Hướng tây của Bắc Doanh Thiên, nơi con đường bị tuyết phủ kéo dài bất tận có một dòng nước chảy siết gọi là Minh Uyên. Bên dòng Minh Uyên mọc lên một cây cổ thụ che kín bầu trời được gọi là Phù Tang. Cây Phù Tang có cành lá rậm rạp, mỗi khi gió thổi qua, lá cây va vào nhau phát ra âm thanh rầm rì tựa như kim loại va chạm khô khốc.

Bạch Tắc đứng nhìn mặt hồ Minh Uyên phẳng lặng, tay cầm cây sáo chậm rãi đưa lên môi. Tay áo trắng như sương tung bay trong gió, tiếng sáo vang lên du dương dưới ánh trăng, lan tỏa trong màn đêm tĩnh lặng.

Đó là khúc nhạc vu cổ của tộc Vu Thần viễn cổ, vốn đã thất truyền từ lâu, dùng để đánh thức linh khí trời đất từ trong hỗn độn. Khi khúc nhạc dài dằng dặc khép lại, dư âm vẫn còn vương vấn chưa tan, bỗng một tiếng “ầm” vang lên, tiếng nước trầm đục phá vỡ sự tĩnh mịch của màn đêm.

Bạch Tắc ngước mắt nhìn theo hướng âm thanh phát ra.

Chỉ thấy một gương mặt mỹ mạo tuyệt trần nổi lên từ mặt nước. Đôi lông mày cong cong như núi xa, hai mắt hạnh long lanh, môi đỏ tựa cánh đào, đẹp đến mức khiến ngay cả giao nhân ở Chu Nhai Hải cũng phải lu mờ.

Nhưng Bạch Tắc biết, nàng không phải là giao nhân.

Thiếu nữ lặng lẽ nổi trên mặt nước Minh Uyên, đôi mắt trong veo ánh lên hình bóng vị thần quân áo trắng đứng dưới tán cây Phù Tang. Ánh mắt nàng chuyển từ gương mặt tuấn mỹ của hắn sang cây sáo thần mộc trong tay, rồi lại từ cây sáo trở về gương mặt hắn.

Ánh mắt hai người giao nhau một lúc, thiếu nữ chậm rãi đứng dậy từ trong nước, từng bước tiến về phía hắn. Nàng bây giờ không một mảnh vải che thân, mái tóc đen dài phủ xuống chạm đến mắt cá chân, ướt sũng như lụa, kéo lê trên mặt đất tạo thành những vệt nước dài nối tiếp. 

Nàng bước chân trần đến trước mặt hắn, nghiêng đầu quan sát, từng giọt nước lăn dài theo đường nét trên gương mặt nàng: “Ngươi là ai?”

Bạch Tắc nhìn nàng bằng đôi mắt lạnh nhạt, bình tĩnh đáp: “Bạch Tắc.”

“Bạch… Tắc,” thiếu nữ lặp lại, rồi hỏi tiếp, “Là ngươi đã đánh thức ta sao?”

Khi nói, ánh mắt nàng lại hướng về cây sáo thần mộc, như thể nhận ra chính cây sáo và khúc nhạc vu cổ hắn thổi đã gọi nàng tỉnh dậy.

Bạch Tắc nhàn nhạt đáp: “Đúng vậy.”

Thiếu nữ lại hỏi: “Vậy ta là ai?”

Nàng là ai?

Đôi mắt vị thần quân áo trắng khẽ nheo lại, vẻ mặt điềm tĩnh như băng sơn thoáng gợn sóng.

Nàng là ai?

Hắn nên gọi nàng là ai?

Trên đầu, cây Phù Tang xào xạc rung động, ánh trăng xuyên qua tán lá, loang lổ như tuyết đọng. Đôi mắt nàng trong veo, chứa đựng cả ánh trăng và bóng cây.

Tên của nàng vốn không nên do hắn đặt.

Nhưng như bị ma xui quỷ khiến, Bạch Tắc cất tiếng: “Phù Tang, ngươi tên là Phù Tang.”

“Phù… Tang?”

“Ầm!” 

Ngay khi giọng nàng thốt lên, cây Phù Tang cao ngất chạm mây bỗng vang lên một tiếng động lớn như sấm sét.

Bạch Tắc nhìn về phía những cành lá xa tít không thấy điểm cuối, gương mặt theo đó lộ vẻ khác thường. Khi ánh mắt hắn quay trở lại, gương mặt diễm lệ như giao nhân của thiếu nữ không biết từ lúc nào đã nứt ra từng đường như mạng nhện.

