thản nhiên đẩy xe lăn mà tiến vào.
Hương quý đến mức nàng chẳng thể biết tên, chỉ cần thoáng ngửi cũng biết là đồ trân quý, hương thơm dịu dàng thấm sâu trong hơi thở.
Ngay sau gáy, đột nhiên có thứ lạnh lẽo kề sát.
Lưỡi kiếm lạnh băng, giống hệt cảm giác cả người lạnh toát đêm đó giữa ổ cướp.
Một bàn tay ngọc trắng thon dài nắm chặt chuôi kiếm, mũi kiếm men theo cổ mà trượt xuống, rồi dừng lại ở nơi vạt áo đan xen.
Trường kiếm kia mang theo sự biếng nhác, lại đầy ngả ngớn.
Mà thân thể nàng thì trần trụi, cổ đeo ngân tuyến, tất cả phơi bày dưới ánh mắt trầm tĩnh ấy.