Bên nhà họ Diệp gà bay chó sủa khiến hàng xóm láng giềng xung quanh đều chạy ra trước cửa xem náo nhiệt.
Thường Nguyệt Nga nhỏ giọng hỏi con gái:
“Con thật sự đăng ký nhà họ thành tiệm may à? Giấy giới thiệu từ đâu ra? Sao mấy đồng chí bên công thương lại tin con được vậy?”
Diệp Mãn Chi vừa rửa được mối thù lớn nên tinh thần sảng khoái, đáp:
“Con nói anh rể không biết chữ, con làm thay. Còn chi tiết thế nào thì giữ bí mật, mẹ đừng hỏi nữa!”
“…”
Thường Nguyệt Nga không khỏi lo lắng nói:
“Bên Nhị Nha e là sẽ phải chịu khổ rồi.”
“Nhà mình mà không cứng rắn một chút thì bọn họ còn ức hiếp chị hai con nhiều hơn nữa! Mẹ yên tâm, nếu bà Từ thật sự trút giận lên chị hai thì cứ để anh ba, anh tư, anh năm đi đánh Từ Đại Quân!”
“…”
Thường Nguyệt Nga lo ngay ngáy, sợ danh tiếng “gái dữ” của con gái lan truyền ra ngoài nên vội nhét cho cô một cái chai không:
“Chuyện ở đây hết phần con rồi, thay mẹ ra cửa hàng hợp tác xã mua chai nước tương đi…”
Diệp Mãn Chi vui vẻ đồng ý, chào hỏi mấy bà con lối xóm rồi xách chai xuống nhà.
…
Dãy nhà tập thể của xưởng 856 mới xây từ năm ngoái, đều là kiểu nhà Khrushchev, gạch đỏ ngói xám xếp dọc nối liền giữa khu sản xuất và khu sinh hoạt.
Chiều tà, hiệu lệnh đổi ca đã vang lên hai lần, bài “Katyusha” qua loa phát thanh như ngân vang trong làn gió xuân.
Diệp Mãn Chi vừa ngân nga bài hát vừa đi tới cổng đại viện thì thấy phía trước bảng thông báo tụ tập đầy người.
“Dì Lý ơi, đằng kia có chuyện gì vậy ạ?”
“Danh sách công nhân trẻ được cử đi thực tập ở nhà máy ô tô Stalin đã dán ra rồi! Có tên của Diệp Mãn Đường nhà cháu đấy! Mau chạy về báo tin mừng cho cha mẹ cháu đi!”
Diệp Mãn Chi mừng rỡ hỏi lại:
“Anh ba cháu thật sự được chọn ạ?!”
“Không thật thì còn là gì nữa!”
Niềm vui dâng lên như thủy triều, Diệp Mãn Chi phấn khởi đến mức hét lên vì sung sướng.
Trong lúc đó, cô liếc mắt thấy vợ chồng anh ba vừa từ ngoài trở về liền vội vàng chạy tới báo tin vui.
Thế nhưng chưa kịp mở miệng chúc mừng, chị dâu ba Hoàng Lê đã lạnh giọng hỏi:
“Diệp Mãn Đường, anh từng đảm bảo với em thế nào? Sao trong danh sách du học Liên Xô lại có tên anh?”
Anh ba cười nịnh:
“Chọn ai không chọn ai là chuyện của nhà máy, đến lượt anh quyết định chắc?”
“Bò không muốn uống nước thì lãnh đạo nhà máy có thể ép đầu nó xuống chắc?”
Anh ba cười trừ giải thích:
“Vấn đề là anh không có lý do gì hợp lý để từ chối đi học cả! Không thì lãnh đạo sẽ nghĩ gì về anh?”
Diệp Mãn Đường nháy mắt cầu cứu em gái nhưng Diệp Mãn Chi chỉ đáp lại bằng ánh mắt “lực bất tòng tâm”.
Có những lúc cô thật sự không hiểu nổi suy nghĩ của chị dâu ba.
Không hiểu vì sao chị ấy lại bỏ nghề giáo viên trung học đầy thể diện để đi làm một người đưa thư vất vả nắng mưa.
Lại càng không hiểu sao chị ấy lại phản đối việc chồng mình đi Liên Xô du học.
Với một gia đình công nhân bình thường như họ mà có thể đào tạo được một kỹ sư du học Liên Xô đóng góp cho tổ quốc – chẳng phải là một chuyện vẻ vang vô cùng sao?
Cả khu nhà máy quân sự này e là chỉ có mỗi chị ấy là phản đối thôi…
Dĩ nhiên Hoàng Lê hiểu rất rõ, trong thời đại này được nhà nước cử đi du học Liên Xô là điều cực kỳ vẻ vang.
Nhưng theo cốt truyện trong quyển tiểu thuyết cô xuyên vào, sau khi Diệp Mãn Đường du học về nước chỉ có vài năm huy hoàng ngắn ngủi rồi bị điều đi nông trường, lãng phí cả chục năm trời.
Khoảng thời gian tươi đẹp nhất của đời người anh ta không được chế tạo ô tô mà lại đi “tu bổ hành tinh”.
Hoàng Lê không muốn sống kiểu cuộc đời đó với anh ta.
Từ sau khi cô xuyên vào làm nữ chính trong truyện “Sự tái sinh của nhà văn vĩ đại”, lại vì tiếng ồn của máy may mà suốt hai tháng không viết nổi tác phẩm nào ra hồn, cô đã đặt ra hai mục tiêu:
Ngăn cản Diệp Mãn Đường đi Liên Xô.
Chuyển ra khỏi nhà họ Diệp, tránh xa đám người hay gây chuyện, sống cuộc sống yên ổn của mình.
Nhưng mà danh sách cử đi Liên Xô đã được công bố, nếu không phải chết người, tàn phế hoặc dính vấn đề chính trị/lối sống nghiêm trọng thì chuyến đi này chắc chắn không tránh khỏi!
Hoàng Lê tức đến mức choáng váng đầu óc vì kết luận đó.
Chỉ bằng một cái liếc mắt ngắn ngủi giữa hai anh em cô cũng đủ đoán ra:
Việc Diệp Mãn Đường được chọn đi Liên Xô tám phần là có liên quan đến cô em chồng thích gây chuyện này!
Tương lai đầy rẫy nguy cơ, hiện tại thì rối tung rối mù khiến Hoàng Lê chưa bao giờ thấy bực bội và mệt mỏi đến thế. Cô không nhịn được mà phiền muộn nghĩ thầm:
“Con nhỏ phá làng phá xóm này bao giờ mới gả về nhà phó xưởng trưởng Chu đây? Mình sắp không nhịn được nữa rồi!”
Đối diện, Diệp Mãn Chi tròn mắt nhìn dòng chữ bất ngờ xuất hiện trên trán chị dâu ba, dụi mắt không tin nổi:
“Hở?????”