Hôm sau, Cố Thanh Huyền dậy sớm ra sân luyện quyền.

Hứa Chư ôm khăn tay đứng một bên hầu hạ.

Đợi chủ tử nhà mình luyện xong một bộ quyền pháp, y mới dâng khăn lên.

Cố Thanh Huyền đưa tay nhận lấy, lau đi lớp mồ hôi mỏng trên trán, cả người trở nên thanh tỉnh sảng khoái.

Sau đó, Hứa Chư mang nước ấm tới. Y tiếp nhận nhấp hai ngụm, rồi đi đến phòng tắm rửa ráy.

Trịnh thị chuẩn bị một bộ áo bào xám lam đưa lên, nhưng bị Cố Thanh Huyền ghét bỏ.

Y không ưa màu sắc quá rực rỡ, cảm thấy tùy tiện không đủ đoan trang, liền tự chọn một bộ bào sam tay bó cổ tròn màu xanh thẫm thêu họa tiết hoa sen phối với ủng quan và ngọc quan, vậy là đủ.

Dù không mặc quan bào nghiêm chỉnh, vẻ đoan chính nhã nhặn của y vẫn không hề suy giảm.

Cố Thanh Huyền đứng trước gương chỉnh y phục. Bộ áo xanh thẫm trầm ổn tôn lên dáng vẻ thanh lãnh tuấn tú, gương mặt đường nét rõ ràng dần thấm đượm nét hào hoa phong nhã. Thân hình y thẳng tắp, phong thái tao nhã, từ trong xương cốt toát lên sự tự phụ phóng khoáng.

Y từ nhỏ lớn lên trong phủ hầu, ngôn hành cử chỉ đều chịu sự hun đúc của sĩ tộc. Khi ăn cơm không được phát ra tiếng động, nói chuyện phải nhẹ nhàng nhỏ nhẹ, tránh cao giọng hét lớn, càng kiêng kỵ thất thố trước mặt người khác.

Thói quen sinh hoạt từ bé đã khắc sâu vào xương cốt. Dù là dáng vẻ hay sự tự kiềm chế, y đều kiểm soát rất tốt, không để lộ chút sai sót nào.

Quý tộc coi trọng thể diện. Y xưa nay không để hỷ nộ hiện lên mặt, cảm xúc duy trì ổn định, không đặc biệt thích gì, cũng không quá chấp nhất điều gì. Nội liễm tao nhã, hành sự thận trọng, y sống đúng với hình mẫu con cháu thế gia trong kinh thành nên có.

Phải có gia phong tốt đẹp cùng giáo dưỡng tinh tế mới tạo nên một quân tử thanh chính khiêm nhường như vậy.

Buổi sáng giờ Tỵ một khắc, giám sử Thẩm Chính Khôn đến bái phỏng.

Ông ta chừng bốn mươi lăm tuổi, mặt chữ điền trắng trẻo ít nếp nhăn, để râu cá trê, dáng người cao gầy. Ông mặc một bộ áo xanh đen, khoác áo ngoài màu đen giản dị.

Hứa Chư dẫn ông đi đến Tây Viên. Thẩm Chính Khôn khoanh tay bước theo, phía sau là một gã sai vặt trẻ tuổi.

Đợi chủ tớ đến Tây Viên, Hứa Chư mời họ vào chính đường.

Chẳng bao lâu, Cố Thanh Huyền từ thư phòng bước sang. Thẩm Chính Khôn thấy y, vội đứng dậy hành lễ: “Cố xá nhân.”

Cố Thanh Huyền cũng đáp lễ: “Thẩm ngự sử.” Nói xong, y làm động tác “mời”, hai người lần lượt ngồi xuống.

Tỳ nữ nhanh nhẹn bước lên dâng trà.

Hai người trò chuyện một lúc về phong tục và nhân tình ở Thường Châu. Trong viện, người làm tạp vụ đông đúc không tiện bàn chính sự, Cố Thanh Huyền liền mời ông vào thư phòng.

