Ngày xửa ngày xưa, có nhà kia giàu của nhưng rất hiếm con.
Hai người cầu trời khấn Phật mấy mươi năm mới sinh được một đứa con. Em bé mới lọt lòng mẹ, răng đã mọc đủ hai hàm, chẳng cần bú sữa và ăn mỗi bữa hết một nồi ba cơm. Đầy một tuổi em đã cao lớn, khỏe mạnh chẳng ai bằng và mỗi bữa ăn đến mấy thùng cơm mới no bụng. Cha mẹ em nghi con là yêu quái, bàn nhau tìm cách bỏ em vào rừng. Hôm đó, người cha đưa con vào rừng, vác theo một cái thuổng. Thấy có một tảng đá to, đứng chênh vênh, người cha bảo con:
- Con vác hòn đá này về lót cho mẹ rửa chân!
Em bé ghé lưng vào hòn đá. Người cha lấy thuổng bẩy. Hòn đá đè em bé xuống đất. Người cha cứ lững thững vác thuổng về. Còn đứa con tưởng mẹ cần hòn đá thật nên cặm cụi vác về sau. Đến chiều, vợ chồng đang ngồi bên mâm cơm trò chuyện thì em bé vác hòn đá về, ném bên giếng nước, rồi vào trách cha:
- Hòn đá nặng thế mà cha không giúp con một tay. Nó đè lún con xuống đất, con phải moi mãi mới vác về được.
Bố mẹ kinh ngạc, ăn chẳng được, bỏ dở bữa cơm. Nhưng tối hôm đó, hai người lại bàn kế khác. Sáng ngày, người cha lại vác một cái rìu đưa con vào rừng. Trông thấy một cây gỗ to hai người ôm không xuể, người cha ra sức chặt từ sáng đến nửa buổi chiều. Lúc cây gỗ sắp ngã, người cha bảo con:
- Con ghé lưng vào đây, vác cây gỗ này về, để cha cưa ra làm mấy bộ ván.
Em bé ghé lưng vào. Cây gỗ ngã uỳnh xuống, em bé bị lấp mất trong đống tán lá um tùm. Người cha vội vàng vác rìu chạy một mạch về nhà, người vợ đã ngồi chờ bên mâm cơm. Ăn chưa xong bữa cơm, đã nghe em bé đứng ngoài ngõ gọi:
- Mở cửa cho con. Sao cha về mà không bảo, để con cứ chờ mãi.
Cha mẹ em sợ hãi. Vợ trách chồng, chồng gắt vợ đổ lỗi cho nhau. Em bé đứng ngoài cửa nghe, mới biết mình bị cha mẹ lừa vì họ tưởng mình là yêu quái. Em tự bảo nếu cứ ở nhà sẽ xảy ra những điều không lành nên lẳng lặng vứt cây gỗ trước cửa rồi bỏ đi.
Làng trên xóm dưới chẳng ai quen thuộc, lang thang dọc đường một lúc, em bé nhằm cánh đồng trước mặt đi thẳng tới. Lúc đó đang hạn hán, đã đến mùa cày mà trời không mưa. Mọi người phải ra sông đắp đập, đưa nước vào đồng. Em bé đến đây, thấy trong đám đông có hai người khỏe lạ thường. Một người đứng bẻ gỗ để làm cọc. Người thứ hai đang đóng cọc. Anh này có cái nắm tay rất rắn và khỏe bằng hàng trăm chiếc vồ. Những cây gỗ của anh kia bẻ vừa ném sang anh nhặt cắm xuống đất, đưa nắm tay ra làm vồ đóng. Anh đóng một nhát, cây gỗ lún xuống đến vài gang tay. Em bé muốn làm quen với hai anh này nhưng chưa biết bằng cách nào, thì lại có một người xăm xăm bước tới chỗ đập nước. Hai bàn tay anh to như hai chiếc xẻng. Thấy anh kia lấy tay làm vồ đóng cọc, anh muốn thử sức, liền lặn xuống nước, lần đến, đưa bàn tay chắn ngang cây gỗ anh kia đang đập. Cây gỗ đang lún xuống đất, bỗng dừng hẳn lại. Anh có nắm tay khỏe ra sức giáng liền mấy mươi đấm một lúc, thanh gỗ vẫn không chuyển được chút nào. Anh này tức mình, lặn xuống nước, sờ lần theo cây cọc, nắm được bàn tay, lôi anh kia lên, làm dữ:
- Tao phải đóng xong cái kè này, mới được làng cho ăn một bữa cơm, thế mà mày phá tao, tao phải đánh mày.
