"Tiếng Anh Tinh Hoa" là bản mở rộng của sách giáo khoa tiếng Anh, cơ bản bao gồm tất cả các điểm kiến thức trên lớp. Đến giai đoạn lớp 12, các loại sách tham khảo được mua nhiều như núi, Kỷ Thời thậm chí còn có những cuốn chưa bóc tem.

Anh chính là ví dụ điển hình của học sinh năng lực có hạn mà sách vở thì vô hạn.

Kỷ Thời lấy bộ đề thi vừa làm ra, bắt đầu xem đáp án từ câu sai đầu tiên. Các lựa chọn mà anh không chắc chắn khi làm bài cũng được anh khoanh tròn lại. Kỷ Thời không làm sổ ghi câu sai riêng, anh cảm thấy việc chép lại toàn bộ một câu hỏi hơi lãng phí thời gian.

Trong số các câu sai của anh, tỷ lệ câu sai về ngữ pháp rất thấp, điều này hoàn toàn trái ngược với tình trạng của anh trong kỳ thi đại học lần trước. Nhiều câu sai phần lớn là do vốn từ vựng của anh chưa đủ. Điều này không thể cải thiện trong một sớm một chiều, mà cần anh tích lũy từ từ.

Kỷ Thời tiếp tục lật các đơn vị bài học sau của sách giáo khoa. Trong tủ sách vừa hay có vài cuốn sách tham khảo tiếng Anh lớp 10 và 11, anh cũng lấy ra dùng. Điều kỳ diệu của môn tiếng Anh là, một khi bạn nắm bắt được một từ mới, bạn sẽ phải tiếp xúc với từ đó với tần suất cao trong vài giờ tới, để khắc sâu ấn tượng.

Kỷ Thời đã xem xong ba bài học, cộng thêm việc làm một đề thi và sử dụng sách tham khảo nên tốc độ đọc những bài tiếp theo cũng nhanh hơn hẳn. Trong suy nghĩ của anh, tiếng Anh không phải một môn học chỉ dựa vào học vẹt, quan trọng nhất vẫn là sự tập trung và hiểu bài.

Cứ mỗi tiếng, anh lại đứng dậy thư giãn tay chân, nghe một bài hát hoặc bật đoạn nghe hiểu tiếng Anh. Trong chiếc MP3 của anh có không ít bài hát, đều là tiện tay tải về khi sao chép tài liệu nghe. Ở cổng trường có một cửa hàng nhỏ chuyên làm dịch vụ này, chỉ có hai ba chiếc máy tính nhưng mỗi lần sao chép mất vài tệ—mắc hơn so với quán net, nhưng vì gần trường nên thuận tiện cho học sinh.

Gần đây, trong lớp anh, nhạc của ban nhạc Ngũ Nguyệt Thiên (Mayday) khá được ưa chuộng. Ban đầu là do các bạn nữ thích nghe, dần dần lan sang cả nam sinh. Những bài mang phong cách cổ vũ tinh thần như Tiểu Thái Dương gần như là bài hát không thể thiếu của học sinh lớp 12. Thời điểm tốt nghiệp, bài Tiếu Vong Ca cũng từng rất thịnh hành.

Kỷ Thời vừa nghe nhạc, miệng vừa lẩm nhẩm đọc các từ trên mẩu giấy ghi chú. Mẹ anh đẩy cửa bước vào, nhìn thấy cảnh này liền bật cười: “Mệt không con? Ra xem tivi một lát đi?”

Kỷ Thời lắc đầu: “Không mệt ạ.”

“Nhớ để mắt cách xa sách một chút, con cận sẵn rồi, đừng thức khuya nghịch điện thoại nữa nhé.” Mẹ anh vẫy tay gọi: “Ra ăn dưa hấu đi, vừa cắt xong, cô Hai con mang qua đấy.”

“Cô Hai không vào chơi ạ?”

“Về rồi.”

Cô Hai của Kỷ Thời lấy chồng ngay trong làng, bà là chị gái thứ hai của bố anh. Ông nội Kỷ có ba con gái, một con trai, mà bố Kỷ là con trai duy nhất. Trong ba chị em gái, cô Hai là người sống gần nhất, thỉnh thoảng qua giúp đỡ và mang đồ đến cho gia đình anh.

