Thuở thiếu thời nàng bướng bỉnh bất kham, không thèm để tâm, bị người khác chỉ trích cũng chẳng thèm tranh luận. Hơn nữa, lúc ấy nàng lại dồn hết tâm tư lên người Triệu Cẩn, làm gì còn thời gian quan tâm đến những chuyện khác.
Nhưng mỗi khi gây chuyện không thể chối cãi thì tổ mẫu vẫn ra mặt bảo vệ nàng. Bà không trách phạt nàng vì đã phạm sai lầm mà chỉ quan tâm nàng có khỏe mạnh không. Sự thiên vị và bảo vệ này không hề mất đi ngay cả sau khi tổ mẫu qua đời, mãi đến khi nàng rơi vào cảnh ngộ không thể cứu vãn đến thần phật trên trời cũng bất lực.
“Tổ mẫu đừng lo lắng, con chỉ gặp ác mộng nên sợ hãi thôi.” Tạ Chiêu Ninh an ủi tổ mẫu. Nàng nghe giọng nói của mình vẫn trong trẻo như thời thiếu nữ. Nàng đã nghe giọng nói khàn khàn của mình quá lâu, giờ trong trẻo thế này lại thấy không quen.
Đúng lúc đó một tỳ nữ mặc áo vàng tay lỡ đi từ ngoài vào.
Tỳ nữ kia nhìn thấy lão phu nhân ngồi cạnh giường Tạ Chiêu Ninh thì dừng lại từ xa, tỏ ra do dự.
Tổ mẫu nhíu mày, lạnh lùng nói: “Có chuyện gì mà không thể nói trước mặt ta?”
Nữ tỳ kia giờ mới bước tới, cúi đầu nói: “Bẩm lão phu nhân, lang quân dặn nếu đại nương tử tỉnh lại thì mời đến chính đường nói chuyện.”
Tổ mẫu bình thản nói: “Quay về báo với lang quân là đại nương tử vẫn chưa khỏe, trước mắt không đến được. Khi nào con bé khỏe lại, ta sẽ tự đưa đại nương tử đến gặp lang quân.”
Tỳ nữ nghe vậy rất khó xử, nói: “Lão phu nhân, lang quân đã dặn đại nương tử nhất định phải đến..."
Tổ mẫu nhận chén nước ấm từ tay Thanh Ổ, múc một muỗng đút cho Tạ Chiêu Ninh, không thèm phản ứng.
Khi tổ mẫu còn trẻ là đích nữ duy nhất trong nhà nên được cả nhà cưng chiều. Sau đó, bà gả cho tổ phụ cũng vẫn được cưng chiều như cũ. Cả đời bà sống trong sung sướng, hiểu lý lẽ lại tốt bụng, hiện giờ đám con cháu trong nhà không ai dám bất kính với bà.
Nhưng Tạ Chiêu Ninh không muốn tổ mẫu che chở cho mình thế này.
Vì bà quá thiên vị và dung túng mọi việc nàng làm nên mới bị chỉ trích là “hồ đồ lú lẫn". Sau đó, tổ mẫu lâm bệnh nằm liệt giường, mặc dù cả nhà chăm sóc bà rất chu đáo nhưng lại chẳng còn kính trọng bà như trước nữa.
Sau đó, Tạ Chiêu Ninh đã phạm lỗi rất nặng, bị hai bà tử đè xuống quỳ trước từ đường. Tổ mẫu biết tin nàng bị phạt phải vào Tĩnh Tâm am tu hành, giận đến tắt thở, còn bị dè bỉu là “đáng đời”.
Vì nàng mà lúc qua đời tổ mẫu bị mọi người xa lánh, phải chịu tiếng xấu giống nàng. Lúc tổ mẫu ra đi nàng không được ở bên cạnh, nhưng nàng có thể tưởng tượng được bà đã đau buồn đến mức nào. Bà được tôn trọng yêu thương cả đời, nhưng đến phút cuối chỉ nhận được những lời ác ý.
Nàng vừa nghĩ vậy thì cảm giác hối hận và đau đớn trào dâng trong lòng như nước lũ.