Một điểm sáng tụ lại giữa mi tâm nàng rồi nhanh chóng lan tỏa như ngọn lửa cháy khắp các vết nứt.

Thời gian trước mắt như ngừng trôi.

Nàng nhìn hắn không chớp mắt, mái tóc dài như thác nước, ánh mắt trong trẻo, khóe môi vương một nụ cười nhẹ nhàng.

Không đúng!

Bạch Tắc cau mày, đầu ngón tay ngưng tụ thần lực định chạm vào mi tâm nàng, nhưng ngay lúc đó, mi tâm của thiếu nữ trước mặt bắt đầu vỡ vụn rồi lan tỏa ra xung quanh, trong khoảnh khắc hóa thành vô số điểm sáng xuyên qua kẽ tay hắn, tan biến trong ánh trăng tĩnh lặng.

“Phù Tang!”

***

Trường Dao Sơn, Bắc Vọng Cung.

Vị thần quân đang ngồi tĩnh tọa trên đệm hương bồ đột nhiên mở mắt, đôi đồng tử lạnh lẽo thoáng hiện lên một tia bối rối.

Cảnh vật trước mắt không còn là dòng Minh Uyên mà là một chiếc bàn dài làm từ gỗ dâu. Trên bàn đặt hai ngọn nến trắng, ánh nến lập lòe lay động. Giữa ánh sáng treo lơ lửng một thanh trường kiếm đen nhánh, khắc đầy thần văn phức tạp.

Là mộng.

Tất cả những gì vừa xảy ra chỉ là một giấc mộng.

Bạch Tắc đã lâu rồi không mơ. Lần cuối hắn nằm mơ là năm vạn năm trước.

Lần đó, hắn cũng mơ thấy dòng Minh Uyên. Mười ngày sau, hắn cầm cây sáo thần mộc đánh thức Phù Tang từ Minh Uyên.

Lần này, hắn không chỉ mơ thấy Minh Uyên, mơ thấy lần đầu gặp Phù Tang, mà còn thấy nàng… tan biến giữa trời đất.

Thần tộc không phải phàm nhân, bình thường cũng sẽ không nằm mơ.

Nhưng nếu đã mơ thì giấc mộng ấy ắt là điềm báo huyền diệu khó giải đáp.

Một mảnh mai rùa cổ lớn cỡ bàn tay xuất hiện trong lòng bàn tay hắn. Bạch Tắc chậm rãi vuốt ve phù văn trên mai rùa, nhắm mắt nhẩm thuật thần toán. Xung quanh tĩnh lặng như tờ. Nửa canh giờ sau, hắn mở mắt nhìn mai rùa hồi lâu mà không nói một lời.

Hắn không thấy được bất kỳ thiên cơ nào.

Là thiên cơ bị che mờ sao? Hay giấc mộng này chỉ là một thử thách cho hắn?

Trong lúc trầm tư, ánh nến phía trước bỗng tối lại, một giọng nói uy nghiêm vang lên trong linh đài của Bạch Tắc: “Tỉnh rồi sao?”

Lông mày Bạch Tắc khẽ động đậy, lòng bàn tay chậm rãi khép lại, mảnh mai rùa lóe lên ánh kim rồi lập tức biến mất.

“Vâng, Phụ Thần,” hắn bình tĩnh đáp lại.

“Tỉnh đúng lúc lắm. Mai là đại lễ thành hôn của con và Quỳ Đàm,” giọng nói tiếp tục vang lên. “Hình Vô đang ở bên ngoài, lát nữa sẽ mang hôn y đến.”

Bạch Tắc vẫn nhàn nhạt đáp: “Vâng.”

Trong điện im lặng một lúc, Ngọc Khuyết Thiên Tôn bỗng thở dài: “Nếu không vì sự cố vào năm vạn năm trước thì con và Quỳ Đàm đã không phải chờ đến bây giờ mới thành hôn.”

Bạch Tắc nói: “Bây giờ cũng không muộn.”

Ngọc Khuyết Thiên Tôn cười khẽ, giọng cười mang theo chút vui mừng khó nhận ra: “Đúng là không muộn. Ta đã chờ mấy vạn năm, con và Quỳ Đàm cuối cùng cũng chờ được tới lúc này. Sau khi thành hôn với Quỳ Đàm, ngôi vị Thiên Tôn Bắc Doanh Thiên sẽ thuộc về con.”

Ông ngừng một chút, giọng bỗng trở lại vẻ uy nghiêm: “Người làm Thiên Tôn phải đặt Bắc Doanh Thiên lên trên hết, không được nhân từ nương tay, cũng không được do dự. Dù là ta, con cũng phải sẵn sàng từ bỏ nếu cần.”

