Tiêu Dung quay về khách điếm, bắt gặp tiểu nhị đang bưng chậu nước bẩn bước ra, trông thấy Tiêu Dung còn mừng rỡ nói: “Công tử hôm nay sắc mặt thật tốt, nhìn tươi rói luôn ạ.”
Tiêu Dung: “…”
A Thụ lén liếc nhìn Tiêu Dung một cái, quả nhiên cả người y thật tươi tắn hồng hào. Hai gò má vì giận dữ mà đỏ bừng lên luôn rồi.
Tiêu Dung mặt cứng đờ, chẳng nói một lời mà vung tay áo một cái đi thẳng lên lầu. A Thụ vội vã đi theo, đóng cửa phòng lại sau lưng y.
Quả thật là nhà dột còn gặp mưa dầm, Lang chủ nhà cậu là kẻ sĩ diện đến vậy, xưa nay nào đã từng chịu qua nỗi nhục lớn thế này.
Tiêu Dung một bụng tức giận ngồi trên giường, A Thụ yên lặng một hồi lâu mới rón rén bước đến bên cạnh, rồi học theo giọng điệu bình thường hàng ngày của Tiêu Dung để an ủi:
“Lang chủ.”
“Xin chớ tức giận.”
“Giận quá sinh bệnh, chẳng ai gánh thay được.”
Tiêu Dung: “…”
Thân thể Tiêu Dung không động đậy mà chỉ chậm rãi quay đầu lại. Y nhìn gương mặt vô tội của A Thụ, từ từ mở miệng: “A Thụ, vì sao bỗng nhiên ta nhìn ngươi lại cảm thấy… Chướng mắt như vậy?”
A Thụ: “…”
A Thụ lập tức ngậm miệng lại.
Kỳ thực A Thụ cũng rầu rĩ không yên. Từ ngày mới đến bên Tiêu Dung, cậu đã ngày ngày nghe y lẩm bẩm, rằng y muốn tìm đến quân Trấn Bắc, muốn lưu lại trong quân mà tận lực phục vụ. Nay khó khăn lắm mới tìm được, lại bị từ chối phũ phàng đến vậy. Này có khác gì tạt nước vào mặt Lang chủ.
Ngày tháng bôn ba nơi đất khách chẳng dễ chịu gì, tiền bạc mang theo cũng gần cạn kiệt. Lang chủ ban đầu không quá tính toán, nhưng về sau thấy tiền tiêu quá nhanh, mới dần trở nên chắt bóp như thế.
Từ sau khi triều Ung dời về phương Nam, vật giá tăng cao đến mức kinh người. Hiện tại Nam Ung xem như đã yên ổn, thế nhưng suốt đường đi về phương Bắc, giá cả phương Bắc cũng chỉ “Hơn một chút” so với thời kỳ mạt thế của Bắc Ung.
Một đồng tiền lớn mà chỉ đổi được hai chiếc bánh. Mà đồng tiền lớn không phải đồng tiền xu như trong tưởng tượng của người đời.
Đồng tiền nhỏ mới là mấy đồng xu nhỏ nhỏ, còn đồng tiền lớn là loại đồng đúc nặng trịch. Một đồng tiền lớn giá trị có thể tương đương là hai mươi đồng tiền nhỏ.
Một chiếc bánh chay không có tí nhân nào mà giá tận mười đồng, đã vậy cũng chỉ đủ cho một đứa trẻ ăn no lưng bụng.
Giá cả như vậy, bất kể nơi đâu cũng là loại giá cắt cổ trên trời rồi. Mà khiến bánh lên giá đến mức này, vẫn là bởi lương thực quá đỗi đắt đỏ.
Loạn thế thì giá gạo cao, ấy còn có thể tạm hiểu được. Song ở thời đại mà Tiêu Dung đang sống, còn có một đặc điểm quái đản hơn nhiều, thật sự khiến người ta khó mà tin nổi…
Ấy chính là giá củi cũng đắt ngang với giá gạo.
Trong thời đại này, người dân đều quen nhìn giá cả đắt đỏ của những thứ đó, dù chẳng rõ vì sao lại đắt đến như thế. Tình trạng này kéo dài, tựa như lạm phát mà không có hướng giải quyết, ai cũng dần thích nghi.
May thay, củi khác với gạo. Chỉ cần ngày ngày tìm, đêm đêm nhặt, đem toàn bộ thời gian rảnh rỗi mà dành vào việc nhặt củi, thì cuối cùng vẫn có thể gom đủ dùng cho cả nhà qua được một năm.