Các cô dì của nhà họ Kỷ có quan hệ khá tốt, họ hay tự đùa rằng đó là vì ai cũng nghèo như nhau. Ông nội Kỷ có bốn người con, nhưng chẳng ai thực sự làm nên sự nghiệp, đừng nói đến chuyện ra ngoài huyện hay thành phố lớn phát triển, cả ba cô con gái đều lấy chồng ngay trong làng, mà còn là những ngôi làng nằm ở vị trí khá xa trung tâm.

Nhà cô cả và cô Hai của Kỷ Thời cách nhà anh không xa, đi bộ là đến. Còn cô út lấy chồng ở thị trấn bên cạnh, chạy xe điện một lúc là tới nơi. Nhưng với Kỷ Thời hồi nhỏ, đến thăm cô út giống như đi ra ngoài tỉnh vậy—đạp xe kêu kẽo kẹt, đạp đến mức thở hổn hển mà vẫn chưa được nửa đường.

Dưa hấu là giống 8424, ăn vào ngọt lịm. Cô Hai đặc biệt dùng lưới bọc ngâm trong giếng, vị vừa thanh mát lại không bị lạnh cứng như để trong tủ lạnh.

Kỷ Thời mang cả mẩu giấy ghi chú ra ngoài, vừa ăn dưa hấu vừa nhìn chằm chằm vào các từ vựng. “Dưa hấu” trong tiếng Anh là watermelon, từ này anh nhớ rất rõ.

Mẹ anh không nhịn được, dùng khuỷu tay thúc nhẹ bố anh một cái.

Đợi Kỷ Thời quay vào phòng tiếp tục học, bà cuối cùng cũng không kìm được mà nói:

“Thời Thời… nó có gì đó không đúng. Hôm nay em để ý thấy nó thật sự không hề đụng đến điện thoại, cứ ngồi làm bài, xem đề mãi thôi. Còn nói học kỳ sau muốn tiếp tục ở nội trú, anh thấy có gì lạ không?”

“Chắc do mới về nhà?” Bố anh đưa tay gãi mũi, cười cười: “Qua vài hôm chắc lại đâu vào đấy thôi.”

"Anh thích nó bình thường hay không bình thường?" Mẹ Kỷ lườm ông một cái, "Con trai biết lo học hành, hiểu chuyện hơn rồi, anh không vui à?"

Cả bố và mẹ Kỷ đều hiểu rõ tình hình. Ở trường Z, thành tích của Kỷ Thời chắc chắn không nằm trong nhóm xuất sắc. Lần trước đi họp phụ huynh, nghe giáo viên đọc thứ hạng của từng học sinh, lần đầu tiên trong đời bố Kỷ mới cảm nhận được sự lúng túng trong chuyện giáo dục con cái.

Hồi cấp hai, Kỷ Thời gần như không khiến họ phải lo lắng. Trong lớp, anh luôn đứng nhất hoặc nhì. Nhưng họ lại đánh giá thấp khoảng cách giữa giáo dục cấp hai ở huyện và ở thị trấn. Sau khi vào trường cấp ba của huyện, thành tích của Kỷ Thời không những không đi lên mà còn liên tục tụt dốc.

Bố mẹ Kỷ đương nhiên mong con trai mình có thể thi đỗ một trường đại học tốt. Dù sau này có về quê thì làm giáo viên tiểu học trên thị trấn cũng là một lựa chọn ổn định.

Về chuyện học hành, họ không ép buộc con trai quá nhiều, chỉ thỉnh thoảng nhắc nhở đôi câu. Dù sao Kỷ Thời cũng sắp trưởng thành, có thúc ép cũng chẳng có tác dụng.

Kỷ Thời lại chẳng nghĩ nhiều đến thế. Sau khi xem xong sách giáo khoa, anh tiếp tục làm một bài luyện tập khác. Không biết do đề này dễ hơn hay thế nào mà lần này anh chỉ sai có sáu câu. Trước khi đi ngủ mà có tỷ lệ đúng cao như vậy thì đúng là đáng để vui mừng. Anh đi tắm, sau đó nghe nhạc một lát rồi lên giường ngủ.

