Diệp Mãn Chi đã giúp anh năm đổi chỗ ở, coi như đã trút được một nửa gánh lo nhưng nửa còn lại vẫn canh cánh vì nhà họ Trịnh ở ngõ Nguyệt Nha.

Nhà họ Trịnh giống như một quả mìn chôn ngầm trong ngõ Nguyệt Nha, chỉ cần có người vô tình đụng phải, hậu quả là tất cả mọi người đều sẽ bị liên lụy.

Tình hình phức tạp của gia đình này khiến cô cảm thấy đau đầu. Đang lúc không biết phải xử trí thế nào thì có người đưa vấn đề của nhà họ Trịnh ra ánh sáng.

Nguyên nhân vẫn là vụ ẩu đả cách đây mấy hôm.

Trong năm người bị thương nặng được đưa vào viện có một người bị gãy đốt sống thắt lưng. Với điều kiện y tế hiện tại, rất có thể không thể hồi phục như ban đầu, nguy cơ để lại tàn tật suốt đời là rất lớn.

Một người đàn ông khỏe mạnh nay thành tàn phế, bản thân anh ta và gia đình đương nhiên không thể chấp nhận nổi.

Gia đình này tạm thời chưa nghĩ ra cách giải quyết liền đưa ra một yêu cầu thực tế nhất — xin được trợ cấp hộ nghèo.

“Nhà họ Vương thì tôi biết, hồ sơ xin trợ cấp đã nộp mấy lần rồi nhưng đều không đạt điều kiện,” Trương Cần Giản chỉ vào mẫu đơn xin trợ cấp rồi nói, “Dù Vương Chí Cường có thể bị di chứng nhưng nhà anh ta đâu chỉ có mình anh ta là lao động chính. Với tình hình này, không nên duyệt cho gia đình anh ta trở thành hộ nghèo.”

Ủy viên phúc lợi Ngụy Trân thở dài ngao ngán: “Nhà anh ta đúng là còn người có khả năng lao động nhưng vấn đề là… những người đó đều không có việc làm!”

“Cuộc xét duyệt hộ nghèo năm nay sắp bắt đầu rồi,” Chủ nhiệm Mục đề xuất, “Nhân dịp này chúng ta nên rà soát lại toàn bộ hộ nghèo trên phố Quang Minh. Bây giờ đất nước đang cần vốn để phát triển, thành phố và quận đều siết chặt việc xét duyệt hộ nghèo.”

“Số hộ nghèo ở phố Quang Minh hiện là 87 hộ, đứng thứ hai toàn quận. Cứ mãi ngửa tay xin tiền cũng không phải cách lâu dài, tốt nhất là nghĩ cách giúp họ tự lực cánh sinh.”

Diệp Mãn Chi cùng ba cán bộ trẻ khác được cho phép tham dự buổi họp bàn phúc lợi của khu phố nhưng chỉ được nghe, không có quyền phát biểu.

Tuy không được phát biểu nhưng miệng của mấy người họ lại không chịu yên. Lưu Kim Bảo thì thầm với Diệp Mãn Chi: “Phải bắt những người còn sức lao động ra ngoài kiếm tiền. Nếu không làm mà vẫn được nhận trợ cấp thì ai cũng bắt chước, vậy còn ai muốn đi làm nữa?”

“Cậu nói không sai nhưng việc làm ở đâu ra?”

“Trong thành phố vẫn có nhiều nhà máy đang tuyển người, có tay có chân thì cứ đi ứng tuyển là được.”

“Nói thì dễ đấy,” Trần Thái Hà cạn lời, “Những hộ nghèo đó phần lớn đều là mù chữ hoặc chỉ biết đọc biết viết sơ sơ. Các nhà máy giờ tuyển người cũng đòi trình độ học vấn. Nếu ai cũng làm công nhân được thì người ta đã làm hết rồi!”

Bốn người lặng lẽ thì thầm, âm lượng càng lúc càng lớn đến mức Chủ nhiệm Mục phải ho một tiếng nhắc họ giữ trật tự.

Trương Cần Giản cười nói: “Tôi thấy Lưu Kim Bảo nói đúng đấy. Ai có khả năng lao động thì phải vận động họ bước ra ngoài tham gia lao động. Mọi người xem, hai nhà này…”

Anh ta rút ra hai tờ trong chồng đơn xin trợ cấp dày cộm.