Lần này cả hai đến Thường Châu, bề ngoài Thẩm Chính Khôn là người đứng đầu, nhưng thực chất Cố Thanh Huyền mới là tâm phúc của thánh nhân.

Thẩm Chính Khôn tự biết không thể gặm nổi cục xương cứng là đám buôn muối ở Thường Châu, bèn cầu xin thánh nhân chỉ đường.

Thánh nhân cân nhắc kỹ lưỡng, thấy tổ tiên Trung Dũng Hầu phủ Cố gia vốn là người Thường Châu, liền đại phát từ bi, phong cho Cố Thanh Huyền danh hiệu Tuần muối ngự sử, ném y đến đây.

Trung Dũng Hầu nghe tin này thì hoảng hốt, vốn không muốn đắc tội ai, đích thân đi cầu xin hai lần, nhưng cả hai đều bị thánh nhân từ chối, tránh mặt không gặp.

Cố Thanh Huyền bất đắc dĩ trở thành lưỡi dao của thánh nhân để chỉnh đốn nha môn muối vụ.

Thẩm Chính Khôn đến trước y hai ngày, cẩn thận kể lại thái độ của Giám Viện, có vẻ người trong viện đã tính toán sẵn trong lòng, không hề sợ bị họ tra xét.

Cố Thanh Huyền bị giọng điệu của ông chọc cười, bưng chén trà lên nói: “Việc này thánh nhân đã trì hoãn cả năm nay. Dù họ có sơ hở, cũng sớm đã vá víu xong xuôi, sao có thể để Thẩm ngự sử nắm được thóp?”

Thẩm Chính Khôn bất đắc dĩ đáp: “Ta xem qua sổ sách Giám Viện trình lên, từng khoản đều chu toàn, thật không thấy điều gì bất thường. E là chuyến này phải tốn chút tâm sức.”

Cố Thanh Huyền “ừm” một tiếng. Y không vội vàng chút nào, thong dong nói: “Thường Châu cũng khá tốt, ở lâu thêm một thời gian cũng không sao.”

Thẩm Chính Khôn: “???”

Cố Thanh Huyền: “Cứ thong thả chờ. Đợi lâu một chút, họ sẽ không thể chờ mà tìm cách đá chúng ta về kinh báo cáo.”

Thấy y chắc chắn như vậy, Thẩm Chính Khôn cũng thoáng yên tâm.

Hai người trò chuyện trong thư phòng hồi lâu, rồi Cố Thanh Huyền dẫn ông đi dạo trong vườn.

Tổ trạch Cố gia chiếm diện tích cực lớn, gần như rộng bằng nửa con phố Trường Xuân.

Họ bắt đầu đi từ Tây Viên. Trên hành lang dài treo lồng chim thu hút sự chú ý của Thẩm Chính Khôn. Con bát ca trong lồng hót líu lo, còn biết nói vài câu chúc phúc đơn giản, chọc ông bật cười.

Dọc hành lang dài đi đến Như Ý Môn, bên đó là một mảng trúc xanh mướt.

Cạnh cửa tròn, chuối tây xanh tươi um tùm, từng bụi trúc bị giam trong khoảng đất vuông vức, nhẹ nhàng lay động dưới nắng, in bóng đậm nhạt lên tường cũ kỹ đầy dấu thời gian.

Dưới bóng trúc, lối nhỏ quanh co uốn lượn dẫn đến Mai Hương Viên. Trên đá phiến, rêu xanh mọc tràn lan. Gió nhẹ thoảng qua, lá trúc xào xạc rất khẽ, khiến lối nhỏ toát lên vẻ sâu thẳm yên tĩnh.

Thẩm Chính Khôn vuốt râu khen ngợi: “Người ta nói Lâm viên Cố phủ là một trong bảy nhà nổi bật nhất Thường Châu. Hôm nay được thấy, quả nhiên nơi đâu cũng lộ vẻ thanh nhã độc đáo.”