Bạch Tắc khẽ nhắm mắt, giọng không chút gợn sóng: “Vâng.”

Ngọc Khuyết Thiên Tôn không nói thêm. Ánh nến trong điện thoáng chập chờn, thần niệm của ông đã rút khỏi linh đài của Bạch Tắc.

Trong điện vắng lặng không một tiếng động, chỉ có ánh nến chập chờn lay động. Ngoài cửa, Hình Vô không dám lên tiếng, hắn lặng lẽ ôm bộ hôn y đứng chờ dưới hành lang theo lệnh của Bạch Tắc.

Từ trong phòng, một giọng nói bình tĩnh vang lên: “Vào đi.”

Hình Vô đẩy cửa bước vào, lại nghe Bạch Tắc hỏi: “Giờ nào rồi?”

“Bẩm Thiếu Tôn, giờ Mẹo canh ba. Đây là hôn y do Hoài Chuẩn thần quan từ Thần Tổ Điện gửi tới.”

Nội điện đơn sơ đến lạ. Một chiếc bàn gỗ, hai giá nến và vài tấm đệm hương bồ là toàn bộ vật dụng ở đây. Nơi duy nhất có thể đặt bộ hôn y chỉ có chiếc bàn gỗ ấy.

Hình Vô cẩn thận đặt hôn y lên bàn, nhưng Bạch Tắc lại không buồn liếc nhìn lấy một cái.

Lúc này là thời điểm nhập nhoạng, cửa sổ hé mở, từng bông tuyết từ bên ngoài len lỏi tràn vào.

Bạch Tắc khoác áo trắng như sương, ngồi ngay ngắn trên đệm hương bồ. Gương mặt thanh tú, tuấn nhã của hắn được ánh nến chiếu rọi, lẽ ra là sắc màu ấm áp, nhưng lại khiến đôi mày hắn như phủ sương lạnh, toát lên vẻ băng giá xa cách.

Hình Vô chợt nhớ ra, trước khi Bạch Tắc nắm quyền chiến bộ, hắn từng được ca tụng là đệ nhất mỹ nam tử của Đông Tứ Trọng, sánh ngang với Lê Uyên Thiếu Tôn của Tây Tứ Trọng, được gọi là “Song Ngọc Cửu Trọng Thiên”.

Sau này, khi trở thành chiến thần của Bắc Doanh Thiên, các thiên thần khi nhắc đến hắn đều không còn dùng những lời hoa mỹ nữa, mà cung kính gọi một tiếng “Bạch Tắc Thượng Thần”.

Hình Vô vốn là tiên nhân được Bạch Tắc chọn cách đây ba vạn năm rồi từ Tiên Vực thăng lên Cửu Trọng Thiên làm tiên tướng. Ở hạ giới, hắn từng là minh chủ Tiên Minh, nổi danh là người khéo léo, am hiểu nhân tình thế thái. Bạch Tắc đưa hắn đến Bắc Vọng Cung để hỗ trợ Hoài Chuẩn thần quan chuẩn bị đại lễ thành hôn.

Đại lễ thành hôn giữa chiến thần Bạch Tắc và Quỳ Đàm Đế Cơ là sự kiện trọng đại nhất của Cửu Trọng Thiên trong mấy vạn năm qua. Thiệp mời đã được gửi đến chư thiên từ cả ngàn năm trước.

Nhắc đến “thiệp mời”, Hình Vô chợt nhớ ra một việc.

Hắn nhìn Bạch Tắc ngập ngừng nói: “Nam Hoài Thiên đã gửi thư hồi đáp từ hai năm trước, ngày mai Vọng Sầm Thượng Thần sẽ dẫn một đoàn tiên nhân của Nam Hoài Thiên đến dự đại lễ thành hôn của Thiếu Tôn.”

Bạch Tắc nhắm mắt, hắn khẽ “ừ” một tiếng, giọng vẫn không mang theo chút cảm xúc nào. Hình Vô lặng lẽ quan sát sắc mặt Bạch Tắc, do dự không biết có nên nhắc đến chuyện của Phù Tang Thượng Thần hay không.

Ba năm trước, Phù Tang Thượng Thần đã xuất quan từ Hoài Chân Cung. Người mang thư hồi đáp đến là Phù Lê Thiếu Thần, thuộc hạ của Phù Tang Thượng Thần.

Bắc Doanh Thiên và Nam Hoài Thiên từng kề vai chiến đấu trong hai vạn năm. Hình Vô từng được Phù Tang Thượng Thần cứu giúp nhiều lần trong lúc nguy nan, lại quen biết Phù Lê Thiếu Thần từ lâu, nên theo bản năng hỏi thăm vết thương của Phù Tang Thượng Thần.