Nhưng một khi xảy ra chuyện bất ngờ chiếm hết thời gian. Củi nhặt không đủ, mà lại chẳng có tiền mua, vậy thì chỉ còn một con đường… Bị rét mà chết.
Bốn chữ “Củi gạo dầu muối” đại khái cũng từ lúc này mà ra, hơn nữa chữ “Củi” xếp ở hàng đầu.
Thời đại này, các món có thể để nguội hoặc là không cần hâm nóng phát triển rất nhanh. Phương pháp đốt than cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Vì để giữ ấm, người ta không từ bất cứ thủ đoạn nào mà làm đủ mọi cách.
Ba mươi năm trước, có một trận tuyết lớn, đó là ký ức không thể xóa nhòa với bao người.
Từ Cao Lệ đến tận hai bờ dòng sông Tương, từng tấc đất đều bị tuyết dày bao phủ. Sông Trường, sông Hán vào giữa mùa Đông cũng đóng băng. Trâu bò dê cừu ở phương Bắc chết rét hàng loạt. Còn phương Nam thì do không lường trước được trận tuyết lớn này sẽ kéo dài tới thế, chỉ trong vòng một tháng đã có tới 150 vạn người vĩnh viễn chìm sâu trong bầu trời tuyết trắng mênh mang.
Những người bị đông chết ấy chẳng hề biết rằng bản thân họ xui xẻo, sinh đúng vào một trong ba thời kỳ khí hậu biến lạnh mạnh nhất trong lịch sử. Càng chẳng biết được, có lẽ chết rét lại là kết cục coi như nhẹ nhàng nhất rồi.
Bởi vì khí hậu biến lạnh, dân du mục phương Bắc mất đi nơi sinh sống, họ buộc phải tiến xuống phía Nam tranh giành tài nguyên mới. Mà Trung Nguyên vốn khí hậu ôn hòa, cũng bởi vậy mà bị đánh cho trở tay không kịp. Thế cuộc càng thêm hỗn loạn.
Người chết thì chẳng còn phải lo gì nữa, nhưng cơn ác mộng của kẻ còn sống lại chỉ vừa mới bắt đầu.
Ba mươi năm trước đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện. Tuyết lớn, mưu nghịch, dời đô, xuống núi xâm lược…
Mà ba mươi năm sau, dân chúng vẫn chưa thoát khỏi những ám ảnh mà nạn tuyết lớn năm ấy để lại, vẫn còn sống trong nỗi sợ hãi với tuyết và máu.
Chỉ là, vẫn câu nói ấy, họ đã quen rồi. Mà một khi đã quen, thì dần cũng chẳng còn cảm thấy buồn nữa.
A Thụ tuổi còn nhỏ, tuy chưa từng trải qua nạn tuyết ấy, nhưng sống trong thời này, cậu biết cứ đến mùa Đông là phương Bắc lại lạnh thấu xương.
Tiền trọ mùa Đông và mùa Hè khác hẳn nhau, mà mùa Đông năm nay lại kéo dài hơn trước. Lang chủ nhà cậu thân thể yếu ớt, vì thế A Thụ hy vọng Tiêu Dung có thể quay về phương Nam.
Trước đây khi quân Trấn Bắc chưa từ chối Tiêu Dung, A Thụ không dám nhắc đến chuyện này. Nhưng hôm nay thấy thái độ của họ như thế, cậu mới lấy hết can đảm, mở miệng nói với Tiêu Dung: “Lang chủ, nếu quân Trấn Bắc đã không muốn dùng lang chủ, vậy… Hay là chúng ta trở về thôi?”
Tiêu Dung: “…”
Tâm tình Tiêu Dung vừa mới khá lên một chút, liền nghe được một câu như vậy, y thầm nhủ tiểu tử này quả thật rất biết cách nói chuyện.
Tiêu Dung liếc nhìn A Thụ, hỏi lại: “Ngươi muốn quay về sao?”
A Thụ có chút khẩn trương nhìn Tiêu Dung: “Muốn, không… Không muốn, lang chủ đi đâu A Thụ theo đó. Nhưng Lâm Xuyên là quê hương của lang chủ, còn… Còn có…”
Trông thấy A Thụ sắp nghẹn đến đỏ bừng cả mặt, Tiêu Dung khẽ thở dài, dịu dàng thay cậu nói nốt: “Còn có Dật nhi bọn họ ở đó, phải không?”