Anh bẻ gỗ cũng chạy lại bênh anh đóng cọc:
- Tao phải bẻ năm xe gỗ, mới được trả một nồi ba gạo công, mà mày ngăn lại, không cho nó đóng, thì ai còn thuê tao bẻ gỗ nữa?
Ba người gầm ghè nhau, người toan vác gỗ đâm, người đưa nắm tay ra đấm, anh có bàn tay to, định dùng bàn tay mình làm cái xẻng, xúc hai anh kia đổ đi chỗ khác. Em bé chạy lại can. Đang cơn nóng nảy, anh bẻ gỗ và anh đóng cọc muốn đánh cả em. Em bé chạy vào giữa ba người nói:
- Tôi nhỏ, các anh lớn... các anh đánh, tôi thua thôi. Nhưng hãy nghe tôi hỏi đã. Hai anh đã nói phải đi bẻ gỗ, đóng cọc thuê kiếm ăn. Tôi thì có cha mẹ, nhưng cha mẹ tôi sợ tôi là yêu quái, ăn hết của, nên đem bỏ tôi. Vậy chúng ta cùng cảnh nghèo sao không thương nhau còn đánh nhau? Còn anh có bàn tay to như cái xẻng, tại sao không cho anh này đóng cọc?
Anh có bàn tay to gắt gỏng:
- Hai bàn tay tao khỏe bằng hàng trăm chiếc xẻng. Tao vỡ không biết bao nhiêu ruộng nhưng vỡ được bao nhiêu bọn nhà giàu tranh hết bấy nhiêu! Tao vỡ chỗ nào, chúng bảo chỗ ấy là đất của chúng. Tức quá, tao phá cái đập này, cho ruộng chúng nó bị khô!
Nghe anh này nói, hai anh kia hết giận, em bé lại bảo:
- Chúng ta đều thiếu ruộng, thiếu cơm, bị người khác hà hiếp, vậy đừng giận nhau nữa, hãy kết bạn đi kiếm nơi làm ăn.
Ba người đều khen em bé nói phải, bằng lòng kết làm anh em. Họ đặt lại tên nhau cho dễ gọi, và thi tài để chọn người đứng đầu. Em bé kia ngồi xuống, cho các anh chất lên vai mười tảng đá bằng cái máng lợn. Em đứng thẳng dậy, chạy mười vòng xung quanh một đám ruộng to. Mấy anh kia bảo em khỏe nhất, lại có lời nói khôn, đáng làm người đứng đầu. Anh bẻ gỗ được xếp thứ hai, anh đóng cọc thứ ba, anh có bàn tay xẻng thứ tư.
Bốn người từ giã đồng bằng, theo dòng sông đi ngược lên nguồn, kiếm đất làm ăn. Đi nửa ngày thấy có nước sông vọt lên ruộng ầm ầm, cột nước to bằng năm, bảy người tát một lúc. Bốn người không biết chuyện gì, liền đến xem. Thấy giữa sông có một người đang khom lưng, há mồm hút nước phun lên những đám ruộng lúa đang khô nẻ.
Vác đá đến gần hỏi:
- Ruộng hai bên bờ sông này đều là của anh chăng? Đến mùa gặt, chắc nhà anh thừa nhiều thóc?
- Tao phải phun cho đầy nước vào hai thửa ruộng này, mới được chủ ruộng trả cho một thúng cơm. Thúng cơm đang để kia.
Anh hút nước lại hỏi bốn người:
- Chứ chúng mày lấy đâu ra cơm ăn, mà đi chơi thong thả rảnh rang vậy?
Bốn người kia nói lại cảnh khổ và ý định của mình. Anh hút nước nhảy vọt lên bờ:
- Thế thì chúng mày phải cho tao theo. Tao cũng khổ như chúng mày!
Anh hút nước nhập bọn. Đến chiều, năm người rẽ vào rừng ngồi dưới gốc cây nghỉ chân. Lại thấy một người đến chỗ có hai cây gỗ to đứng gần nhau kề hai vai vào hai cây nhổ bật gốc lên, vác cả cây lẫn cành ra về. Năm người kia nhìn theo, ai cũng tặc lưỡi. Vác đá đứng dậy, ướm hỏi:
- Vội gì mà anh không chặt bỏ cành, bỏ gốc vác cho nhẹ?
Nghe tiếng người nói, anh nhổ cây quay lại để nguyên hai cây gỗ trên vai, nói:
- Hai cây gỗ chỉ đổi được có nửa thúng thóc, thì chặt gốc chặt ngọn làm gì cho mệt?
Vác đá nói:
- Anh bị lừa rồi. Vác cả gốc, cả ngọn thì nặng vai anh, mà người đổi được lấy cành làm củi đun.
- Mày còn bé mà đã khôn hơn tao. Không gặp mày tao chưa biết tao bị lừa.