Hắn không ngờ một câu hỏi xuất phát từ lòng quan tâm lại khiến Phù Lê Thiếu Thần rút kiếm đối đầu, suýt nữa đã động thủ với hắn.

“Hình Vô Thượng Tiên, Bắc Vọng Cung của các ngươi và Hoài Chân Cung chúng ta đã sớm như người dưng nước lã rồi. Thương thế của Thượng Thần nhà ta không cần ngươi bận tâm!”

***

Lời nói đầy oán hận của Phù Lê Thiếu Thần ngày ấy vẫn văng vẳng bên tai, nhưng Hình Vô đến giờ vẫn không hiểu vì sao Bắc Vọng Cung và Hoài Chân Cung lại rơi vào tình cảnh này.

Có phải vì hôn ước giữa Thiếu Tôn và Đế Cơ không?

Hay vì… Thính Ngọc Thượng Tiên đã vũ hóa?

Cảm giác được Hình Vô thất thần, Bạch Tắc mở mắt ra hỏi: “Còn chuyện gì nữa à?”

Hình Vô giật mình hoàn hồn.

Bốn ngàn bảy trăm sáu mươi năm trước, khi Phù Tang Thượng Thần bị thương nặng và bế quan, Bạch Tắc không hề hỏi đến thương thế của nàng. Giờ đây, hắn càng không nhắc đến.

Nếu vậy, Phù Tang Thượng Thần có đến dự hôn lễ hay không, Thiếu Tôn làm sao lại để tâm?

Hình Vô lắc đầu: “Không có việc gì nữa.”

Bạch Tắc lại nhắm mắt: “Đi canh giữ ở Thần Tổ Điện, đến giờ thì gọi ta.”

Hành lang dài nối liền hàng chục cung điện uốn lượn như rồng quanh Trường Dao Sơn. Hàng ngàn viên Quỳnh Phi Châu tỏa ánh sáng vàng nhạt lơ lửng dưới hành lang, ánh sáng mơ màng như sương, ấm áp như mùa xuân.

Nơi cực âm sinh ra cực dương, Quỳnh Phi Châu là chí bảo trời đất được nuôi dưỡng ở nơi cực dương của Bắc Doanh Thiên.

Hoài Chuẩn thần quan từng nói những viên Quỳnh Phi Châu này do chính Bạch Tắc tìm được ở nơi cực dương, chỉ vì Quỳ Đàm Đế Cơ sợ lạnh.

Hoài Chuẩn thần quan còn kể rằng Bạch Tắc và Quỳ Đàm Đế Cơ là thanh mai trúc mã. Nếu không vì Đế Cơ bị thương và ngủ say ba vạn năm, Bắc Vọng Cung hẳn đã có nữ chủ nhân từ lâu rồi.

Hình Vô nhìn những viên Quỳnh Phi Châu rồi bất giác dừng bước. Đi theo Bạch Tắc ba vạn năm, hắn vẫn không hiểu nổi tâm tư của Thiếu Tôn.

Mười ngàn năm đầu khi mới đến chiến bộ Bắc Doanh Thiên, người kề vai chiến đấu với Bạch Tắc trên U Linh Chi Địa luôn là Phù Tang Thượng Thần. Nhưng từ khi Quỳ Đàm Đế Cơ tỉnh lại cách đây hai vạn năm, Phù Tang Thượng Thần và Bạch Tắc dần trở thành người dưng.

Khác với Thiên Khư, chiến bộ Nam Hoài Thiên phần lớn là tiên nhân phi thăng từ Tiên Vực. Cùng là tiên nhân phi thăng, Hình Vô rất thân thiết với Nam Hoài Thiên, thậm chí còn từng thầm tiếc nuối vì người định hôn ước với Bạch Tắc không phải là Phù Tang Thượng Thần.

Nếu người thành hôn với Bạch Tắc là Phù Tang Thượng Thần, có lẽ Bắc Doanh Thiên và Nam Hoài Thiên giờ đây đã có một cảnh tượng khác.

Đứng lặng yên hồi lâu, Hình Vô bỗng lắc đầu thở dài, tự hỏi bản thân đang nghĩ ngợi lung tung gì vậy?

Ngày mai…

Ngày mai là mùng chín tháng ba.

***

Mùng chín tháng ba là ngày tốt để gả cưới, hoặc độ kiếp.