A Thụ lập tức gật đầu lia lịa.
Tiêu Dung bất giác khẽ mỉm cười: “Ngươi nhớ Dật nhi rồi?”
A Thụ lại vội vàng lắc đầu: “Tiểu lang chủ là đệ đệ của lang chủ, A Thụ nghĩ, có thân quyến ở bên, lang chủ sẽ an tâm hơn, cũng tốt cho thân thể của lang chủ hơn.”
Tiêu Dung im lặng.
Phải chăng, nếu thật sự được như thế thì tốt biết mấy…
Nếu có thể, y cũng chẳng muốn ở lại chốn mà trời đã sang xuân nhưng vẫn lạnh thấu xương này.
Cái tên ngốc Khuất Vân Diệt kia, chỉ biết đánh trận mà chẳng biết trị quốc. Thành Bình Dương có thể duy trì trật tự, hoàn toàn là nhờ Thái Thú nơi này tài giỏi. Ngày trước, khi Ung triều dời xuống phương Nam, hầu như tất cả thế gia vọng tộc đều vác đồ đi theo. Cuối cùng chỉ còn lại mấy tòa thành hoang tàn và ấp trại đổ nát. Chỉ trong thoáng chốc mà nơi này trở nên hoang vu, suốt cả thời gian dài cũng không thể khôi phục lại như cũ.
Nhưng Tiêu Dung không thể đi được… Mạng này là y vất vả khổ cực lắm mới giữ lại được, sao có thể dễ dàng từ bỏ?
Huống hồ, phương Nam dù hiện tại đang là chốn yên bình, nhưng mai sau thì chẳng thể.
Sang năm, khi Trần Lưu Vương khởi binh, đừng nói Lâm Xuyên mà ngay cả Châu Chu Nhai nơi tận cùng góc biển cũng khó thoát tai ương.
Tiêu Dung lại thở dài một tiếng, nhẹ nhàng vỗ lên đùi A Thụ.
“A Thụ à.”
A Thụ nghi hoặc nhìn y.
Tiêu Dung nở một nụ cười vừa mỏi mệt lại vừa cam tâm tình nguyện: “Lang chủ nhà ngươi, dù đi đến đâu cũng chẳng thể an lòng thực sự. Chỉ có Trấn Bắc Vương Khuất Vân Diệt, chỉ có ở bên hắn, ta mới có thể không cần thuốc thang mà tự khỏi bệnh. Chính là câu: “Chốn nào lòng yên, nơi ấy mới là quê nhà”.”
A Thụ chấn động, cậu vốn nghe lang chủ mắng Trấn Bắc Vương mãi, cứ tưởng là y cực kỳ ghét hắn, có khi còn âm mưu đoạt vị gì đó. Thật không ngờ…
Lại là như vậy ư!!!
A Thụ tuổi còn nhỏ nhưng tam quan đã bị đả kích dữ dội. Mà Tiêu Dung lại hoàn toàn không hay biết, y vẫn tiếp tục nói: “Đợi ta ổn định xong xuôi, liền viết thư đón Dật nhi bọn họ tới đây. Ngươi đừng lo, chẳng bao lâu nữa các ngươi sẽ được đoàn tụ.”
A Thụ sững người, sau khi cậu phản ứng lại mới vội vàng hỏi: “Lang chủ thật sự muốn ở lại thành Bình Dương này ư?”
Tiêu Dung: “Không đâu, ở đây để làm gì, ta dĩ nhiên là muốn đi theo Quân Trấn Bắc, rời khỏi nơi này rồi.”
A Thụ thành thật lại ngây thơ hỏi lại: “Bọn họ chẳng phải không cần ngài sao?”
Tiêu Dung: “…”
Cái thằng chết tiệt này, sao cứ thích xát muối vào tim người ta thế.
Im lặng một lúc, Tiêu Dung cũng cạn lời, y cắn răng mà giải thích: “Bọn họ không cần ta thì ta đi ngay à? Chẳng phải mất mặt lắm sao? Ta đây cứ phải bám chặt lấy họ mới hả dạ. Không mang ta theo, đừng ai mong được sống yên.”
A Thụ: “…”
Sao mà phải khổ thế, lang chủ…
Sau đó, Tiêu Dung lấy ra xấp giấy trắng quý giá, cẩn thận viết lên một hàng chữ.