“Một là nhà Tiền Thắng Lợi ở ngõ Oằn Cổ, một là nhà Trịnh Đông ở ngõ Nguyệt Nha. Cả hai đều đã nộp đơn xin trợ cấp từ lâu nhưng chưa từng được phê duyệt. Tình huống của họ rất điển hình: trụ cột trong nhà bị liệt, chỉ còn lại người già, trẻ con và phụ nữ.”

Ngụy Trân là người rất hiểu hai nhà này, vừa nhắc tới đã cau mày lộ rõ vẻ chán ghét.

“Nhà Tiền Thắng Lợi còn đỡ, ít nhất ông Tiền còn biết đan giỏ làm thủ công phụ giúp gia đình. Còn nhà họ Trịnh thì đúng là rắc rối,” Ngụy Trân tỏ ra bực bội, “Tôi từng đến nhà họ mấy lần, còn giới thiệu cho bố mẹ Trịnh Đông việc dán vỏ bao diêm. Kết quả lúc thì họ kêu ngồi lâu đau lưng, lúc thì lại bảo khớp tay bị phong thấp, nói chung là viện cớ không chịu làm.”

Nhắc đến nhà họ Trịnh, Diệp Mãn Chi không kìm được mà chen vào.

“Chị Ngụy, chủ yếu là con dâu và con gái họ quá siêng năng. Tuyết Kiều Nhi ở ngoài đạp xe ba bánh kiếm tiền, còn Trịnh Đông Muội thì ở nhà trông cháu, làm việc nhà. Tuy con trai bị liệt nhưng cuộc sống sinh hoạt bình thường của hai ông bà không bị ảnh hưởng.”

Ngụy Trân lập tức tỏ ra đồng cảm vỗ tay nói: “Tiểu Diệp nói đúng quá! Hai ông bà nhà họ Trịnh đúng là bị con cái chiều hư rồi!”

Trước đây cô ấy từng nêu vấn đề nhà họ Trịnh nhưng chẳng ai tin.

Ông bà Trịnh vốn hiền lành, đối với cô con dâu có xuất thân từ kỹ nữ cũng bao dung vì thế trong khu xóm, danh tiếng của họ cũng không đến nỗi nào. Tổ trưởng khu dân cư và chủ nhiệm ủy ban khu phố đều khen hai ông bà là người tử tế.

Ngược lại cô con dâu Tuyết Kiều Nhi và cô em chồng Trịnh Đông Muội thì hay gặp rắc rối, bị nói ra nói vào trong ngõ.

Nhưng Ngụy Trân đã làm công tác phúc lợi bao năm, cô ấy đã gặp qua đủ loại người.

Theo cô ấy, hai ông bà nhà họ Trịnh tuyệt đối không phải người dễ đối phó.

Mọi người bàn tán rôm rả về tình hình các hộ xin trợ cấp, chuyện trong nhà người ta cũng bị lôi ra mổ xẻ.

Diệp Mãn Chi chăm chú hóng chuyện, nghe say mê không chớp mắt. Nhưng Chủ nhiệm Mục ngắt lời: “Được rồi, tình hình các hộ xin trợ cấp mỗi nhà mỗi cảnh nhưng số lượng hộ nghèo ở phố Quang Minh không thể tiếp tục tăng nữa. Ngoài những người thực sự mất khả năng lao động, chúng ta phải giúp họ vượt qua khó khăn, còn lại đều phải tự lực cánh sinh!”

“Mọi người hãy chia đơn theo các khu dân cư, cán bộ phụ trách sẽ đến từng nhà một để làm công tác tư tưởng, cố gắng giúp họ tìm hướng đi, không tạo thêm gánh nặng cho quốc gia.”

Phố Quang Minh có tổng cộng sáu khu dân cư, Diệp Mãn Chi và Trần Thái Hà phụ trách khu dân cư thứ năm và thứ sáu.

Cả hai nhận được chín bộ hồ sơ xin trợ cấp, trong đó có nhà họ Trịnh.

Diệp Mãn Chi biết rõ, dù anh năm sắp rời khỏi ngõ Nguyệt Nha nhưng mối nguy hiểm vẫn chưa được dập tắt.