...

Bố Kỷ cứ nghĩ con trai mình chỉ đang nhất thời hứng lên, nhưng không ngờ sáng hôm sau, mới 6 giờ rưỡi, Kỷ Thời đã cầm sách ra sân đọc rồi.

"Dậy sớm thế, không ngủ thêm một chút à?"

Kỷ Thời lắc đầu. Trong tay anh là một quyển sách tiếng Anh và một quyển Ngữ văn. Anh nghĩ, dù đề thi đại học ra sao, những kiến thức nền tảng cần nắm vững thì vẫn phải học chắc. Mục ghi nhớ tác phẩm văn học cố định trong đề thi Ngữ văn chiếm 8 điểm, đây là phần tuyệt đối không thể mất. Những tác phẩm quen thuộc của Lý Bạch, Tô Thức, Khổng Tử trông có vẻ nhiều, nhưng nếu luyện tập đủ lần thì 8 điểm này gần như sẽ không bị mất.

Nhưng anh vẫn từng để mất điểm.

Năm đó thi đại học xong, khi nhìn thấy điểm số hơn 200 của mình, anh thậm chí còn không có đủ dũng khí để ngồi xem lại bài làm. Nhưng đôi khi, anh cũng tự hỏi, rốt cuộc mình đã làm bài kiểu gì mà lại có kết quả như vậy?

Quay trở về mười mấy năm trước, nền tảng của anh bây giờ đương nhiên còn tệ hơn khi đó. Anh rất rõ ràng rằng kỳ thi đại học là thực tế mà anh sắp phải đối mặt. Anh không phải thiên tài, cũng không có bàn tay vàng như nam chính trong các tiểu thuyết xuyên không. Điều duy nhất anh có thể dựa vào chính là sự nỗ lực của bản thân.

Trước tiên, tuyệt đối không thể bỏ qua những điểm số có thể lấy được.

Dĩ nhiên, học thuộc sách Ngữ văn vẫn khó hơn một chút. Sau khi ngủ dậy, anh đã phải vật lộn với Xuất sư biểu suốt một lúc lâu. Câu "Tiên đế sáng nghiệp chưa lâu, nửa đường đã băng hà. Nay thiên hạ chia ba, Ích Châu mỏi mệt, sự nguy cấp tồn vong đã ở ngay trước mắt“ anh lặp đi lặp lại gần mười lần. So với việc nhớ những từ như hydroelectricity, học thuộc văn cổ thực sự khó hơn nhiều.

Bố Kỷ chào Kỷ Thời một tiếng rồi lái xe máy ra khỏi nhà. Tiếng xe máy ầm ĩ khiến Kỷ Thời không khỏi bịt tai lại.

Nhà hàng xóm cách nhà Kỷ Thời một nhà nuôi một con chó dữ tợn, cả người lớn lẫn trẻ con đều sợ. Nhưng hễ xe máy của bố Kỷ nổ máy, đảm bảo con chó đó sẽ lùi xa cả dặm. Biết làm sao được, uy lực quá mạnh mà.

Khi mặt trời dần nóng lên, Kỷ Thời cuộn sách giáo khoa lại định về nhà tiếp tục đọc sách, tiếng xe máy lại vang lên. Bố Kỷ đưa cho Kỷ Thời hai túi nóng hổi, có bánh hẹ bánh rong biển, cũng có bánh long hổ đấu. Bánh hẹ là do người ngoài thị trấn làm, chiếc bánh rán vàng ruộm kẹp rong biển và hẹ chín tới, nhân bánh thơm nức mũi. Mười năm sau sẽ không còn được ăn hương vị này nữa, vì nghe nói người làm bánh là người nơi khác, sau đó bị người địa phương chèn ép đuổi đi.