Trong thời đại củi còn đắt đến phát rồ như thế này, thì giấy lại càng quý như vàng. Chỗ giấy ấy, là đệ đệ “Từ trên trời rơi xuống” của y đưa cho, nếu bảo Tiêu Dung tự bỏ tiền ra mua, y còn lâu mới nỡ.
Viết xong, chẳng cần phong bì gì cả, Tiêu Dung cứ thế cuộn lại thành một cuộn nhỏ, dùng chỉ mảnh buộc kỹ rồi đưa cho A Thụ, bảo cậu mang đến cho vị tướng quân đã gặp ngày hôm nay.
Trước khi A Thụ rời đi, Tiêu Dung bỗng nhớ ra một chuyện.
“Vị tướng quân đến Bình Dương chiêu binh ấy là ai vậy?”
Tiêu Dung thường chẳng nhớ mấy việc nhỏ này, trong đầu y chỉ có chứa mấy cuốn sách sử kia thôi. Những chuyện lặt vặt như thế, xưa nay vẫn là A Thụ ghi nhớ thay y.
A Thụ đáp: “Nghe nói gọi là Giản Kiệu.”
Nói xong, A Thụ liền một mạch chạy đi, chỉ còn lại Tiêu Dung trừng lớn mắt đứng ngẩn tại chỗ.
Vị tướng tuổi trẻ nhưng mắt đã có vấn đề kia, lại chính là Giản Kiệu ư?
Kẻ duy nhất trong đám thuộc hạ của Khuất Vân Diệt không bị thanh trừng, thậm chí còn sống an ổn đến cuối đời, chính là Giản Kiệu đó sao?
Chẳng rõ vì sao, Tiêu Dung bỗng sinh ra một cảm giác nghẹn tức nơi lồng ngực. Người đắc tội với y, lại là kẻ duy nhất có kết cục tốt đẹp…
…
Bên kia, Giản Kiệu thì lại đang ủ rũ không thôi.
Phía Bắc sông Hoài vốn dĩ đã chẳng còn mấy người tài, năm xưa bị người Hồ tàn phá nặng nề, các thế gia đại tộc thì đều theo chân hoàng đế dời xuống phương Nam. Dẫu có kẻ không đi, thì cũng chỉ là hạng thế gia không vào được hàng hoặc chỉ là thứ dân mà thôi. Muốn tìm mưu sĩ, quân sư thì tối thiểu chính là phải biết đọc chữ, mà dân thường ở đây, đa số lại là người không biết chữ. Thành ra chưa tuyển quân nhưng đã gạch đi mất chín phần mười.
Lúc đầu, Giản Kiệu cứ theo danh sách do nho sĩ trong thành viết ra mà lần lượt hỏi thăm từng nhà, khi ấy ít nhất còn được mời vào uống chén trà. Nhưng về sau, tin tức Trấn Bắc Vương đích thân giết chết một người tới xin làm mưu sĩ bị truyền ra, số lần hắn bị đuổi ra ngay từ ngoài cửa, e rằng sắp nhiều hơn cả số muối hắn từng ăn.
Nhạn Môn Quan không có, thì Giản Kiệu lại sang quận Đại, rồi đến Trung Sơn. Mấy nơi này đều gần nhau, độ hai ba ngày là đã đi tới nơi.
Không phải bởi mấy nơi ấy nhỏ, mà vì xưa nay mấy nơi đó là đất lưu đày. Hoàng tử thất sủng, quan viên đắc tội quyền quý, đều bị giáng tới những nơi này để sống.
Cũng chỉ có quân Trấn Bắc của bọn họ không chê bai gì. Chứ những kẻ khác, chỉ cần có chút tiền đồ thì đều tìm cách chuyển đến các thành trì lớn mà sống.
Người ta vẫn nói, con không chê mẹ xấu, chó không…
Khụ khụ, ví dụ này không hay lắm, nhưng về lý thì chính xác là vậy.
Quân Trấn Bắc phất lên từ nơi này, bản thân Giản Kiệu lại lớn lên ở Nhạn Môn Quan. Trong lòng hắn vẫn hy vọng quê hương có thể ngày một hưng thịnh.
Bởi thế, Giản Kiệu thực sự đem tâm ra mà chuyên tâm tìm người tài, chứ chẳng còn xem chuyện chiêu mộ này như gánh nặng do Cao Tuân Chi giao phó. Vì điều này, hắn thậm chí còn đích thân đến thành Bình Dương – Cổ thành từng sản sinh không ít thế gia.
