Ngày xưa ở làng Thọ Vực (thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa bây giờ) có một gia đình nghèo sinh được mấy người con, trong số đó, người con thứ hai đặt tên là Trịnh Phát Giác. Giác là một chú bé kháu khỉnh và thông minh lắm. Ngày ngày, chú thường chăn bò ở ven núi đầu làng với chúng bạn. Các chú thường nhận thấy là cứ đến phiên chợ Giáng thì có một ông già xách bị, cầm gậy đi qua bãi cỏ. Có lúc ông cụ đi thẳng, nhưng cũng có lúc ông cụ ngồi xuống nghỉ chân vài ba khắc. Lần nào ngồi nghỉ ông cũng đều ngắm nghía từng chú bé một và lẩm bẩm những gì không rõ. Một hôm, Trịnh Phát Giác bạo dạn chạy lại, hỏi cụ:
- Cụ ơi! Cụ ở đâu mà phiên chợ nào cũng qua lại và nghỉ ở đây thế?
Ông cụ gật gù thầm nghĩ: "Thằng bé này khá lắm", và trả lời:
- Lão ở xa lắm. Lão đi chợ qua đây thấy các cháu chơi vui thì nhìn một tí. Cháu có muốn gánh đỡ cho lão không? Cứ gánh đi tới chợ, lão mua bánh cho.
Phát Giác gật đầu đồng ý, bảo với chúng bạn:
- Chúng mày ơi! Giữ hộ bò tao với nhé. Chờ tao đi xem chợ một chốc. Rồi ông cụ cho bánh tao đem về cho mà ăn.
Quả thật, chiều về, Trịnh Giác mang theo cho chúng bạn rất nhiều quà bánh. Mấy phiên chợ sau, ông lão cũng vẫn đi qua và cũng rủ Phát Giác đi chợ như vậy. Đã có đôi lần, một vài chú bé khác xin đi thay, nhưng đứa nào cầm đến chiếc bị của ông cụ cũng đều kêu nặng, không tài nào xách lên nổi, cả những đứa lớn khỏe hơn Phát Giác rất nhiều cũng vậy. Chúng lấy làm lạ hỏi ông cụ:
- Cụ ơi! Cụ bỏ cái gì vào trong bị mà nặng thế?
Ông cụ mở bị lôi ra quả bầu:
- Có gì đâu, chỉ có quả bầu lão đựng nước uống đi đường đấy mà.
- Thế sao Phát Giác nó xách nổi, mà chúng cháu xách không nổi?
- Chẳng phải thế, có lẽ Phát Giác nó xách quen rồi đấy thôi! - Ông cụ trả lời qua quýt.
Bọn mục đồng không tin, nhưng cũng không hỏi thêm nữa. Chúng nhìn theo ông lão bước đi thoăn thoắt và Phát Giác nhẹ nhàng theo sau mà vừa lạ lùng, vừa thèm muốn. Hôm ấy, mãi đến xế chiều vẫn không thấy ông lão và thằng bé về. Chúng chờ mãi không được, đuổi bò về cho Phát Giác và đến kể cho gia đình nghe. Bố mẹ Phát Giác hoảng hốt chạy bổ đi tìm, nhưng tìm khắp cả mọi nơi đều không thấy con đâu cả. Sáng hôm sau cũng không thấy Phát Giác về. Liên tiếp đến hàng năm vẫn bặt tin tức. Mẹ Phát Giác khóc lóc khổ sở, đành chịu mất con.
Nhưng thật ra, chiều hôm ấy, Phát Giác vẫn đi với ông lão. Ra đến chợ, ông lão bảo Phát Giác đứng chờ, để ông lão đi bán thuốc. Mãi đến sẩm tối mới thấy ông lão ra và hai ông cháu trở về. Thấy bạn bè đã về hết, Phát Giác khóc và bảo ông cụ:
- Cụ dẫn cháu đi lâu thế này, về nhà mẹ cháu đánh cháu chết mất.
Ông cụ khuyên nhủ:
- Thôi, trời đã tối rồi, cháu về nhà lão ở, mai lão dẫn cháu về, nói rõ câu chuyện, bố mẹ cháu không mắng đâu.
- Nhà cụ ở đâu?
- Ở đây thôi.