Cố Thanh Huyền mím môi cười: “Ta đã nhiều năm không về, cũng như Thẩm ngự sử, thấy lạ mà thích.”

Hai người bước vào lối nhỏ, đi đến Mai Hương Viên. Cố Thanh Huyền chỉ cảm thấy cảnh vật quanh mình vừa quen vừa lạ. Từ khi đến đây, y chưa từng dạo kỹ, hôm nay mới là lần đầu.

Cuối lối nhỏ là một cánh cửa Bảo Bình. Qua cửa ấy là Mai Hương Viên trồng đầy cây mai. Chúng nở rộ vào đầu xuân, giờ đã tàn hết, chỉ còn hương mai thoảng lưu lại.

Do cây mai được trồng từ lâu, có gốc đến vài chục năm, mỗi cây mang một dáng vẻ độc đáo, đầy phong tư vận cốt.

Thẩm Chính Khôn yêu mai. Cố Thanh Huyền làm chủ, tặng ông một cây. Ông vui mừng khôn xiết, không chút ngượng ngùng nhận lấy.

Mai mang ngạo cốt, vượt tuyết băng giá. Thẩm Chính Khôn dù quan phẩm không cao, lại là một nhân vật thanh lưu, tự xem mình là phong nhã quân tử. Đối với người như vậy, Cố Thanh Huyền không hề keo kiệt.

Sau đó, hai người dạo qua Phong Hà Trai và các nơi khác, cuối cùng mới đến Liên Vân Thủy Tạ.

Bên thủy tạ trồng nhiều hải đường. Năm nay hoa nở sớm, phấn hồng đua nhau khoe sắc, thu hút ong mật bướm lượn lờ.

Cố Thanh Huyền mở tiệc ở thủy tạ. Đám nha hoàn bận rộn thấy hai người đến, đều cúi mình hành lễ.

Hai người bước vào rừng hải đường. Ánh nắng xuân dịu dàng, hương hoa thơm ngát nhẹ nhàng lan tỏa khiến lòng người say mê.

Tô Mộ đang chuẩn bị trái cây ở thủy tạ lén nhìn họ. Ánh mắt nàng rơi trên người Hứa Chư, trong lòng thầm đánh bàn tính nhỏ.

Trịnh thị không cho nàng cơ hội gần Cố Thanh Huyền. Vậy thì nàng sẽ dồn sức vào Hứa Chư. Tiểu tử kia trông hoạt bát thân thiện, chắc sẽ dễ nói chuyện hơn Trịnh thị.

Quyết định xong, Tô Mộ thu tầm mắt về, tiếp tục công việc được giao.

Đến giờ Ngọ, các chủ tử trở lại thủy tạ. Bàn ăn lúc này đã được bày sẵn.

Cố Thanh Huyền làm động tác “mời”. Hai người lần lượt ngồi xuống trước bàn.

Hứa Chư nhận chậu đồng từ tay Đông Hương, đưa cho chủ tử rửa tay. Bên kia, Thẩm Chính Khôn được gã sai vặt của mình hầu hạ.

Tô Mộ dâng khăn sạch. Nhưng Thẩm Chính Khôn nhận lấy lau tay.

Đám tỳ nữ bắt đầu dọn món. Đầu tiên là món nguội khai vị gồm rau hẹ trộn, rau kim châm trộn, lưỡi vịt xào, và dương xỉ rêu quấy, đều đựng trong đĩa nhỏ, cũn không bày nhiều.

Rượu dâng lên tên là Tùng Lao Xuân.

Cố Thanh Huyền lại nói “mời”. Hai người bắt đầu động đũa.

Thẩm Chính Khôn trước tiên nếm một miếng rau kim châm. Vị giòn mát, thơm ngon, còn thoảng hương cam, rất hợp ý ông.

Hai người tính tình hợp nhau, nhân hứng xuân mà chơi trò phi hoa lệnh.

Hứa Chư đứng bên rót rượu trợ hứng, không khí buổi tiệc lập tức nhẹ nhàng sinh động.