Rồi thì… Chẳng còn gì nữa.
Người nào từng nghe tới cái “Chiến công hiển hách” của Trấn Bắc Vương đều không muốn gặp hắn. Bảng chiêu mộ dán ra, tổng cũng chỉ có ba người đến ứng tuyển.
Một kẻ người giỏi … Nấu ăn.
Một người mặt mày gian trá. Dù có không nói cũng đoán được thể nào cũng dính tới mấy chuyện mờ ám, không tốt đẹp gì.
Còn một kẻ cuối cùng, quả thật khiến hắn phải cảm khái, đúng là “Rừng lớn, chim nào cũng có”.
Sao mà lại chuẩn xác đến vậy, dính đủ không sót tật nào. Tới tận bây giờ, trời đã sẩm tối, mà mỗi khi nhớ đến người tên Tiêu Dung kia, Giản Kiệu vẫn không khỏi cảm thán.
Nếu mang người ấy đến trước mặt đại vương, không chừng sẽ thành công lập được kỉ lục “Người bị giết nhanh nhất” , hoặc có thể phá được giới hạn nhẫn nại của đại vương. Bình thường đại vương không thích tra tấn người khác, nhưng biết đâu lại vì Tiêu Dung mà phá lệ cũng nên.
Thôi vậy, hữu duyên vô phận, mong Tiêu Dung hiểu cho, không giữ y lại cũng là vì muốn tốt cho y. Đây gọi là tích đức hành thiện đó!
Lắc lắc đầu, Giản Kiệu không nghĩ đến gương mặt của Tiêu Dung nữa, gương mặt đó thật sự… Dễ gây tổn thương tinh thần. Giờ hắn phải khổ não suy tính xem bước tiếp theo nên đi đâu.
Đúng lúc này, một vệ binh bước vào, trên tay cầm thư do A Thụ gửi đến.
“Tướng quân, đây là vật do Tiêu Dung sai người chuyển đến hôm nay, còn dặn rằng nhất định phải để tướng quân cho lui hết người mới được xem.”
Giản Kiệu lấy làm khó hiểu. Hắn nhận lấy thư, vốn định mở ngay, song nghĩ là cẩn thận vẫn hơn, bèn tự mình bước vào nội thất, rồi mới mở ra xem kỹ.
Vừa nhìn nét chữ, khóe miệng Giản Kiệu khẽ giật. So với lúc hắn mới học chữ, cũng chẳng khá hơn bao nhiêu.
Người này thật sự là sĩ nhân thật ư?
May mà Tiêu Dung không có mặt ở đây, chứ nếu có, y thể nào cũng mỉa mai một câu: Biết viết được chữ phồn thể đã là giỏi lắm rồi, biết không hả? Nếu mà ta viết chữ giản thể, khéo mấy người các ngươi còn phải đoán cả ngày đó!
Dù sao thì, chữ của Tiêu Dung cũng coi là dễ nhìn. Giản Kiệu lặng lẽ đọc thầm một lượt, sau đó bỗng bật dậy như bị lửa đốt chân.
Vì trong thư viết rằng: “Dương đông kích tây, điệu hổ ly sơn, trong quân có phản, Trường An gặp nạn.”
Giản Kiệu tuy học vấn không cao, nhưng thân cũng là một trong Tứ đại bộ tướng dưới trướng Khuất Vân Diệt, về mấy phương diện trong quân sự, hắn vẫn là người khá lợi hại.
Sau khi Ích Châu xảy ra loạn lạc, đại vương lập tức từ bỏ việc truy kích Hung Nô, quay đầu tiến sâu vào trong Ích Châu. Năm ngoái đại vương mới đánh hạ nơi này, đây là thành trì cách xa Nhạn Môn Quan nhất. Quân Trấn Bắc vốn không giỏi việc trị lý, đối với nơi đó lại càng lực bất tòng tâm.
Nhưng trước khi rời đi, để trấn áp răn đe các Dị tộc, đại vương gần như đã huyết tẩy nơi ấy một phen. Khi mới nghe tin Ích Châu nổi loạn, Giản Kiệu còn tưởng là đám Dị tộc kia quay lại gây chuyện.
Về sau nghe nói là thứ tộc gây rối, dẫn nông dân nổi dậy, hắn mới thoáng yên lòng.
Khởi nghĩa là chuyện bình thường, nông dân dễ đối phó, chỉ sợ đám Dị tộc kia. Bọn chúng hung hãn tàn bạo, chẳng sợ sống chết, đấy mới đúng là khiến người ta nhức đầu.