“Tổ mẫu.” Tạ Chiêu Ninh nắm tay tổ mẫu: “Nếu phụ thân đã nói vậy, con giờ cũng đã khỏe rồi thì cũng nên đi gặp.” Nàng thấy tổ mẫu vẫn còn do dự như đang lo cho sức khỏe mình thì nũng nịu nói: “Con nằm lâu đến cứng người luôn rồi, con muốn ra ngoài đi lại một chút.”
Tổ mẫu do dự một lát rồi đặt chiếc chén Diêu Châu trong tay xuống, nói: “Nếu con thực sự muốn gặp thì ta sẽ đi cùng con!” Sau đó, bà ra lệnh cho Thanh Ổ: “Mang mũ rèm của đại nương tử lại đây.”
Thanh Ổ vừa mới hong xong mũ rèm, vội vàng giũ ra, để lộ lò sưởi tay dưới mũ rèm. Tổ mẫu chỉ liếc qua không nói gì, tự tay cầm mũ rèm trùm lên người Tạ Chiêu Ninh.
Những ngón tay dịu dàng của tổ mẫu vòng quanh cổ nàng, Tạ Chiêu Ninh ngửi thấy hơi ấm từ lò sưởi tay. Nàng cảm thấy mình như chim non về tổ, cả người ấm áp hẳn lên, nàng chớp mắt cố gắng kìm nén xúc cảm dâng trào trong lòng.
Hai bà cháu dẫn theo người hầu, đi dọc theo con đường dẫn tới chính đường.
Tạ Chiêu Ninh vừa đi vừa nhìn quanh, ký ức về nhà cũ Tạ gia dần hiện lên trong trí nhớ.
Nhà tổ của Tạ gia ở Giang Tây. Năm đó hai huynh đệ Tạ gia vào kinh ứng thí. Cả hai đều đỗ đạt, lúc ấy danh tiếng một nhà có hai tiến sĩ vang dội khắp nơi. Con đường làm quan của cả hai huynh đệ đều xuôi chèo mát mái. Đại lang quân thăng tiến nhanh chóng ở Thẩm quan viện, giờ đã là Đồng Tri viện tòng tam phẩm. Nhị lang quân chính là tổ phụ của Chiêu Ninh, ra ngoài làm thứ sử Ngạc Châu, dẫn theo con trai cả và gia đình làm quan nhiều năm vẫn chưa quay về.
Năm đó phụ thân nàng sắp tham gia kỳ thi nên không theo tổ phụ đi nhậm chức mà ở lại Biện Kinh để học với Đại bá phụ mình. Sau này, ông lại làm quan ở Biện Kinh, lập phủ không xa nhà Đại bá phụ.
Vì vậy, người ta gọi nhà Đại lang quân ở ngõ Đông Tú là Tạ gia Đông Tú, nhà Nhị lang quân ở ngõ Hòe An là Tạ gia Hòe An.
Tạ gia Hòe An có diện tích khá lớn nên Kim Tú Đường của Tạ Chiêu Ninh rất rộng rãi, có năm gian chính, hai nhĩ phòng hai bên, còn có dãy nhà phía sau. Trường cột được chạm trổ rất tinh xảo. Sân trong được lát đá, trồng một cây hải đường to. Thời điểm này hải đường vẫn chưa ra hoa, chồi non vẫn còn thưa thớt.
Tạ Chiêu Ninh mỉm cười nhìn cảnh tượng quen thuộc. Nàng vẫn nhớ viện này vốn là nơi ở của muội muội Tạ Uyển Ninh, nhưng khi nàng quay về tất nhiên tổ mẫu sẽ dành nơi tốt nhất cho nàng. Vì vậy mà phụ thân mẫu thân lại càng thương Tạ Uyển Ninh hơn.
Không ai biết đại nương tử Tạ gia tung hoành ngang ngược ngày xưa ở thành Biện Kinh, lại có quá khứ như vậy.
Nàng không lớn lên ở Tạ gia.
Lúc nàng mới được sáu tháng tuổi thì mắc bệnh ho khó chữa, vì lang trung ở Biện Kinh đều bó tay nên tổ mẫu đã đưa nàng đến phủ Thuận Xương để tìm một vị danh y ở ẩn. Không ngờ, vừa đến nơi, lại gặp phải chuyện người Đảng Hạng tiến đánh về phía nam, chiếm được một vùng đất rộng lớn gồm Khánh Châu, Hưng Khánh và Thái Nguyên. Tổ mẫu lạc mất nàng, nàng được đại cữu cữu của mình cứu rồi lớn lên ở phủ Tây Bình. Nhưng suốt mười năm sau đó vùng tây bắc rộng lớn bị người Đảng Hạng chiếm đóng. Họ không thể báo tin cho Tạ gia.