Nhà bếp lần lượt dâng món chính lên có ba ba om đường phèn, thịt hầm nước mật, hải sâm hầm….

Người Thường Châu thích ngọt. Đường phèn và nước mật đều thuộc vị ngọt. Thẩm Chính Khôn là người Càn Châu, có phần không quen, nhưng phong tục mỗi nơi mỗi khác, ông vẫn muốn nếm thử.

Vừa rồi uống rượu, Hứa Chư dâng hải sâm hầm để Cố Thanh Huyền lót dạ. Y chỉ dùng nửa miếng rồi dừng lại.

Trên bàn, bình hoa cắm vài cành hải đường. Một con bướm trắng bay đến trộm hương. Thẩm Chính Khôn cười nói: “Văn Gia, ngươi xem, con bướm này thật thú vị.”

Văn Gia là tên chữ của Cố Thanh Huyền. Y nhìn thoáng qua con bướm ấy.

Con bướm lưu luyến trên hoa hải đường một lúc, rồi bay sang Đông Hương, lượn một vòng, lại đậu lên vai Tô Mộ. Nàng muốn đuổi nó đi, nhưng sợ làm mất hứng các chủ tử, chỉ đành liếc nó đầy ghét bỏ.

Hành động này chọc Hứa Chư bật cười.

Tô Mộ trừng mắt nhìn hắn, rồi thấy Cố Thanh Huyền cũng đang nhìn mình.

Ánh mắt hai người chạm nhau. Nàng vội cúi đầu né tránh. Con bướm bay một vòng quanh thủy tạ, rồi mất hút trong rừng hải đường.

Thẩm Chính Khôn như nhớ ra gì đó, nói: “Nghe đồn tổ tiên Cố phủ có cây đàn năm dây tên ‘Thương Hải Long Ngâm’, truyền từ thời Chu triều đến nay, đã bảy tám trăm năm. Có thật không?”

Cố Thanh Huyền lấy lại tinh thần thu tầm mắt khỏi Tô Mộ, đáp: “Trong phủ đúng là có cây ‘Thương Hải Long Ngâm’. Cũng khéo, nó đang ở tổ trạch. Nếu Thẩm huynh hứng thú, lát nữa ta sẽ dẫn ngươi đi xem.”

Thẩm Chính Khôn vỗ đùi kích động: “Vậy thì tuyệt quá! Hôm nay đúng là được mở rộng tầm mắt!”

Cây đàn cổ ấy được lưu giữ trong từ đường Cố gia. Hứa Chư nhận lệnh, đi đến từ đường mang nó về.

Trong lúc hai người trò chuyện về lai lịch “Thương Hải Long Ngâm”, đám tỳ nữ lần lượt dâng món nóng lên gồm măng xuân xào dầu, canh cua gà, thịt dê nướng, cá lư chưng, và canh tôm.

Thẩm Chính Khôn thích măng bèn gọi riêng một bát cơm gạo tẻ để ăn kèm.

Măng xuân tươi giòn, thịt dê nướng thơm dầu mè, đậm đà hương ngũ vị cay nồng.

Người Càn Châu thích cay. Thịt dê nướng đặc biệt hợp ý Thẩm Chính Khôn. Nhưng Cố Thanh Huyền có khẩu vị thanh đạm, hầu như không đụng đến món ấy. Y thấy canh tôm có hương vị không tệ, thơm ngon mượt mà, thịt tôm dai giòn, bèn dùng một bát nhỏ.

Đợi hai người ăn gần xong món nóng, nhà bếp lại dâng lên món tráng miệng là canh nấm tuyết, trà sữa, và bánh táo đỏ.

Cố Thanh Huyền yêu thích trà sữa đúng kiểu Thường Châu. Từ nhỏ, y thường đến phòng tổ mẫu xin trà sữa uống, vì nhà bếp bên đó đặc biệt mời thợ nữ từ Thường Châu làm.