Nếu có ai đó chọc giận Trịnh Đông Muội, để cô ta kích động nổi điên lên châm một ngọn lửa thì cả con phố cũng có thể bị thiêu rụi.

Việc này không chỉ ảnh hưởng đến cơm áo của toàn thể nhân viên trong khu phố mà còn là chuyện liên quan đến tính mạng con người!

Cô cảm thấy trong những người ở ủy ban khu phố, chị Ngụy là người có cái nhìn về nhà họ Trịnh giống mình nhất nên đã mang hồ sơ xin trợ cấp đến tìm chị ấy xin ý kiến.

“Chuyện nhà họ cũng có thể nói là phức tạp mà cũng có thể nói là đơn giản.” Ngụy Trân ghé tai cô thì thầm, “Hai ông bà nhà Trịnh ấy, một từ thôi: giả tạo! Họ khéo sai khiến người khác, xem con dâu và con gái như súc vật sai vặt. Vấn đề là hai cô gái ấy còn không thấy gì bất thường, lại cam lòng nuôi cả nhà!”

Diệp Mãn Chi nhớ tới nụ cười của Tuyết Kiều Nhi, thầm nghĩ, cũng chưa chắc là cam lòng đâu.

Cô nói khẽ suy tính của mình: “Chị Ngụy, chị thấy nếu để Trịnh Đông Muội đi làm trước thì sao? Cô ấy khá tháo vát, vẫn tính là lao động chính, nên ra ngoài kiếm việc. Để ông bà ở nhà trông cháu, làm việc nhà. Nếu Trịnh Đông Muội ra ngoài làm, nhà họ sẽ có hai người có lương thì không thể xếp vào hộ nghèo được.”

Trần Thái Hà không lạc quan về kế hoạch này.

“Khó đấy! Biết đâu nhà họ cố tình không để con gái ra ngoài làm là để được xét hộ nghèo. Trừ khi mình tìm được việc có lương cao hơn hẳn khoản trợ cấp.”

Nhưng chính bản thân họ còn đang trong giai đoạn thử việc, công việc của mình còn chưa chắc giữ nổi, lấy gì ra mà tìm việc tốt cho người khác?

Ngụy Trân chỉ cười khẽ không trả lời.

“Chị Ngụy, có gì chị cứ nói thật,” Diệp Mãn Chi nắm lấy tay chị, “Chị hiểu rõ nhà họ hơn bọn em, bọn em nghe chị.”

Thấy hai cô gái trẻ mắt nhìn trông đợi, Ngụy Trân do dự hồi lâu rồi cũng thấp giọng nói ra phán đoán của mình.

“Chị nói ra thì có thể hơi nghĩ xấu cho người ta nhưng hai ông bà nhà họ Trịnh ấy e là thà nhận trợ cấp còn hơn để con gái ra ngoài làm việc.”

“Tại sao chứ?” Trần Thái Hà thắc mắc, “Làm thêm tiền cho gia đình chẳng tốt à?”

Ngụy Trân hỏi: “Hai em đi làm ở đây được một tháng rồi nhỉ, chắc có không ít người muốn mai mối cho tụi em?”

“Em thì có chồng rồi!” Trần Thái Hà chỉ sang Diệp Mãn Chi, “Tiểu Diệp mới là người được săn đón, suốt ngày có người muốn làm mai.”

“Thấy chưa? Mới vô làm đã có người muốn mai mối.” Ngụy Trân hỏi tiếp, “Nếu Trịnh Đông Muội đi làm, cô ấy đâu có xấu, lại tháo vát, liệu có ai giới thiệu chồng cho không? Nếu cô ấy lấy chồng, dù lương có cao mấy cũng không thể đưa hết cho nhà mẹ đẻ chứ?”

Trịnh Đông Muội năm nay cũng đã hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi, con gái nhà khác tuổi này thì con đã chạy đầy nhà rồi.

Nếu thật sự thương con gái, tại sao không tìm mối cho cô ấy?

Trừ khi nhà họ có người đủ sức gánh vác nuôi sống cả nhà, còn không thì Trịnh Đông Muội cứ phải làm đầy tớ trong nhà cha mẹ cả đời.

Diệp Mãn Chi và Trần Thái Hà nhìn nhau, trong mắt cả hai đều có vẻ ngỡ ngàng tỉnh ngộ.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play