Nhưng nếu như… Đó chỉ là bề ngoài, còn phía sau thực chất là đám người Hồ nhân đang ẩn mình, bọn chúng làm như thế chẳng qua là để dẫn dụ đại vương rời đi…
Ích Châu nằm ở nơi sâu trong đất liền, dù đại vương có biết có vấn đề, muốn quay lại cũng đã không kịp. Đám người Hồ lại không rõ hành tung của đại vương, thế mà vẫn đánh đúng lúc. Xét đến câu “Trong quân có phản”, cũng không phải là lời nói vô căn cứ. Hẳn phải có kẻ biết rõ đại vương mang theo hai vạn binh mã rời khỏi đại quân, nên mới báo cho đám người Hồ kia.
Còn cụ thể kẻ địch là ai… Cũng chẳng khó đoán.
Giờ chỉ có duy nhất một bộ tộc là còn đủ thực lực để tranh phong cùng quân Trấn Bắc, lại luôn dòm ngó Trung Nguyên, còn có khả năng men theo những lối khác vòng qua Nhạn Môn Quan thẳng tiến vào Trường An, ngoài Tiên Bi ra, còn ai nữa?
Giản Kiệu lửa giận bốc cao. Lại là Tiên Bi!
Giản Kiệu không lập tức hành động, cũng không để cơn giận làm mờ lý trí mà vội tin ngay vào tình báo do Tiêu Dung gửi đến. Hắn giả bộ như không có chuyện gì xảy ra, trước tiên bước ra ngoài, tìm một trinh sát đáng tin lập tức phi ngựa tới Lương Châu. Nếu Tiên Bi thực sự đã xâm nhập, ắt hẳn sẽ bị để lại dấu vết.
Quân Trấn Bắc đáng sợ, nhưng Trấn Bắc vương lại càng khiến người ta e ngại hơn. Tiên Bi sở dĩ phải vòng vèo như thế, chỉ để dẫn dụ Trấn Bắc vương rời khỏi trước mới dám hành động, đủ thấy chúng kiêng dè Khuất Vân Diệt đến nhường nào.
Mà trước khi Khuất Vân Diệt thực sự tiến sâu vào nội địa, bọn chúng chắc chắn không dám manh động. Nói cách khác, lúc này bọn chúng hẳn mới bắt đầu hành động chưa được bao lâu. Nếu trinh sát đi nhanh thì vẫn còn kịp!
Suốt đêm ấy, Giản Kiệu không dám ngủ một khắc. Hắn sai trinh sát đi lúc gần giờ Tý, đến khi trời vừa hửng sáng, người truyền tin đã về tới rồi.
Dĩ nhiên, không phải trinh sát kia. Người kia vẫn đang trên đường quay lại, nhưng đã dùng tín hiệu đặc biệt trong quân mà truyền tin báo rằng phát hiện một lượng lớn quân địch đang tiến vào vùng Lương Châu.
Nghe tin báo về, Giản Kiệu liền bật dậy như sấm giật.
Giản Kiệu sớm đã có chuẩn bị. Một mặt sai thân binh đưa vài bức thư đi, mặt khác hắn lại tự mình phi ngựa như bay đến Nhạn Môn Quan.
Đại quân đều đóng ở bên đó, dưới trướng hắn chỉ có năm vạn binh, tất phải liên kết cùng người khác mới đủ sức ứng phó.
Phía bên này đã loạn thành một đoàn. Nhưng trong khách điếm, Tiêu Dung vẫn đang ngáy khò khò, ngủ ngon lành.
Tới khi mặt trời lên cao, y mới từ từ thức dậy, trước tiên là ngáp một cái thật dài, rồi vươn vai một cái, sau đó bỗng giật mình nhận ra có điều không ổn.
Ủa, hôm nay sao lại thấy thần thanh khí sảng, cả người nhẹ nhàng, sảng khoái đến lạ?
Không còn cảm giác nặng nề nữa, cơn mệt mỏi cũng biến mất.
Tiêu Dung vội vàng xuống giường soi gương, sắc mặt trong gương cũng không còn tái nhợt như xưa.
Trời cao ơi, còn có chuyện tốt như vậy sao?!
Tiêu Dung vui mừng khôn xiết, hẳn là tình báo mình đưa đi đã phát huy tác dụng.
