Chương 12 – Chuyện cũ

Hai anh em Từ Ninh đi theo sau ông Thất, cùng vào bếp. Trong bếp chỉ có một ngọn đèn dầu leo lét. Mẹ Từ mặc chiếc áo bông cũ vá chằng vá đụp, đang nhóm lửa bên bếp, Từ Mạc thì ngồi trên ghế nhỏ, khoác một chiếc áo bông người lớn dài quá đầu gối, phần giữa được buộc lại bằng dây thừng. Bên cạnh bếp, vợ chồng bác ân nhân đang dán bánh rau trong nồi.

Tiếng bước chân khiến mấy người trong bếp quay đầu nhìn lại. Trong ánh đèn mờ, căn bếp giữa đêm lạnh lẽo lại bỗng ấm áp hơn vài phần. Mẹ Từ vừa nhìn thấy hai đứa con sau lưng ông Thất liền đỏ hoe mắt, nghẹn ngào không nói nên lời.

Đúng lúc đó, Từ Mạc bất ngờ đứng bật dậy, chạy tới trước mặt hai anh em, nhìn qua nhìn lại, rồi dừng trước mặt Từ An, đỏ mắt gọi to:

— “Anh hai!”

Chưa kịp để ai phản ứng, thằng bé lại hỏi tiếp:

— “Anh hai, còn chị đâu? Không phải hai người ở chung với nhau sao?”

Từ Ninh đứng bên cạnh cạn lời.

Lúc này, ba Từ và bác ân nhân cũng vừa bước vào. Ông Thất và vợ chồng bác ân nhân nhìn thấy cảnh này thì còn gì không hiểu?

Ông Thất thở dài, nói với ba Từ:

— “Anh chị đưa tụi nhỏ vào trong phòng mà nói chuyện.”

Bác ân nhân cũng nói:

— “Vào phòng bọn tôi đi.”

Mọi người vừa vào phòng, mẹ Từ đã ôm chặt lấy hai đứa con khóc nức nở. Ba Từ cũng mắt đỏ hoe, ôm tất cả vào lòng.

Từ Mạc nhìn hết người này tới người kia, đỏ cả mắt mà hỏi tiếp:

— “anh hai, còn chị đâu?”

Cả nhà lại ôm nhau khóc thêm một trận.

Từ Ninh bước tới, bế Từ Mạc lên, dịu giọng dỗ dành:

— “Tiểu Mạc, em không nhận ra chị à? Hồi Tết chị còn lấy tiền mừng tuổi mua kẹo cho em đấy.”

Từ Mạc đỏ mắt hỏi:

— “Chị thật sao? Chị ơi, tóc chị đâu rồi? Sao lại ngắn thế? Với cả sao chị đen đi nhiều vậy?”

Từ Ninh cười gượng:

— “Tại dạo này khoẻ mạnh quá, trời nóng nên chị cắt bớt tóc, qua một thời gian là mọc lại thôi.”

Trong lòng cô lại nghĩ, tóc có mọc thì sau này cũng sẽ cắt nữa, chưa đến lúc thi đại học thì cô chưa tính để tóc dài lại.

Từ Mạc ôm chặt cổ cô, vùi mặt vào vai mà khóc.

Đợi dỗ được Từ Mạc nín khóc, cả nhà mới ngồi lên giường đất, bắt đầu trò chuyện.

Từ Ninh hỏi ba mẹ vì sao lại đến đây, đã xảy ra chuyện gì?

Mẹ Từ vừa khóc vừa nói:

— “Là mẹ không tốt, làm liên lụy đến các con, để các con phải chịu khổ.”

Ba Từ liền an ủi:

— “Chuyện này sao có thể trách em được? Hồi đó em không đi theo ba mẹ về Hồng Kông là vì anh mà. Dù thế nào đi nữa, anh cũng không bao giờ bỏ em. Cả nhà chúng ta sẽ mãi ở bên nhau.”

Từ Ninh nghe ba kể thì cũng đã hiểu được đầu đuôi mọi chuyện.

Ông ngoại cô, Lâm Văn Khiêm, vốn là thương nhân từ trước năm 1949. Năm 1953, cả nhà ông sang Hồng Kông, nhưng lúc đó mẹ cô – Lâm Mạn – đã kết hôn với ba cô, Từ Minh Hồng, và vừa sinh anh cả Từ Dương nên không đi theo. Trước khi đi, ông ngoại để lại cho bà một khoản tiền, rồi cùng vợ con rời đi.