Vừa nói, ông cụ vừa mở bị lấy quả bầu ra, bảo Phát Giác nhìn vào trong ấy. Một quang cảnh lạ lùng diễn ra trước mắt chú bé ngây thơ. Đây là cả một thế giới riêng có làng xóm, nhà cửa hẳn hoi, ánh mặt trời chiếu xuống khe núi. Trên hàng cây dương liễu, chim hót líu lo. Ông cụ dắt Giác bước vào, ngồi trên một phiến đá phẳng lì, mát rượi. Chú bé nhìn quanh nhìn quẩn, càng nhìn càng thích mắt. Ông cụ lại bảo:
- Cháu đói rồi phải không? Có oản, chuối đấy, ăn đi. Ăn rồi vục nước dưới khe kia mà uống.
Ông cụ với tay lên một chiếc lẵng treo cạnh cành cây, bên phiến đá, lấy ra một mẩu oản nhỏ xíu và vươn mình sang hàng chuối trước mặt, bẻ cho Phát Giác một quả. Phát Giác lúc đầu cho rằng ăn có chừng ấy thì chẳng bõ bèn gì, nhưng cầm lấy phần oản, chú chưa ăn hết được một góc đã thấy no. Quả chuối vừa bóc ra thì mùi hương thơm phức, vị ngọt mà thanh. Thực chưa bao giờ chú được ăn món quà đặc biệt như thế. Ông lão mỉm cười, giảng giải:
- Cái oản cháu ăn đó, làm bằng thứ nếp vạn thọ người đời không có đâu. Các thứ hoa quả ở đây đều là của tự nhiên không vướng gì trần tục, nên mới có mùi hương như vậy.
Rồi ông cụ dắt Phát Giác đứng dậy, dạo chơi ven bờ suối. Ông cụ chỉ dải cát lấp lánh bên bờ mà bảo chú bé:
- Cháu có thấy những gì đó không? Vàng bạc cả đấy! Ở nơi bố mẹ cháu ở, được một viên nho nhỏ như thế là quý vô cùng. Nhưng ở đây thì chỉ là một thứ sỏi đá.
Như sực nhớ ra điều gì, Phát Giác quay lại hỏi ông cụ:
- Cháu nhớ vừa mới rồi, cụ dắt cháu ở chợ về thì trời đã sẩm tối. Sao bây giờ ở đây lại như đang còn vào buổi sáng hở cụ?
- Ở đây không có ngày tháng gì cả. Trời đất lúc nào cũng như bây giờ. Có cả mặt trăng, mặt trời cùng một lúc. Cháu có muốn xem cảnh trăng thì đi theo lão.
Ông cụ dắt Phát Giác đi vào phía sau. Quả nhiên ở đây là một cảnh trí khác lung linh, huyền ảo, ánh trăng bàng bạc chiếu xuống hàng cây đỏ, bãi cát xanh. Thấp thoáng xa xa có ngọn đèn chập chờn của một xóm quê ẩn hiện dưới làn sương mỏng. Phát Giác càng xem càng thích, càng thấy cảnh sắc êm đềm, tươi đẹp. Em lại hỏi ông cụ:
- Sao cháu thấy có xóm làng mà không thấy có người nào cả.
Ông cụ đáp:
- Có chứ, ở đây có rất nhiều người, nhưng người ở đây đều là tiên cả. Cháu đã nghe nói đến tiên bao giờ chưa? Họ cũng làm lụng, ăn uống, trò chuyện như người đời. Có điều là họ không có hạng giàu hạng nghèo, kẻ trên người dưới. Ai cũng làm lấy mà ăn, không cãi cọ tranh giành, mọi người đều vui vẻ. Của cải, vật dụng dồi dào, không có chuyện trộm cắp xấu xa, không ai có của riêng của để. Họ ra chơi luôn, đông như ngày hội, rồi đây cháu sẽ được gặp.
Ở trong thế giới ấy với ông cụ được ít lâu, Trịnh Phát Giác nhớ nhà quá. Em nói với ông cụ xin về thăm bố mẹ và các em. Em còn muốn đưa bố mẹ và các em vào trong này xem cảnh. Ông cụ ra ý không vui.
- Cháu về à? Nhà cháu bây giờ xa lắm đấy. Cháu về làm gì nữa? Cháu không muốn ở đây sao?
- Cháu muốn ở đây lắm. Nhưng cháu còn các em, cháu nhớ các em cháu. Và cháu còn bố mẹ cháu.