Trong dòng lịch sử ban đầu, người Tiên Bi tập kích bất ngờ, tuy chưa thực sự chiếm được Trường An và khống chế các thành trì quan trọng, nhưng cũng đã tàn sát, cướp bóc dữ dội ở vùng Hà Châu, Tần Châu, khiến vô số bá tánh phải chịu tai ương. Mà vì đó đều là vùng cai quản của Trấn Bắc vương, nên dân chúng theo lẽ thường liền đổ hết oán hận lên đầu Khuất Vân Diệt.
Lại thêm có người đứng phía sau xúi giục, Khuất Vân Diệt lập tức từ đại anh hùng trong lòng bách tính, biến thành “Cẩu hùng”.
Tiêu Dung không nhịn được mà ngửa mặt cười lớn.
Thấy chưa, Khuất Vân Diệt, bây giờ thì ngươi đã biết ta lợi hại đến thế nào rồi chứ.
…
Thế nhưng, vào lúc này, Khuất Vân Diệt vẫn chưa nhận được tình báo do Giản Kiệu gửi đến.
Bản thân hắn cũng không tiếp tục tiến về Ích Châu, mà sau một hồi trầm ngâm, đột nhiên quay đầu ngựa, thúc vó như bay, lấy tốc độ nhanh hơn nữa để trở về thành An Định.
Các thuộc hạ phía sau không hiểu vì sao đại vương lại đổi ý, chỉ đành cắm đầu chạy theo sát.
Vốn dĩ, Khuất Vân Diệt phải gặp đám Tiên Bi đang lén lút bên ngoài thành An Định, rồi bùng nổ một trận đại chiến. Nào ngờ khi hắn đến nơi, nơi này đã sớm khai chiến rồi.
Mà không còn là sáu vạn kỵ binh Tiên Bi đối đầu với hai vạn bộ binh của hắn nữa, mà là sáu vạn kỵ binh Tiên Bi đối đầu với năm vạn kỵ binh Trấn Bắc cộng thêm bảy vạn bộ binh.
Tiên Bi vốn giỏi chiến đấu, nếu không thuở trước cũng chẳng khiến Bắc Ung phải khóc cha gọi mẹ, một nước suýt thì bị diệt vong trong tay họ.
Nhưng đám phế vật vô dụng của Ung triều sao có thể so sánh với Quân Trấn Bắc?
Tỷ lệ một đối một, Tiên Bi đã chẳng chiếm được thế thượng phong, huống hồ nay là một đối hai. Mà khi Khuất Vân Diệt đến nơi, quân sĩ thấy đại vương giá lâm, sĩ khí lại tăng gấp bội, gần như biến thành một đối bốn.
Nay, đám người Tiên Bi đến tập kích này rốt cuộc cũng có thể được trải nghiệm xem cái gì gọi là bị đánh đến khóc cha gọi mẹ.
Bọn Tiên Bi hèn hạ, thấy không địch nổi liền muốn tập trung công thành, tiến vào An Định thành đốt phá, cướp bóc một phen rồi trốn thoát. Nếu không có tới mười hai vạn đại quân ở đây, chỉ có mình Khuất Vân Diệt e là thật sự không ngăn nổi.
Nhưng ai bảo nơi đây có tới mười hai vạn đại quân chứ!
Chỉ trong một ngày, đám Tiên Bi bị đánh cho tan tác, vứt bỏ cả mũ giáp. Tình báo sai lệch, bọn chúng vốn đến để tập kích chứ không phải để tử chiến, thấy tình thế không ổn liền lập tức bỏ chạy rút lui.
Khuất Vân Diệt dẫn đầu truy sát, không ngừng giục con tuấn mã đang đẫm mồ hôi. Bình thường hắn hay dùng đao, nhưng khi lên chiến trường, hắn lại dùng thương. Thương mà hắn chuyên dùng có tên gọi là Tuyết Ẩm Cừu Mâu. Lưỡi mâu sắc bén, đầu mâu chĩa ra làm ba nhánh, toàn bộ trọng lượng nặng tới bốn mươi cân. Cũng chỉ có Khuất Vân Diệt mới có thể vung nó như thể không có trọng lượng.
Mỗi lần Khuất Vân Diệt vung mâu, có thể lấy đi mạng sống của ít nhất ba tên địch.
Tiên Bi là tử địch của Khuất Vân Diệt, cũng là tử địch của Quân Trấn Bắc.
Thấy Tiên Bi, tất phải giết!