Hôm nay nếm lại hương vị quê nhà quen thuộc, lòng y dâng lên vài phần cảm xúc. Ký ức lập tức bị kéo về xa xưa, khi tổ phụ còn khỏe mạnh. Hồi ấy, y còn để tóc chỏm, ngồi trong lòng tổ phụ, nghịch râu ông bị mẫu thân quở trách.

Nghĩ đến ngày bé đã qua, ánh mắt Cố Thanh Huyền vô tình rơi trên mặt Tô Mộ. Cô nương ấy quả thật giống biểu muội Hoa Lan, chỉ là khuôn mặt nàng đầy đặn và trắng trẻo hơn chút.

Tỳ nữ dâng lên quýt tiến cống và bánh quả hồng làm trái cây. Buổi tiệc này sau đó mới dần đến hồi kết.

Hai người ngồi ở thủy tạ một lát. Hứa Chư mang “Thương Hải Long Ngâm” đến. Đó là một cây đàn năm dây kiểu Phục Hy.

Đầu đàn chạm hình rồng, thân đàn ngăm đen cổ kính, đường nét ưu nhã mượt mà. Do đã lưu giữ lâu năm, thân đàn có nhiều chỗ hư hại, vài mảng sơn đã bong tróc, chỉ còn lờ mờ thấy hoa văn rồng và mây xưa.

Nó khác hẳn với đàn bảy dây thịnh hành hiện nay, trông hẹp và dài hơn.

Thẩm Chính Khôn nhìn “Thương Hải Long Ngâm” trên bàn, tấm tắc khen mới lạ.

Cố Thanh Huyền vươn ngón tay khẽ gảy dây đàn. Một âm thanh dày nặng mang hơi thở xưa cũ “tranh” vang lên từ dây đàn, sâu thẳm mà đầy ý vị.

Thẩm Chính Khôn ngứa lòng, vốn muốn học đòi phong nhã một phen, nhưng tiếc là ông chỉ học đàn bảy dây. Loại đàn năm dây này giờ ít ai biết chơi.

“Âm sắc rất tốt, chỉ tiếc năm dây ta đành bó tay.”

Cố Thanh Huyền nói: “Đàn năm dây ta từng học qua, nhưng không quá tinh thông.”

Thẩm Chính Khôn nghe vậy thì hứng khởi: “Hôm nay Thẩm mỗ may mắn được thấy phong thái của Văn Gia chăng?”

Cố Thanh Huyền mím môi, chần chừ một lát mới đáp: “Vậy thì thử một lần.”

Rửa tay dâng hương, gió nhẹ từ hồ thổi tới, lay động hàng liễu đón gió nhảy múa. Y ngồi ngay ngắn trước đàn, thử vài âm tiết, rồi nói: “Văn Gia xin bêu xấu, sẽ đàn bài ‘Thương Hải Long Ngâm’ tổ mẫu dạy ta. Lâu rồi chưa chạm đến đàn năm dây, mong Thẩm huynh đừng chê.”

Thẩm Chính Khôn vuốt râu cá trê, cười: “Hôm nay được thấy ‘Thương Hải Long Ngâm’ đã là vạn hạnh. Lại còn nghe Văn Gia hiến âm, đúng là hạnh phúc trong hạnh phúc!”

Cố Thanh Huyền cười đáp: “Thẩm huynh chớ nịnh hót.”

Hai người trêu đùa vài câu, rồi Cố Thanh Huyền bắt đầu gảy đàn.

Tổ tiên Cố gia là dòng dõi quý tộc điển hình. Tổ mẫu Cố lão phu nhân xuất thân từ Hà Đông Bùi thị danh môn đại tộc, trải qua sáu triều không suy. Nữ tử được nuôi dưỡng trong nhà như vậy đương nhiên tinh thông cầm kỳ thư họa.

Cố Thanh Huyền là con trai trưởng của Hầu phủ, tài học không thể thiếu sự hun đúc của dòng dõi. Từ nhỏ, y chịu sự rèn giũa của Cố lão phu nhân, dù là tài nghệ hay tình cảm, đều mang ảnh hưởng sâu đậm từ bà.