Mãi đến khi quân thượng đích thân ngự giá thân chinh đánh đuổi người Đảng Hạng về phía nam Hạ Lan sơn thì Tứ cữu cữu mới cử người báo tin được cho Tạ gia, sau khi hỏi thăm thì biết thật ra Tạ gia đã tìm thấy được “nàng” từ hơn mười năm trước!
Thì ra ngay sau xảy ra chiến loạn, Tạ gia đã lập tức dẫn người quay lại tìm nàng. Sau hai năm lo lắng tìm kiếm, cuối cùng họ cũng tìm thấy một bé gái trong nhà một hộ nhà nông trông có diện mạo khá giống nàng. Theo lời kể của những người nuôi dưỡng cô bé, có một ông lão đã bế cô bé đến cầu cứu, nói rằng mình đến từ Biện Kinh nhưng ông lão ấy đã qua đời.
Đứa bé gái này chính là Tạ Uyển Ninh.
Dù lúc đó gia đình kia bịa ra chuyện này vì tiền hay đó chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên thì mẫu thân nàng vẫn tin rằng cuối cùng đã tìm thấy con gái mình. Bà ấy vui mừng òa khóc, bế đứa bé ba tuổi Tạ Uyển Ninh trở về Tạ gia.
Từ đó trở đi, Tạ Uyển Ninh trở thành đích nữ duy nhất của Tạ gia. Từ phụ mẫu đến kẻ hầu người hạ đều đối xử với nàng ta như con ngươi trong mắt, yêu thương hết mực. Mẫu thân giữ nàng ta bên mình đích thân dạy dỗ, phụ thân cầm tay luyện từng nét chữ, mời rất nhiều nữ sư phụ đến dạy nàng ta học chữ vẽ tranh. Cả Biện Kinh đều biết, Tạ Uyển Ninh, đích nữ của Tạ gia vừa tài ba vừa xinh đẹp.
Còn Tạ Chiêu Ninh lớn lên ở phủ Tây Bình. Cữu cữu của nàng chinh chiến quanh năm, Tạ Chiêu Ninh chỉ lủi thủi một mình. Phủ Tây Bình cát vàng đầy trời, ngoài thành là sa mạc, chẳng có gì ngoài những gốc hồ dương và táo dại. Tạ Chiêu Ninh có thể học hỏi được gì?
Tạ Chiêu Ninh ở phủ Tây Bình hành xử ngang ngược phóng túng, học hành gì đó thì đừng mơ. Khi nàng trở về Biện Kinh chẳng giống một tiểu thư khuê các chút nào! Lần đầu tiên mẫu thân thấy nàng đã kinh hãi đến suýt ngất. Bà ấy thật sự không thể tin được đây chính là nữ nhi ruột thịt của mình!
…
Tạ Chiêu Ninh nhớ lại chuyện cũ, đi một mạch tới chính đường.
Cẩm Tú đường chỉ cách chính đường hai cây cầu và một con đường. Chính đường được xây cạnh mép nước. Đó là một tòa nhà lớn năm gian, bên cạnh trồng mấy gốc cây bách lớn. Dưới bóng cây đung đưa, các tỳ nữ đang xuôi tay đứng ngoài cửa. Bên trong rất trống trải, không có bất kỳ hoa lá cây cảnh nào. Hai bên cửa chính treo câu đối có nghĩa “Gia phong mười thế hữu ki cừu, Giai lan đình quế triệu hồng đồ”, có bốn người hầu đứng chầu ngoài cửa.
Tạ Chiêu Ninh từng bị trách phạt vô số lần ở đây nên rất ghét nơi này. Giờ nhìn thấy lại chỗ này, trong lòng nàng không khỏi run lên nhưng không phải vì sợ hãi, mà là phấn khích không sao kiềm chế được. Nàng thực sự có thể quay lại!
Hai bà cháu đi vào trong, tỳ nữ hai bên vội hành lễ, chưa kịp bước vào cửa đã nghe thấy tràng dài đầy tức giận.