Suốt một trăm dặm hơn, Khuất Vân Diệt giết đến đỏ cả mắt, mãi đến khi dần bình tĩnh lại mới dừng tay. May thay tuấn mã của hắn đủ dẻo dai, bằng không e là sớm đã kiệt sức tới thổ huyết.
Trở về đại quân, Khuất Vân Diệt rốt cuộc mới nhớ ra phải hỏi xem vì sao đại quân lại đến nơi còn sớm hơn cả hắn.
Khi ấy hắn đột nhiên trở về, còn chưa dám chắc suy đoán của mình là đúng hay sai, chỉ định về để dò xét thực hư. Nào ngờ có người bản lĩnh như vậy, dám quả quyết nơi này tất có biến, liền dẫn một phần ba binh lực ở quận Nhan Môn xuất chinh. ( truyện trên app T•Y•T )
Giản Kiệu vốn đã đi. Là một thuộc hạ khác của hắn, cũng là bạn từ thuở thiếu thời trả lời Khuất Vân Diệt: “Giản tướng quân nhận được tình báo, liền phái trinh sát đến Lương Châu dò xét, mới phát hiện tung tích bọn Tiên Bi. Tiểu tướng bèn sai người đưa tin đến đại vương, không ngờ đại vương đến nhanh như thế, e là đã bỏ lỡ tin báo giữa đường.”
Người nói tên là Nguyên Bách Phúc. Mang cái tên cát tường như vậy, bản thân hắn ta cũng có tướng mạo hiền hòa, khác biệt hẳn với các tướng lĩnh thường thấy.
Khuất Vân Diệt vốn chán ghét những kẻ dung mạo tuấn mỹ. Nguyên Bách Phúc tuy không đến nỗi gọi là tuyệt mỹ, nhưng quả thật có vài phần thanh tú. May mắn là hắn ta và Khuất Vân Diệt có giao tình sâu đậm, mới có thể gắn bó lâu dài như thế.
Khuất Vân Diệt “Ồ” lên một tiếng, rồi hỏi: “Giản Kiệu đâu?”
Nguyên Bách Phúc mỉm cười: “Nghe nói là quay về Bình Dương rồi, có việc hệ trọng.”
Khuất Vân Diệt nhíu mày, một dấu chấm hỏi hiện lên trong đầu. Có chuyện gì còn quan trọng hơn cả việc tính chiến công sao?
Nghĩ mãi không ra, mà người thì đã đi rồi, hắn đành lắc đầu, tiện tay ném Tuyết Ẩm Cừu Mâu cho một tiểu binh, đoạn bước vào trướng nghỉ ngơi.
Truy sát kẻ địch đến hai trăm dặm, quả thật có hơi mệt mỏi. Hắn cũng chẳng định đi Ích Châu nữa. Vừa hay Nguyên Bách Phúc còn ở đây, vậy thì giao việc tính chiến công cho hắn ta vậy.
…
Lại thêm một ngày nữa trôi qua, Giản tướng quân râu ria xồm xoàm rốt cuộc cũng đã đến Bình Dương.
Giản Kiệu tức tốc đến khách điếm nơi Tiêu Dung đang tạm trú, vô cùng kích động mà ngẩng đầu hướng lên lầu cao hô lớn: “Tiên sinh! Tiêu tiên sinh! Xin thứ cho tại hạ có mắt như mù, tiên sinh tài hoa tuyệt thế, quả thực là tài năng trác tuyệt !!”
Mà trong phòng, Tiêu Dung tay đang nâng chén trà, nhẹ thong thả nhấp một ngụm, lại giống như chẳng nghe thấy phân phó cho A Thụ: “Thêm chút táo đỏ nữa.”
A Thụ: “…”
A Thụ lặng lẽ bỏ thêm một nắm táo đỏ lên lò trà phía trước.
Thanh âm bên ngoài ồn ào không ngớt, hơn nữa vì chẳng ai ra mở cửa, A Thụ nghe chừng vị tướng quân kia như sắp khóc đến nơi, liền không nhịn được hỏi: “Lang chủ, không mở cửa cho Giản tướng quân sao?”
Tiêu Dung khẽ mỉm cười, đáp lời đầy ý tứ ghi hận: “Không mở, cứ để hắn ta đứng đấy.”
【Lời tác giả】
Giản Kiệu: Ta bị oan mà…
Khuất Vân Diệt: Ngươi nhận tội thay ta, ta sẽ chăm lo chu đáo cho gia đình ngươi.
Giản Kiệu: …