Ông cụ không ngăn được, bèn đưa cho em một cái gậy và một phẩm oản:
- Lão bận lắm, còn phải làm thuốc. Bây giờ cháu cứ cầm cái gậy này mà đi ra. Nơi nào không đi được thì cứ cầm gậy trỏ xuống đất thì sẽ vượt qua mau chóng.
Trịnh Phát Giác cầm lấy gậy và oản, chào ông cụ đi ra. Chú bé nhặt mấy viên sỏi đẹp bên khe suối bỏ vào túi, định về cho em chơi và khoe với chúng bạn. Được mấy bước, chú ra khỏi quả bầu, ngoảnh mặt lại thì không thấy ông cụ, nhà cửa, khe suối đâu nữa. Trước mặt chú là những dãy núi cao chót vót, làng mạc thôn xóm thì ở đâu xa tít chân trời. Phát Giác hoảng sợ, cầm gậy trỏ xuống đất. Bỗng nhiên chú thấy thân mình cất bổng lên cao, hai bên tai gió quạt vù vù. Chỉ trong chớp mắt, quay đầu gậy lại, chú đã thấy mình đứng ở đầu làng Thọ Vực. Chú mới biết rằng đó là chiếc gậy thần tiên để rút đất và ông cụ quả thật là một thần nhân.
Phát Giác lần theo lối cũ đi vào làng, về nhà mình. Chú chắc mẩm sẽ được gặp cha mẹ, anh em, nhưng lạ thay, không thấy một ai quen thuộc. Một cụ già ra đón chú, hỏi chuyện, và trả lời một cách kinh ngạc:
- Trước đây hàng trăm năm, tôi có nghe cụ tổ nhà tôi kể có một người con trai thất lạc từ thuở bé, tên tuổi đúng như cậu. Bây giờ đã gần ba đời rồi kia mà.
Cả họ hàng làng xóm kéo đến. Phát Giác hỏi đến những người bạn chăn bò chăn trâu thuở trước thì đã mất cả rồi. Phát Giác kể lại câu chuyện trong chiếc bầu tiên. Ai nấy đều lấy làm kinh dị. Một ông lão nói:
- Thôi thế chính là cậu đã được đi vào cõi tiên rồi. Tôi nghe nói một ngày trên trời dài bằng cả năm dưới hạ giới. Chúng tôi đây chỉ là hạng con em, cháu chắt của cậu thôi.
Trịnh Phát Giác hoang mang, không biết xử trí ra sao cả. Cậu móc túi lấy mấy viên sỏi ra, nhưng vừa đặt lên tay thì sỏi đã thành những cánh hoa bay mất. Buồn rầu, cậu cắm chiếc gậy xuống đất. Chiếc gậy bỗng hóa thành ra một con rồng, cậu bé trèo lên lưng rồng và bay đi. Nơi cắm chiếc gậy nổi lên một dãy núi đá có cửa hang mở rộng. Người làng đi vào trong hang thấy cảnh trí thần kỳ, có đường đi mãi vào trong. Họ quay về hỏi những người tinh thông sách vở. Một cụ đồ tra điển tích, bảo với bà con:
- Tôi đọc sách xưa, thấy có truyện ông Thi Tốn người nước Lỗ học phép tiên, thường mang một cái bầu trong đó có mặt trăng, mặt trời, đêm đến lại vào trong bầu ngủ, ông ta tự đặt hiệu là Hồ Thiên, người đời gọi là Hồ Công. Sau Hồ Công gặp Phí Tràng Phòng ở Hoa Dương, cho Tràng Phòng một cái gậy cũng hóa thành con rồng. Có lẽ cậu Trịnh Phát Giác ở làng ta là thân sau của Phí Tràng Phòng đã được gặp Hồ Công chăng?
Biết câu chuyện ấy, người làng Thọ Vực bèn đặt luôn cái động ở dãy núi là động Hồ Công. Động Hồ Công là nơi danh thắng của tỉnh Thanh Hóa và của cả nước ta, xưa nay được rất nhiều người ngợi khen và lấy làm đề tài ngâm vịnh.
Nguồn: Truyện cổ các dân tộc Thanh Hóa,
Phùng Sĩ Hòa và Nguyễn Hữu Chức tuyển chọn và biên soạn.
Nxb. Thanh Hóa, 1999.
Truyện Cổ Tích Việt Nam Chọn Lọc