- Chúng tôi cũng nghèo, cũng bị lừa như anh, bây giờ rủ nhau đi làm. Anh có đi thì đi cùng.
- Tại sao tao lại không đi. Chúng mày đã cho tao biết tao bị lừa, chắc chúng mày không lừa tao. Chúng mày đi đến đâu, tao cũng theo.
Sáu người lại dắt nhau đi. Tối hôm sau, cả sáu người cùng bẻ lá lót dưới gốc cây, nằm ngủ trong rừng. Sáng ngày đã thấy một người vác một bó lao đuổi theo đàn nai. Đàn nai hơn mười con đều bị anh đuổi theo, phóng lao giết chết hết. Sáu người cùng chạy ra xem. Vác đá cất tiếng hỏi:
- Mỗi lần được bằng ấy nai, chắc nhà anh giàu lắm?
- Voi tao phóng còn chết nữa là nai. Nhưng tao có ăn thịt trừ cơm được đâu mà giàu! Một con nai chúng chỉ đổi cho tao một thúng thóc. Một con voi có ngà, cũng chỉ đổi được có một cái áo rách. Mà voi, nai đâu có phải ngày nào cũng tìm được! Cái thằng chủ rừng ấy ác lắm! Tao săn được bao nhiêu nó cũng bắt phải đổi rẻ cho nó.
Vác đá kể cảnh nghèo cho anh chạy giỏi nghe. Bẻ gỗ cũng nói:
- Tao giống như mày đấy, ngày nào tao cũng nhổ bốn cây gỗ, mà đổi chẳng đủ gạo ăn, tao mới gặp chúng nó hôm qua. Chúng nó cũng là người nghèo mà khôn. Tao ngủ chung với chúng nó một đêm rồi, tao biết, chúng nó tốt lắm. Mày nên nhập bọn đi làm ăn với chúng tao.
Anh kia chẳng chút lưỡng lự, xin nhập bọn luôn. Thế là trong bọn đã có bảy người. Bảy anh em bẻ nứa kéo lửa nướng thịt nai ăn no nê rồi đi về phía mặt trời lặn.
Trên dãy núi kia có một vùng đất rộng, bằng phẳng như mặt nước trong hồ. Chỗ này trước kia có xóm làng đông đúc. Những con yêu tinh trong núi hay ra bắt người, bắt cả trâu bò, heo, dê. Nó lại có phép tự hóa to ra, hoặc thu nhỏ mình lại. Tiếng nó gầm to như sấm rền. Bắt được đàn ông, đàn bà thì nó ăn thịt, con gái đẹp thì nó để làm vợ. Dân làng khiếp sợ con yêu tinh này bỏ đi tản mác mỗi người một nơi. Bảy chàng trai khỏe vào đây thấy nhà cửa xác xơ, nồi chậu lăn bừa bãi. Bảy anh đi chặt cây, cắt lá gianh làm nhà ở, rồi ra công trồng tỉa.
Đất mới nhà thưa, chẳng ai tranh giành lừa lọc. Lúa của họ xanh mát mắt, bầu bí bỏ ngọn um tùm. Người làng đi về trông thấy có các anh, đều lần lượt trở về làm nhà ở gần, dựa sức nhau làm ăn.
Con yêu tinh thấy làng cũ đông người, lại lần đến. Nó biến thành một con vật hình thù kỳ quái, ba đầu sáu tay, mười hai mắt, thân xám như tro, to như đống rơm, tiếng thét vang như sấm. Dân làng sợ hãi, chạy ùa vào nhà bảy anh. Con yêu tinh tưởng như mọi ngày, ùa theo đuổi bắt. Bảy anh khỏe tản ra sân. Con yêu tinh bổ vào, bị anh đóng cọc thụi cho một thụi vào đầu. Bị đánh một cái mạnh bằng hàng trăm chiếc búa bổ, con yêu tinh thụt ngay cái đầu đau vào thân, né sang bên kia. Anh bẻ gỗ vớ tay nó, bẻ liền. Tay con yêu tinh gãy lủng lẳng. Anh vác đá lại vác một tảng đá to như cái giường ném mạnh vào giữa lưng nó. Nó rùng mình, hóa cánh bay lên. Anh chạy giỏi đã rút được cái đòn tay nhà, làm lao phóng theo. Cái lao đâm trúng giữa mồm con yêu quái. Nó rú lên một tiếng rồi bay vụt vào núi.