Một giọng nữ vang lên: “Cướp trang sức của Uyển Ninh tỷ tỷ lại còn đánh người hầu của tỷ ấy bị thương nặng. Thật sự là quá đáng lắm rồi. Nếu lần này nàng dám đánh người hầu, lần sau chắc chắn sẽ đánh Uyển Ninh! Nếu cứ tiếp tục như vậy thì biết làm thế nào! Thế nào người cũng phải xử lý!”
Tạ Chiêu Ninh khựng lại một chút. Đã nhiều năm nàng không nghe ai nói chuyện rồi.
Tổ mẫu nghe thấy những lời này thì sầm mặt xuống. Bà nắm tay nàng an ủi: “Đừng lo dù phụ thân con mắng con thế nào thì tổ mẫu sẽ luôn bảo vệ con.” Sau đó bà lại hừ lạnh một tiếng: “Không ai có thể bắt nạt con được!”
Tổ mẫu luôn cảm thấy có lỗi vì cho rằng tại bà mà nàng phải xa cách gia đình. Khi cuối cùng tìm được nàng ở phủ Tây Bình, bà ôm chặt nàng mà khóc. Từ đó trở đi, bà đối xử với nàng như con ngươi trong mắt, nàng muốn gì được nấy.
Tạ Chiêu Ninh mỉm cười nắm tay bà: “Chỉ cần tổ mẫu ở đây thì con không sợ gì cả.”
Trong phòng buông rũ màn che màu đàn hương, mỗi bên bày bốn cái ghế bằng gỗ hoàng hoa lê, màu sơn bóng loáng như gương, trên chiếc bàn dài đối diện có một cặp bình gốm men ngọc Diêu Thanh, phía trên là bức tranh hạc lộc đồng xuân, có treo một tấm biển “Duy Thiện Đức Hinh”.
Nam nhân ngồi ở ghế trên mặc nho bào, dù đã gần bốn mươi tuổi mà diện mạo vẫn còn tuấn tú, nhưng lúc này ông đang nhíu chặt mày, khuôn mặt u ám như sắp nhỏ ra nước. Đây là phụ thân của Tạ Chiêu Ninh, Tạ Huyên. Một thiếu nữ mắt mày sáng láng, mặc áo trắng phối với váy vân cẩm màu đỏ thẫm đứng trước mặt ông ta, chính là Tạ Minh San, người đã đứng ra chỉ tội nàng.
Bên cạnh nàng ta là một thiếu phụ xinh đẹp có khuôn mặt tươi tắn, mặc bối tử lụa hoa màu đỏ, tóc vấn sơ tâm kế, sắc mặt cũng nặng nề giận dữ. Người này là Khương thị, mẫu thân của Tạ Chiêu Ninh.
Mọi người ngẩng lên thấy nàng và tổ mẫu đi vào. Sắc mặt Tạ Huyên vẫn lạnh lùng như trước, Tạ Minh San thì cười lạnh.
Khương thị mẫu thân của nàng hừ lạnh một tiếng rồi ngoảnh đi, không muốn nhìn mặt nàng.
Ánh mắt Tạ Chiêu Ninh dừng lại trên người mẫu thân, trong lòng trăm mối ngổn ngang.
Nàng lại được gặp mẫu thân lần nữa!
Giữa nàng và Khương thị có rất nhiều mâu thuẫn.
Nàng không lớn lên bên cạnh Khương thị nên tất nhiên Khương thị thương Tạ Uyển Ninh do đích thân bà ấy nuôi dạy hơn. Hơn nữa, Tạ Chiêu Ninh ở nhà lại vô lễ với phụ mẫu, hay gây chuyện ở bên ngoài, thường kiếm cớ gây sự với Tạ Uyển Ninh, khiến Khương thị ngày càng chán ghét nàng. Nàng thấy Khương thị không kiên nhẫn đối đãi với mình thì càng xù lông lên không chịu nhún nhường Khương thị, chuyện gì cũng đối đầu với bà ấy, thái độ này càng khiến Khương thị phiền lòng. Hai người là mẹ con ruột thịt mà lại như kẻ thù. Khi Tạ Chiêu Ninh xuất giá, hai người đã thề với nhau rằng sẽ không bao giờ qua lại cho đến lúc chết. ( app truyện T Y T )
Nhưng lúc khi nàng bị giam vào ngục, sắp bị hành quyết, Khương thị khi đó đang thăm họ hàng ở Giang Tây lại nôn nóng vượt ngàn dặm xa xôi về gặp nàng. Không ngờ giữa đường bà ấy gặp cướp… chết không toàn thây. Bà tử Bạch cô hầu hạ bên cạnh Khương thị vội đến báo tin với nàng, thưa rằng mọi tài sản của phu nhân đều để lại hết cho nàng.