Nghe nói ngày này đúng độ cảnh xuân tươi sáng, vạn vật sinh sôi, là ngày hoàng đạo được Hoa Thượng Thần của Thái Hư Thiên xem xét suốt gần vạn năm trong lịch thiên miện, đặc biệt chọn cho Bạch Tắc Thượng Thần và Quỳ Đàm Đế Cơ.

Ngày này cũng là ngày Phù Tang chọn để vũ hóa.

Từ khi xuất quan, mỗi ngày nàng đều bói một quẻ, kết quả luôn là ba chữ: Tam, Cửu, Thần.

Mùng chín tháng ba, giờ Thìn.

Quả không hổ là ngày hoàng đạo tốt nhất trong cả vạn năm, không chỉ hợp gả cưới, độ kiếp, mà còn hợp để hiến tế, hợp để vũ hóa.

Nếu có thể lựa chọn, Phù Tang thực sự không muốn vũ hóa trùng ngày với đại lễ của Bạch Tắc và Quỳ Đàm.

Chọn đúng ngày như vậy, hành động hiến tế cho Sinh Tử Thụ của nàng vốn oai hùng lẫy lừng, e là sẽ bị các vị thần tiên lắm chuyện thêu dệt thành một câu chuyện tình bi ai. Với tính cách của đám thần tiên ấy, đây chắc chắn sẽ là một câu chuyện bi tình đầy oán hận.

Nhưng chẳng phải nàng không còn lựa chọn nào nữa sao?

Nếu không còn lựa chọn, thì cứ để ngày ấy diễn ra trùng hợp đi.

Dù sao ngày mai nàng cũng sẽ thân tiêu đạo vong rồi tan biến hoàn toàn. Những câu chuyện bi ai ngoài kia có liên quan gì đến nàng nữa đâu? Chẳng lẽ còn có thể kéo chân linh đã mất của nàng trở về để hỏi tại sao lại chọn ngày này để hiến tế sao?

Thôi, kệ đi.

Phù Tang lật tay gõ gõ lên mảnh mai rùa, đầu ngón tay khẽ chạm vào lá bùa trên bàn. Lá bùa cứ thế không cần lửa cũng tự bốc cháy, trong chớp mắt hóa thành một làn khói mỏng tan biến không để lại dấu vết.

Làm xong tất cả, nàng vừa định đẩy cửa bước ra ngoài, thì từ bên ngoài bỗng vang lên tiếng nước chảy quen thuộc kèm theo giọng nói chuyện.

“Ngày mai là đại lễ thành hôn của hai vị ấy, hai ngày này chúng ta phải canh chừng cẩn thận, đừng để thượng thần nghe được mấy tin đồn nhảm nhí kia,” một giọng nói trong trẻo, lạnh lùng chậm rãi cất lên.

Một giọng khác lanh lảnh như chim hoàng oanh lập tức chen vào, nghiến răng nghiến lợi: “Bổn Thiếu Thần đã đính chính tin đồn bao nhiêu lần rồi! Hễ cứ nhắc đến hai vị ấy, thế nào cũng có kẻ ngu ngốc vội vàng lôi Thượng Thần nhà ta vào! M*! Thật là xui xẻo tám đời!”

Nghe Mãn Sương và Phù Lê đang phẫn nộ mắng chửi, Phù Tang lặng lẽ rút tay về, quyết định chờ hai người họ trút hết cơn bực dọc rồi mới ra ngoài.

Về “hai vị ấy” mà họ nhắc đến, Phù Tang đương nhiên biết là ai. Chẳng phải chính là Bạch Tắc Thượng Thần của Bắc Doanh Thiên và Quỳ Đàm Đế Cơ của Thiên Khư, hai người ngày mai sẽ cử hành đại lễ thành hôn sao?

Còn về những tin đồn mà Mãn Sương nhắc tới, toàn là chuyện cũ rích từ bao nhiêu năm trước, sao mà vẫn còn được truyền đi thế nhỉ? Phù Tang chỉ biết thở dài bất đắc dĩ.

Nhắc đến chuyện cũ giữa Phù Tang và Bạch Tắc thì phải lật lại tận năm vạn năm trước.

Năm vạn năm trước, vào một ngày hoàng đạo đầu xuân, Thiên Tôn bói được rằng hộ đạo giả của Sinh Tử Thụ đã xuất hiện. Lúc ấy, Bạch Tắc đang tạm trú ở Nam Hoài Thiên, liền thay bà đến bên dòng Minh Uyên, đánh thức hộ đạo giả của Sinh Tử Thụ và đưa về Nam Hoài Thiên.

Hộ đạo giả ấy chính là Phù Tang.