Bị một trận đòn đau, con yêu quái thù bảy chàng trai trẻ nhưng không dám đến làng. Nó bèn bay trên cao, hóa lửa phun xuống đốt nhà. Lửa bốc lên cao, khói mù mịt, cháy lan từ nhà này sang nhà khác, sang cả núi rừng. Anh hút nước phải ra sông hút nước tưới. Anh tay xẻng dùng hai bàn tay xúc đất đổ vào. Anh bẻ gỗ nhổ từng bụi cây dập lửa trên những ngôi nhà bị cháy dở.
Con yêu quái lại hóa lửa đốt phá mùa màng. Bảy chàng khỏe tức lắm, rủ nhau đi tìm chỗ nó ở.
Bảy người tìm khắp núi rừng, không gặp con yêu tinh nhưng thấy lối nó đi. Bảy chàng bứt dây rừng bện lại to bằng cây cột giăng ngang đường. Ba người giữ một đầu dây, còn một người đứnglàm hiệu.
Trăng lên, con yêu tinh từ trong động đi ra. Bị vướng dây nó ngã sấp. Nhưng bảy người vừa chạy lại, nó đã bới đất chui xuống. Anh tay xẻng liền dùng hai tay bới theo. Bàn tay xén một nhát ước đến mười gánh đất. Con yêu tinh cũng khỏe, anh kia càng xén, nó càng chui sâu. Anh hút nước liền đi hút nước đổ vào đó. Nhưng sông ở xa, nước chưa đủ làm cho con yêu tinh ngạt đã thấm hết vào đất. Anh chạy giỏi, chạy nhanh như gió cõng anh hút nước đi cho nhanh nên chỉ một buổi, nước đã ngập đầy lỗ, con yêu tinh quay đầu nhoi ngược lên. Bảy anh khỏe xúm lại đánh, nhiều người, lộn xộn quá, con yêu tinh thoát ra được. Anh bẻ gỗ chỉ kịp bẻ một cây gỗ phang nó què một chân.
Bị què một chân mà con yêu tinh chạy còn nhanh hơn con hươu rừng. Xong anh chạy giỏi vẫn đuổi theo sát gót nên nó chẳng kịp hóa cánh, cứ lê cái chân què chạy về động.
Động con yêu tinh rất nhiều hang, lại lắm ngóc ngách. Anh chạy giỏi theo đến cửa, nó đã chui vào trong. Không biết nó chui ngách nào. Chạy giỏi lấp cửa hang rồi trở về gọi thêm sáu người bạn. Bảy anh chàng khỏe vào phá động. Cái động cao như núi, hang hố ngoằn ngoèo, bị bảy chàng trai bới tung. Mùi trong hang bay ra tanh hôi khó chịu. Vào hang, bảy chàng trai thấy có nhiều người ngồi ủ rũ xanh xao. Bảy chàng khỏe vừa đưa những người kia ra một đoạn, lại nghe có tiếng khóc ở ngách bên mà không thấy đường vào. Họ phải dùng sức vần những tảng đá sang bên. Bên trong tảng đá có một cái hang rộng. Hai mươi mốt cô gái ngồi trong khóc than. Con yêu tinh đã chọn những người con gái đẹp này nhốt riêng. Mỗi khi ra ngoài, nó lấy đá lấp kín cửa lại.
Cứu được người mà chẳng thấy con yêu tinh. Bảy chàng trai tìm mãi mới thấy nó chui vào kẽ đá. Kẽ đá rất chặt. Con yêu tinh rúc mãi vào trong, tay bấu vách đá như con kỳ đà, mồm rúc vào túi phép đeo trước ngực. Túi phép đó đã hết thiêng từ lúc bị vấp dây ngã sấp xuống đất nên nó hóa mãi mà chẳng được gì. Nhưng sức nó còn khỏe lắm. Bảy chàng đã nắm được chân nó mà không lôi ra được, nên mỗi người lại phải trổ tài riêng. Cuối cùng, con yêu tinh nằm trơ ra. Bảy chàng nổi lửa đốt xác nó, rồi đưa những người được cứu sống trở lại làng.
Con yêu tinh bị giết, chẳng bao lâu những người trốn tránh xa gần đều trở về nhà cũ. Cái làng hoang vắng xưa kia nay lại đông đúc yên vui. Lúa lại xanh đồng, khoai tươi tốt, trâu dê đầy chuồng. Nhớ ơn cứu sống, hai mươi mốt cô gái đẹp lấy bảy chàng trai khỏe làm chồng. Bảy người sinh con đẻ cháu chật nhà mà không bị lừa lọc đói khổ như xưa.
(Truyện cổ dân tộc Chăm)
Phạm Xuân Thông và Quảng Đại Cường sưu tầm, biên soạn.
Nguồn: Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất, tập 2,
Nguyễn Cừ tuyển chọn, Nxb. Văn học, H., 2002.
Truyện Cổ Tích Việt Nam Chọn Lọc