Bánh long hổ đấu là món ăn đặc trưng của vùng huyện Z, bánh nướng thêm mỡ lợn rán giòn, vừa có vị ngọt vừa có vị mặn. Nghe nói là sự kết hợp giữa vị ngọt và vị mặn đã khiến chiếc bánh nướng có tên gọi long hổ đấu. Bánh nướng thì Kỷ Thời vẫn luôn được ăn, nhưng sau này anh chỉ có dịp về nhà vào các ngày lễ theo quy định của pháp luật. Các quán bán bánh nướng trong thị trấn đều xếp hàng dài, muốn mua cũng khó.

Thực ra, kỳ nghỉ hè là thời điểm bố mẹ Kỷ bận rộn nhất trên đồng ruộng. Hai người bận rộn đến mức không có thời gian ăn sáng. Nhưng hễ Kỷ Thời ở nhà, bàn ăn sáng sẽ rất thịnh soạn, bánh nướng, bánh bao, cháo và rau trộn. Sợ Kỷ Thời ăn không no, thỉnh thoảng họ còn nấu mì cho Kỷ Thời đổi vị. Người huyện Z không ăn mì sợi nhiều, mẹ Kỷ thường nấu mì long tu bán ở siêu thị. Thỉnh thoảng bà cũng đặc biệt vào bếp làm mì sợi cán tay cho Kỷ Thời, dai ngon nhưng rất tốn công.

Kỷ Thời của hơn mười năm trước đương nhiên không hiểu điều này.

Anh thà bỏ ra mấy chục tệ, ngồi xe buýt nhỏ đến huyện ăn một bữa cơm rang hương vị bình thường, đi ngang qua cửa hàng độc quyền, mua một bộ quần áo thể thao đủ "Tây" đối với học sinh cấp ba.

KFC càng là món ăn mà anh cảm thấy oai phong nhất.

Lúc đó, anh đương nhiên không biết rằng, sau này anh sẽ ăn đồ ăn mang đi đến mức muốn nôn, nhìn thấy các quán ăn nhanh như KFC chỉ muốn tránh xa.

"Hôm nay không có ai xếp hàng, bố mua nhanh lắm." Bố Kỷ lại xách một túi đồ ăn vặt từ bậc để chân xe máy, bên trong đựng khoai tây chiên và Coca Cola. "Bố cũng không biết con thích ăn gì, nên mua đại chút. Chìa khóa xe đạp điện cũng để lại cho con, chiều con đạp xe đi siêu thị dạo chơi."

"Vâng."

Kỷ Thời không có ý định đi siêu thị, nhưng anh định bắt đầu xem sách giáo khoa toán và vật lý. Khoa học tự nhiên của Chu Dũng giỏi hơn anh một chút, Kỷ Thời đoán lúc đó sẽ phải đến nhà Chu Dũng hỏi bài.

Coca Cola và khoai tây chiên được anh đặt lên giá bên cạnh. Lúc này anh vừa ăn bánh xong, chưa đói.

Tiếp theo, Kỷ Thời phải chinh phục môn toán.

Đối với học sinh ban tự nhiên như họ, trong tổng điểm 480, môn toán 200 điểm có thể nói là bá vương trong các bá vương.

Thực ra, đến lớp 12, mọi người đều hiểu rõ, dù là ban xã hội hay ban tự nhiên, người giỏi toán sẽ thống trị thiên hạ. Bài thi 160 điểm, môn văn có thể đạt 150 điểm là rất hiếm, 140 và 130 điểm đã được coi là điểm rất cao, nhưng muốn đạt điểm dưới 100 cũng khó.

Nhưng môn toán thì khác. Kỷ Thời nhớ rằng, đề thi toán năm đó của họ do một giáo viên rất nổi tiếng ở tỉnh Tô ra đề. Sau này có tin đồn rằng, bài thi 160 điểm, điểm trung bình của họ năm đó chỉ hơn 70 điểm, thậm chí chưa đạt một nửa.

Nhiều học sinh bình thường đạt 120, 130 điểm môn toán, năm đó cũng chỉ đạt hơn 100 điểm.

Nhưng - vẫn có người đạt 140, thậm chí 150 điểm.

Khoảng cách bị kéo xa như vậy đấy.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play