Mẹ cô và ba cô tiếp tục dạy học ở Đại học Kinh Thị, rồi lần lượt sinh thêm ba chị em. Cuộc sống tuy không giàu có nhưng rất đầm ấm. Những năm đó, tuy ba cô bị người em cùng cha khác mẹ là Từ Minh Vĩ liên tục gây khó dễ, thậm chí còn ép ly hôn, nhưng ông kiên quyết từ chối. Khi đó, ông nội vẫn còn sống, lại có nhiều học trò cũ giúp đỡ nên cuộc sống cũng không đến nỗi quá tệ. Mẹ cô tuy tạm thời bị cách chức, nhưng cả nhà vẫn cố gắng sống như thường.

Mãi đến giữa năm 1968, khi ông nội mất, Từ Minh Vĩ liền trở mặt đoạn tuyệt quan hệ. Lúc đó, ba cô vội sắp xếp cho anh cả Từ Dương đi lính, còn với hai chị em cô thì đắn đo mãi không biết tính sao.

Cuối cùng, ông liên lạc với một học trò cũ quê ở Hắc tỉnh – chính là Triệu Kiến Quốc – nhờ giúp tìm một nơi thôn quê dân phong chất phác, an toàn, để hai con xuống nông thôn cải tạo. Triệu Kiến Quốc liền gọi điện cho anh trai là Triệu Kiến Thiết để dò hỏi thôn nào đáng tin, rồi sắp xếp cho chị em cô về đây, không nói rõ thân phận, chỉ bảo là con nhà thầy giáo.

Nghe đến đây, Từ Ninh thở dài, rồi cũng kể lại tình hình hiện tại của cô và Từ An, rằng hai chị em đã có nhà riêng, không ở cùng nhóm thanh niên trí thức, chuyện xây nhà và cuộc sống tự lo được phần nào.

Sau đó, cô mở tay nải ra, nói:

— “Ba mẹ, đây là áo bông con may cho ba mẹ. Ban đầu con định đợi có địa chỉ liên hệ thì gửi tới, ai ngờ ba mẹ lại đến sớm như vậy. Tranh thủ thay đi, chỗ này mùa đông lạnh lắm, còn chưa có tuyết mà đã xuống tới mười mấy độ âm rồi.”
Nói xong, Từ Ninh liền cởi áo ngoài của Từ Mạc ra, thay cho em chiếc áo bông và quần bông mới. Kích cỡ hơi rộng một chút nhưng vẫn vừa vặn.

Đợi thay đồ xong cho Từ Mạc, cô quay sang thấy ba mẹ vẫn ngồi đó, mắt đỏ hoe nhìn mình mà chưa thay đồ, liền nói:

"Ba mẹ, mau thay đồ đi ạ!"

Chờ ba mẹ bắt đầu thay áo quần, Từ Ninh lại lấy bộ đồ cũ kiểu ăn mày khoác lên người Từ Mạc. Quần áo hơi dài nên cô xắn ống tay và ống quần lên hai vòng. Quay đầu lại, thấy ba mẹ cũng đã thay xong áo bông, Từ Ninh lại lấy hai bộ đồ cũ của mình và Từ An đã sửa lại thành dạng áo khoác cho người ăn mày đưa cho ba mẹ.

Cô nói:

"Ba mẹ mặc thêm hai bộ đồ cũ này ra ngoài nữa nhé, làm việc mà bị dơ thì cũng dễ giặt hơn."

Hai người gật đầu, hiểu ý con gái — càng ăn mặc rách rưới càng dễ lẫn vào đám đông, càng đỡ bị chú ý. Họ mặc thêm lớp ngoài vào luôn.

Từ Ninh lại cầm ra hai đôi giày bông:

"Ba mẹ, đây là giày bông và vớ con mua ở Cung Tiêu Xã lần trước. Hàng lỗi nhẹ nên không cần phiếu, con định gửi cùng với áo bông nhưng may quá ba mẹ đến đúng lúc. Mau thay thử xem vừa không. Còn của Tiểu Mạc thì chưa có vì hôm đó không có size nhỏ, mẹ làm cho em hai đôi nhé?"

Lý Mạn cười rưng rưng:

"Được, mẹ làm. Sau này mẹ làm cho mấy đứa thêm vài đôi nữa."

Từ Ninh cười:

"Vâng ạ, trước tiên mẹ làm cho ba mẹ với Tiểu Mạc. Còn con với Tiểu An thì nhờ mấy bác trong thôn làm giúp rồi, mỗi đứa hai đôi là đủ mang rồi."

Lý Mạn nhẹ giọng cười:

"Được, nghe con gái hết."

Thấy mẹ thay đồ xong xuôi, Từ Ninh liền hỏi:

"Mẹ ơi, mấy bộ quần áo này là của ông Thất cho hả?"

Từ An ngồi bên chỉ vào chiếc áo bông dày mà ba đang mặc:

"Cái này là của ông Thất  đó. Con thấy ông hay mặc."

Rồi lại chỉ sang bộ đồ lúc nãy Tiểu Mạc mặc:

"Còn bộ này là của chú ân nhân."

Từ ba thắc mắc:

"Tiểu An, sao con lại gọi người ta là chú ân nhân?"