Sư tôn nói rằng nàng vừa ra đời đã được đưa về Nam Hoài Thiên, nhưng Phù Tang luôn cảm thấy mình đã ngủ say trong dòng Minh Uyên rất lâu. Lâu đến mức nàng vẫn nhớ rõ sự u tịch lạnh lẽo và tăm tối vô biên dưới dòng nước ấy.

Đêm Bạch Tắc dùng sáo thần mộc đánh thức nàng, khoảnh khắc nàng mở mắt ra, điều đầu tiên nàng thấy chính là ánh sáng.

Đó là ánh trăng sáng ngời lấp lánh trên mặt nước. Nàng theo ánh sáng mà đi, phá nước trồi lên, và rồi dáng hình Bạch Tắc thanh thoát như tuyết, hòa cùng ánh trăng hiện lên trong mắt nàng.

Sau này, Phù Tang thường trêu chọc Bạch Tắc, nói rằng khi nàng mới sinh ra giữa trời đất, hình ảnh đầu tiên nàng thấy chính là hắn, hỏi hắn có cảm thấy vinh hạnh không?

Bạch Tắc có cảm thấy vinh hạnh hay không thì không ai biết, nhưng từ ngày ấy, Phù Tang đã bắt đầu hành trình của mình trong Thần tộc.

Là hộ đạo giả của Sinh Tử Thụ hay còn gọi là Sinh Tử Mộc, Phù Tang từ khi sinh ra đã mang thần lực mạnh mẽ của Thần tộc. Nhưng dù sở hữu thần lực, nàng lại không biết cách sử dụng. Sư tôn liền dứt khoát để Bạch Tắc dạy nàng kiếm pháp và đạo thuật.

Lý do là người trẻ dạy người trẻ sẽ dễ nói chuyện hơn, không có khoảng cách thì học cũng nhanh hơn.

Bạch Tắc Thượng Thần là thiên quân trẻ tuổi xuất sắc nhất, chưa đầy hai vạn tuổi đã trở thành chiến thần Bắc Doanh Thiên, uy danh lẫy lừng. Giao Phù Tang cho hắn dạy tất nhiên là đúng chuẩn mực.

Nhưng Bạch Tắc Thượng Thần lẫy lừng ấy lại chẳng phải người dễ gần. Khi dạy Phù Tang, hắn nghiêm khắc đến mức có thể nói là tàn nhẫn, luyện tập như thể muốn nàng kiệt sức đến không chết thì không ngừng.

Bạch Tắc dạy nàng đứt quãng mấy trăm năm. Mấy trăm năm ấy thật sự khổ không lời nào tả xiết. May mà lúc đó nàng mới sinh ra, đối với mọi thứ đều thấy mới mẻ, dù luyện kiếm đến mình đầy thương tích cũng không kêu ca lời nào.

Sau đó, Bạch Tắc nhận chiếu lệnh dẫn chiến bộ Bắc Doanh Thiên đến U Linh Chi Địa.

Mấy ngàn năm sau đó, Phù Tang không hề gặp lại Bạch Tắc lần nào.

Lúc ấy, sư tỷ Vọng Sầm Thượng Thần đã trở về, nàng không chỉ tiếp quản nhiệm vụ dạy Phù Tang kiếm pháp và đạo thuật, mà còn lén đưa sư muội xuống Tiên Vực tìm người giao đấu.

Dưới Cửu Thiên có hai mươi bảy Tiên Vực, nơi sinh sống của nhiều tu sĩ Nhân tộc phi thăng từ phàm giới. Những tu sĩ này không nói về tài năng khác, nhưng bản lĩnh đánh nhau thì thực sự lợi hại, khiến Phù Tang được mở rộng tầm mắt một phen.

Lang thang ở Tiên Vực mấy ngàn năm, trải qua hàng vạn trận chiến, Phù Tang cuối cùng cũng thông thạo thần lực của mình, và có đủ tự tin để đến U Linh Chi Địa.

Sau mấy lần đại kiếp nạn của Thiên giới, trên chiến trường cổ vẫn còn sót lại không ít di chỉ thần rơi rụng khắp nơi. Những di chỉ này bị phong ấn ở U Linh Chi Địa nằm ngoài Cửu Thiên.

Đến U Linh Chi Địa, tru sát uế vật và tinh lọc di chỉ thần vẫn là sứ mệnh khắc sâu trong chân linh của mọi Thần tộc.

Lần đầu tiên Phù Tang đến U Linh Chi Địa là lúc nàng vừa tròn tám ngàn tuổi. Người dẫn nàng đi chính là Bạch Tắc.

Đó là lần đầu tiên nàng gặp lại Bạch Tắc sau mấy ngàn năm xa cách.