Bạch cô nức nở nói: “Nương tử thật quá nhẫn tâm... Sau khi người xuất giá, phu nhân vẫn luôn gửi đồ cho người, người nhận xong lại gửi trả lại hết. Có lần, phu nhân gửi cho người một chiếc váy xuân, người còn cắt thành từng mảnh rồi gửi trả lại. Phu nhân thực sự rất đau lòng, cảm thấy người chưa từng tha thứ cho bà. Người có thể nể tình phu nhân đã nhắm mắt xuôi tay mà tha thứ cho bà ấy không...”
Nàng ôm di vật của Khương thị gào khóc.
Nàng chưa từng nhận được thứ gì do Khương thị gửi cho thì làm sao có thể trả lại được? Nàng những tưởng sau khi xuất giá, mẫu thân nhẫn tâm đến mức cắt đứt hoàn toàn quan hệ với nàng, vì vậy nàng cũng trở nên lạnh lòng không bao giờ hỏi thăm đến bà ấy nữa, ngay cả khi biết mẫu thân gặp bất trắc nàng cũng chỉ cười khẩy. Thì ra không phải mẫu thân không thương nàng mà mâu thuẫn giữa hai mẹ con quá sâu, nàng ôm lòng oán hận mẫu thân, mẫu thân cũng hiểu lầm nàng.
Thì ra có người xen vào, khiến hai mẹ con xem nhau như kẻ thù, hiểu lầm xa cách đến mức đó.
Trước khi Khương thị qua đời, nàng đã nhiều năm không gặp bà ấy, nhưng khi bị giam cầm trong cung nàng lại thường xuyên mơ thấy ác mộng, mơ thấy bà ấy chết dưới đao của bọn cướp, thi thể nát bấy. Hoặc thấy bà ấy tóc đã bạc phơ, bị mọi người bỏ rơi, ngồi buồn bã trong viện, nhìn sân viện vắng vẻ lạnh lẽo.
Giờ thấy mẫu thân vẫn còn trẻ trung, mày dài đến tóc, nét mặt tươi sáng, đôi má tròn đầy, váy lụa hoa màu đỏ tươi khiến làn da bà ấy trắng hơn cả tuyết rồi lại nghĩ đến những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai, nàng nhất thời bàng hoàng bất an.
Khương thị thấy nàng nhìn mình rất lạ thì không được tự nhiên, cứ như bà ấy mà nói gì thì nàng sẽ òa lên khóc. Nhưng thật buồn cười! Mấy ngày trước, Tạ Chiêu Ninh còn đập bàn cãi lý với bà ấy đó thôi. Bà ấy nhíu mày nói: “Con nhìn ta thế là sao? Ta đã cho người gọi con từ lâu rồi. Sao giờ con mới tới?”
Lời nói của bà ấy khiến Tạ Chiêu Ninh tỉnh táo lại.
Đúng rồi, đây vẫn là mẫu thân của mười năm trước. Lúc này, Khương thị xem Tạ Uyển Ninh như con ruột của mình, lại cho rằng nàng là kẻ hư hỏng không thể dạy dỗ. Nhưng ở kiếp trước, khi họ phát hiện ra sự thật, thì cũng là lúc đám người Tạ Uyển Ninh đã không thèm che giấu nữa, mọi chuyện đã vô phương cứu vãn.
Nàng toan lên tiếng thì đúng lúc đó một giọng nói vang lên từ phía sau Tạ Chiêu Ninh:
“Tỷ tỷ không sao chứ? Ta nghe nói tỷ tỷ quỳ ở từ đường đến ngất xỉu nên rất lo lắng!”
Giọng nói này quá quen thuộc như đã khắc cốt ghi tâm.
Tạ Chiêu Ninh nhìn xuống, đè nén cảm xúc đang dâng trào trong lòng. Nàng từ từ quay lại.