“Thương Hải Long Ngâm” được thờ trong từ đường, từng chứng kiến sự hiển hách và hưng thịnh của Hà Đông Bùi thị, lại là của hồi môn của Cố lão phu nhân. Từ khi tổ phụ qua đời, nó mới bị phong kín trong từ đường Cố gia.

Giờ đây, sau nhiều năm, Cố Thanh Huyền mang nó ra ánh sáng, gảy khúc đầu tiên chính là 《Thương Hải Long Ngâm》.

Tô Mộ không hiểu đàn, cũng không có tu dưỡng văn hóa để thưởng thức, nhưng khi nghe tiếng đàn vẫn bị chấn động.

Thời sơ khai, đàn năm dây vốn dùng để chữa bệnh, năm dây đại diện cho kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, tương ứng với ngũ tạng.

“Thương Hải Long Ngâm” do niên đại xa xưa, dây đàn hội tụ âm sắc dày nặng đặc trưng của thời ấy, có sức lay động lòng người quả thật hơn đàn bảy dây hiện tại.

Một khúc 《Thương Hải Long Ngâm》 như bước ra từ bụi bặm cổ xưa, thong thả mà sâu thẳm, mang theo bí ẩn trầm tịch của thời viễn cổ, từng chút thấm vào lòng người.

Tiếng nhạc lúc thì trầm bổng thấu lòng, như trải qua biển cạn ruộng đổi; lúc thì thanh thoát, tựa ngọc Côn Sơn vỡ tan, khiến người ta bất giác say mê, như theo tiếng đàn bước vào thế giới của nó.

Mọi người ở thủy tạ nhất thời bị tiếng đàn xoa dịu, không tự chủ mà nghe đến ngẩn ngơ.

Cánh hoa hải đường trong rừng bị gió xuân cuốn rơi xuống mặt hồ xanh biếc. Dưới nắng, mặt hồ lấp lánh sóng nước, tỏa ánh vàng rực rỡ. Hàng liễu bên đình đài dường như cũng cảm nhận được vẻ đẹp âm vận, lay động sinh tình.

Hương bạch đàn trong lư thoảng khói nhẹ, bị gió tinh nghịch quấy rối, vấn vít như tơ lòng, tạo thành những sợi khói lượn lờ đa dạng.

Người đàn ông ngồi trước đàn như chìm vào mộng xưa. Ngón tay thon dài chuyên chú gảy dây, thành thạo mà ưu nhã.

Có khoảnh khắc, y như trở về ngày tổ mẫu tận tình dạy dỗ, cùng cây đàn cổ này sinh ra cộng hưởng.

Tiếng đàn quanh quẩn ở thủy tạ. Gương mặt y như tranh, dáng vẻ chuyên chú tựa hồ vẽ lên cho đời vẻ đẹp y cảm nhận qua âm nhạc.

Cảnh tượng ấy như một bức họa cuộn tròn duyên dáng. Phong nhã của người trong tranh là kết quả của tháng ngày hun đúc và rèn luyện, mà nét mê hoặc sâu xa của y bắt nguồn từ gia thế mạnh mẽ làm nền.

Gia thế hiển hách, gia phong sâu dày, sự truyền thừa mỹ học qua bao thế hệ cùng nỗ lực không ngừng, mới tạo nên một quân tử cao nhã đoan quý không thể khinh nhờn như vậy.

Cố Thanh Huyền đẹp đẽ biết bao, nội liễm mà không vội vã, phóng khoáng mà an bình. Dưới sự nhuộm đẫm của tiếng đàn, y mang đến cảm giác ôn nhu mà đầy sức mạnh của lịch sử lắng đọng.

Trong một thoáng, Tô Mộ cảm thấy nam tử này mang thần vận ngạo cốt, chắc hẳn không phải kẻ trọng dục.

Đồng thời cũng có nghĩa, muốn dụ dỗ y không dễ dàng chút nào.

 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play