Chiến thần trẻ tuổi khi đó vận áo trắng như tuyết, đứng trên một con thuyền kiếm ngân bạch khổng lồ, hỏi nàng: “Đã chuẩn bị xong chưa?”

Gương mặt hắn chẳng khác xưa, chỉ có khí tức trên người vì được tôi luyện từ núi thây biển máu mà càng thêm lạnh lùng nghiêm nghị, đồng thời mang chút xa cách như đẩy mọi thần tiên ra xa ngàn dặm.

Sự xa cách ấy chẳng thể làm Phù Tang chùn bước. Nàng nhét linh đan và linh bảo mà sư tỷ chuẩn bị vào vòng càn khôn, cười tươi đáp: “Chuẩn bị xong rồi.”

Nói là chuẩn bị xong, nhưng khi thực sự đối mặt với một con sát thú viễn cổ trên U Linh Chi Địa, Phù Tang vẫn bị sức chiến đấu đáng sợ của nó làm cho kinh hãi.

Người ta nói U Linh Chi Địa nguy hiểm vô cùng, dù là thiên quân trời sinh mang thần lực, chỉ cần sơ suất cũng có thể vũ hóa.

Quả là nói không ngoa chút nào.

Trong thời kỳ xảy ra đại kiếp nạn, những Thần tộc và hung thú vũ hóa trên U Linh Chi Địa đã bị oán khí tử vong và khí tức hung thần ăn mòn qua hàng trăm triệu năm, sớm đã mất đi linh trí rồi trở nên hung tợn và không hề biết sợ.

Nhưng Phù Tang khi đánh nhau còn hung hãn hơn cả chúng. Ngay trận đầu, nàng đã dám cầm kiếm đối đầu trực diện, dùng cách đánh đổi thương tích lấy thương tích, đấu với con hung thú ấy suốt cả trăm ngày đêm, cuối cùng chặt phăng đầu nó.

Nàng giết chóc hung tợn như vậy, suýt chút nữa làm cả đám chiến tướng của Bắc Doanh Thiên kinh ngạc đến rớt cả cằm.

Chuyến rèn luyện này kéo dài cả ngàn năm. Sau khi tiêu diệt hết đám sát vật, mấy chục mảnh di chỉ trên U Linh Chi Địa hóa thành hư vô, biến thành những vòng xoáy cỡ nắm tay.

Khi rời đi, Phù Tang nhìn về phía vùng đất u ám dần xa kia, tâm trí bỗng trở nên mơ màng.

Nàng không hiểu một nơi không ánh sáng, không hình dạng, vô hình vô chất như thế, sao lại khiến nàng vô thức cảm thấy quen thuộc? Quen thuộc đến mức trong một khoảnh khắc, thần lực trong cơ thể nàng sôi trào, lửa nóng bùng lên, chỉ muốn một kiếm chém tan vùng đất tĩnh mịch thê lương từ thời thượng cổ này.

Như thể được khai mở, ý niệm đó trong một khoảnh khắc ấy thông suốt toàn thân, giúp nàng thấu triệt được bản tâm.

Phù Tang đột nhiên hiểu ra thiên mệnh của mình.

Nàng vội vàng quay đầu lại: “Bạch Tắc, trước khi về Nam Hoài Thiên, ta muốn đến Bia Phương Thiên trước.”

Nói xong, nàng nở nụ cười rạng rỡ, niềm vui trong mắt như muốn tràn ra: “Ta cuối cùng cũng tìm được thiên mệnh của mình!”

Trên kiếm thuyền, ánh sáng từ chiếc đèn đồng cổ treo lơ lửng chiếu sáng gương mặt nàng khi nàng quay đầu. Đôi mắt đen nhánh của nàng lại phản chiếu đôi mắt bình lặng không gợn sóng của Bạch Tắc.

Vị thần quân trẻ tuổi im lặng một lúc, cũng không hỏi nàng đến Bia Phương Thiên làm gì hay đã ngộ ra thiên mệnh gì, chỉ nhàn nhạt đáp: “Ừ.”

Hắn vừa đồng ý, Phù Tang lại đổi ý: “Thôi, hay là đưa ta về Nam Hoài Thiên trước đã. Không thể mặc chiến bào của Bắc Doanh Thiên các ngươi mà đến Bia Phương Thiên lập thiên mệnh được.”

Chiến bào của các chiến bộ Cửu Thiên đều là linh bảo thần giai, không bị nước lửa xâm phạm, thần binh bình thường cũng chẳng thể làm rách được nó.