Từ Ninh và Từ An liền kể lại chuyện hai chị em gặp heo rừng trên núi, được vợ chồng chú cứu. Lý Mạn và Từ ba nghe xong giật mình, lập tức kéo hai con lại hỏi dồn dập:

"Không sao chứ? Có bị thương ở đâu không?"

Từ Ninh trấn an:

"Không sao đâu ạ, lúc đó vừa hay chú ấy từ trên núi đi xuống, giết luôn con heo rừng. Chú còn để tụi con kéo heo về mà không lấy gì cả."

Rồi cô kể lại rõ ràng đầu đuôi chuyện lúc đó, không quên nói thêm:

"Ba mẹ, chú ấy với dì ấy đều là người tốt. Không chỉ cứu tụi con, mà còn dặn đừng nói gì ra ngoài, sợ người ta để ý sẽ không hay."

Từ An bên cạnh cũng góp lời:

"Thất gia gia cũng là người tốt nữa!"

Từ ba nghe xong cảm khái:

"Ba với chú Lục là bạn học cùng trường đại học, chú ấy học trên ba mấy khóa. Hồi đó lúc ba mới vào thì chú ấy tốt nghiệp rồi, thầy cô trong trường ai cũng khen. Ba không ngờ lại gặp chú ở đây."

Lúc này ngoài cửa vang lên tiếng Thất gia gia gọi:

"Mọi người ra ăn cơm thôi!"

Cả nhà đi ra phòng bếp. Trên bàn đã bày sẵn nồi sủi cảo mà Từ Ninh mang đến, thêm một dĩa cải trắng xào, củ cải kho, trứng chiên, cháo khoai lang đỏ và bánh rau. Rõ ràng là vì hôm nay nhà Từ vừa đến, nên nhà chú Lục chuẩn bị tươm tất để tiếp đãi.

Từ ba kéo tay Từ Ninh và Từ An:

"Mau lại đây lạy chú Lục, cảm ơn chú đã cứu mạng. Sau này nhớ hiếu thảo với chú Lục và thím Lục như ba mẹ vậy."

Từ Ninh và Từ An lập tức quỳ xuống, dập đầu nói:

"Chú Lục, thím Lục, sau này tụi con sẽ hiếu thảo với hai người như ba mẹ tụi con vậy!"

Chú Lục vội vàng đỡ hai đứa dậy, nói với Từ ba:

"Lão Từ, có gì to tát đâu mà làm tụi nhỏ dập đầu? Ngại quá!"

Thím Lục cũng nói:

"Đừng khách sáo nữa, gặp chuyện vậy ai mà không giúp chứ? Mau ngồi xuống ăn cơm đi."

Nói rồi, bà kéo ba mẹ con Từ Ninh ngồi xuống bàn.

Từ Ninh nói nhỏ:

"Thím Lục, tụi con với Tiểu An định về nhà ăn, ở nhà còn để sủi cảo đó ạ."

Thím Lục xoa đầu cô cười hiền:

"Bé ngoan, hôm nay ba mẹ con mới tới, cả nhà nên ăn bữa cơm đoàn viên cho vui."

Thất gia gia cũng lên tiếng:

"Ở đây ăn đi, đều là người nhà cả, ngồi xuống nào."

Nói rồi, ông ngồi xuống bàn trước, thím Lục cũng kéo cả nhà Từ Ninh ngồi theo.

Ăn xong, mọi người bàn nhau chuyện nghỉ ngơi. Trong nhà chỉ có hai phòng có giường đất, nên buổi chiều đã thống nhất: ba Từ sẽ ở cùng chú Lục và ông Thất một phòng, mẹ Từ với thím Lục và Tiểu Mạc ngủ phòng còn lại.

Giờ có thêm Từ Ninh và Từ An, cô bèn nói với ông Thất :

"ông Thất, ba mẹ con về nhà con nghỉ trước được không ạ? Mai sáng sớm lại qua đây. Chờ sửa xong giường đất rồi ba mẹ con dọn về."

Thất gia gia gật đầu:

"Ừ, vậy cũng được. Mai dậy sớm chút, ông Trần sáng nào cũng qua sớm để dắt bò vô thành, đừng để bị ông ấy thấy. Tiểu Mạc để ở nhà tụi con chơi là được, có ai hỏi thì bảo là ông nhờ mang giúp cho tiện làm việc."

Cả nhà Từ đồng thanh cảm ơn,ông Thất khoát tay bảo không cần khách sáo rồi quay vào nhà.

Chú Lục và thím Lục đưa họ ra đến cửa, dặn thêm một câu:

"Ông Trần mỗi sáng khoảng bốn, năm giờ là đến, mấy đứa nhớ canh giờ cho kỹ, đừng dậy quá sớm, trời còn lạnh."

 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play