Khi đến đây, sư tỷ đã chuẩn bị cho Phù Tang không ít chiến bào. Nhưng nàng đánh nhau quá hung hãn, chiến bào mang theo đều bị làm hỏng hết, đành mặt dày mượn của Bạch Tắc mấy bộ.

Chiến bào của Bắc Doanh Thiên có màu trắng thuần lạnh nhạt, tựa như tuyết phủ quanh năm không tan trên Trường Dao Sơn, lạnh lẽo thấu xương.

Khác với chiến bào của Nam Hoài Thiên, áo màu xanh lam nhạt, đai lưng màu xanh lục đậm, tay áo và vạt áo đều thêu hoa cỏ tiên cảnh tinh xảo. Nhìn thoáng qua đã thấy tràn đầy sức sống, hệt như mùa xuân ở Nam Hoài Thiên.

Phù Tang cúi đầu vuốt sợi ngân long trên đai lưng màu lam nhạt, lẩm bẩm: “Vẫn là chiến bào của Nam Hoài Thiên chúng ta đẹp hơn. Không chỉ đẹp mà còn không sợ bẩn. Không chỉ không sợ bẩn, mà nhìn lâu còn tốt cho mắt.”

“…”

Bạch Tắc rũ mắt, chọn cách im lặng không nói gì.

Kiếm thuyền đưa Phù Tang về Hoài Chân Cung, sau đó đi thẳng về hướng bắc, chậm rãi bay về Trường Dao Sơn. Đám chiến tướng vừa đến Trường Dao Sơn liền nghe chín tiếng chuông vang lên từ Bia Phương Thiên, vang vọng khắp Cửu Trọng Thiên bốn trăm chín mươi chín nhịp ngân.

“Chín tiếng Minh Thiên Chung?!”

Đám chiến tướng ai nấy đều kinh ngạc: “Là vị thiên thần nào đến Bia Phương Thiên nhận thiên mệnh, tấn vị lên Thượng Thần thế?”

So với đám chiến tướng vừa kinh ngạc vừa hâm mộ bên dưới, thần sắc của Bạch Tắc trước sau vẫn duy trì vẻ bình tĩnh. Hắn lặng lẽ ngước mắt, đôi đồng tử nhạt màu không lộ chút cảm xúc nào.

Bầu trời xanh thẳm thoáng chốc hiện ra một bóng hư ảnh khổng lồ của Bia Phương Thiên. Hư ảnh lóe lên ánh kim chói mắt, khi ánh sáng tan đi, trên bia hiện lên mấy chữ vàng rực rỡ .

[Nam Hoài Thiên, Phù Tang.]

***

Hai vạn năm trước, Bạch Tắc của Bắc Doanh Thiên khi mới mười hai ngàn tuổi, đã vượt qua khảo nghiệm thiên mệnh tại Bia Phương Thiên, tấn vị lên Thượng Thần và được ca tụng là thiên tài hiếm có.

Hai vạn năm sau, Phù Tang của Nam Hoài Thiên khi vừa tròn mười ngàn tuổi, cũng vượt qua khảo nghiệm thiên mệnh tại Bia Phương Thiên đồng thời trở thành Thượng Thần trẻ nhất của Cửu Trọng Thiên trong hàng trăm triệu năm.

Đúng là chuyện tốt đến thành đôi. Ngày ấy, Phù Tang không chỉ tấn vị lên Thượng Thần, mà còn được Nam Mộc Lệnh nhận chủ, trở thành chiến chủ của chiến bộ Nam Hoài Thiên và là chiến chủ trẻ nhất trong Cửu Trọng Thiên.

Nắm quyền chiến bộ Nam Hoài Thiên trong bốn vạn năm, Phù Tang chém giết vô số hung thần chi vật, gột rửa vô số di chỉ thần. Ngay cả chiến bộ Nam Hoài Thiên, vốn bị chư thần cười nhạo là yếu kém nhất cũng dần vươn lên, xếp hạng theo đó không ngừng tăng vọt.

Nam Hoài Thiên và Bắc Doanh Thiên vốn có mối quan hệ qua lại tốt đẹp, hai chiến bộ thường xuyên liên thủ tác chiến trên U Linh Chi Địa nhiều nhất. Phù Tang từng nghĩ nàng và Bạch Tắc sẽ kề vai chiến đấu đến khi cả hai vũ hóa. Nhưng không ngờ, hai vạn năm trôi qua trong chớp mắt, người đứng bên Bạch Tắc lại không còn là nàng nữa.

Vì Quỳ Đàm Đế Cơ, sau ba vạn năm ngủ say cuối cùng đã tỉnh lại.

 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play