Mẹ nói, ân tình là thứ khó trả nhất.
“Đến nhà dì cả, phải lễ phép, chăm chỉ một chút.”
“Sống hoà thuận với chị họ Tiểu Nhã, nhường nhịn chị ấy nhiều hơn.”
Giang Manh gật đầu, dùng ngôn ngữ ký hiệu hỏi: “Mẹ, khi nào mẹ về?”
Mẹ dừng lại, giúp cô đeo cặp sách lên người: “Chưa quyết định được... con ở nhà dì cả đợi là được. Khi mẹ về sẽ đến nhà dì cả đón con.”
Cô gật đầu thật mạnh: "Vâng."
Mẹ lặng lẽ nhìn cô, đột nhiên tránh ánh mắt, đưa tay lau mặt.
Mẹ nghẹn ngào mở miệng, gọi biệt danh của cô: "Tiểu Tịch."
Giang Manh ngẩn ngơ, không biết tại sao mẹ khóc, chỉ phát hiện mẹ khóc, cô cũng muốn khóc theo.
Mắt mẹ ngấn lệ, ôm mặt cô nói: "Mẹ xin lỗi con."
Cái tên “Giang Manh” này là bà ngoại đặt lại cho cô năm cô mười ba tuổi. Tên của cô trước mười ba tuổi là "Giang Tịch".
"Tịch" trong "triều tịch" (thủy triều).
Bố mẹ cô đều họ Giang, mười năm trước, hai người yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên bên bờ biển, không lâu sau bố liền cầu hôn mẹ. Khi cô sinh ra, bố đặt tên cô là “Giang Tịch” để kỷ niệm tình yêu giữa bố và mẹ.
Trong tình yêu, sôi nổi như dầu sôi lửa bỏng mà không đủ hiểu nhau, vội vã lại ngắn ngủi tựa như hoa quỳnh nở, rất nhanh đã xuất hiện vết rạn.
Công ty của bố lâm vào khủng hoảng phá sản vì vấn đề xoay vòng vốn, mẹ là nhân viên một cửa hàng quần áo, thu nhập không cao, không có khả năng giúp bố vượt qua khủng hoảng. Họ hàng hai bên biết chuyện đều kịp thời giúp đỡ, mỗi nhà bỏ ra không ít tiền lấp đầy khoản nợ.
Mẹ ghi chép cẩn thận từng khoản tiền mỗi nhà cho vay vào sổ, viết giấy nợ từng nhà, hứa nhất định sẽ trả lại sớm.
Khoản tiền này không dễ trả, huống chi thứ còn khó trả hơn tiền là ân tình.
Năm lớp ba tiểu học, Giang Manh trải qua một vụ bắt cóc.
Bọn bắt cóc bắt cô trước cổng trường, làm cô ngất đi rồi trói lên một chiếc xe khách. Cô bị trói trong xe, trải qua những chặng đường gập ghềnh trên núi, đến một thành phố khác.
Thân phận của bọn bắt cóc là nhân viên công ty của bố. Mà mục đích của bọn bắt cóc là tống tiền bố.
Tống tiền một người nợ nần chồng chất sao?
Giang Manh không hiểu.
Suốt chặng đường, bọn bắt cóc không cho cô phát ra bất kỳ âm thanh nào, chỉ cần cô hơi phát ra tiếng, nắm đấm của bọn bắt cóc sẽ đánh vào người cô không chút nương tay. Khắp người cô đầy thương tích, miệng bị băng dính dán chặt, ngay cả thở cũng trở nên khó khăn.
Sau đó bố đến. Trong quá trình thương lượng với bọn bắt cóc, một tên phát hiện bố đã báo cảnh sát, cầm dao lao về phía bố. Giang Manh ở xa bị khống chế, muốn nhắc bố cẩn thận, nhưng trong khoảnh khắc mở miệng, đột nhiên cô phát hiện cổ họng mình không thể phát ra bất kỳ âm thanh nào.
Lưỡi dao đâm vào tim bố, cô vật lộn giãy giụa, nước mắt nóng hổi chảy đầy mặt.
Rất nhanh cảnh sát đến cứu cô thành công, nhưng không thể cứu được bố cô.
Khi kết án, cảnh sát nói với mẹ: "Chứng câm của đứa trẻ thuộc biểu hiện của rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Theo điều tra của chúng tôi, bọn cướp luôn không cho đứa trẻ phát ra tiếng, phát ra tiếng là đánh đứa trẻ. Ước chừng trong môi trường áp lực cao như vậy, đứa trẻ dần dần trở nên chống đối và sợ hãi nói chuyện, từ đó mắc chứng câm."
Mẹ con còn sống sao đây? Cuối cùng chẳng phải vẫn phải dựa vào chúng ta..."
“Theo tôi thấy, đứa bé Tiểu Tịch này chính là bị hai vợ chồng họ nuông chiều quen rồi!”
“Từ nhỏ ăn mặc không lo, như công chúa nhỏ được cưng chiều! Bình thường thấy con sâu cũng sợ, thời khắc quan trọng sao không hèn được?”
“Nếu nó không bị dọa đến mức không nói nên lời, Tiểu Tân đâu có mất?”
"Vốn dĩ cuộc sống hai vợ chồng họ đã khó khăn, giờ Tiểu Tân lại mất, họ..."
“Bớt nói mấy câu đi! Cũng không nghĩ xem là ở đâu!”
Trong đồn cảnh sát, câu nói của thím nhỉ chưa kịp dứt đã bị chú nhỏ ngăn lại.
Từ đầu đến cuối mẹ không nói lời nào, nắm chặt tay cô, dắt cô cúi đầu chào từng nhà bác, cô và chú.
"Tôi muốn dẫn Tiểu Tịch đi."
Tối hôm đó mẹ nói với họ một câu như vậy.
Mẹ bán nhà, trả hết nợ các nhà. Mỗi nhà đều từ chối nhưng mẹ nhất định phải trả, họ đành nhận.
Giang Manh chuyển đến một trường tiểu học mới, giáo viên và bạn học xung quanh đều biết cô là đứa "câm" không thể nói, cũng có bạn hỏi cô tại sao câm, làm sao mà câm, lẽ nào cả nhà cô đều câm sao?
Cô luôn tránh né không nói, trả lời qua loa.
Dần dần, bắt đầu có người nói cô là một đứa câm rất ngốc, một đứa câm không hiểu người khác nói gì.
Năm đó cô và mẹ cùng chuyển đến nhà bà ngoại ở. Mẹ tìm được một công việc mới, công việc này rất bận, cũng không ổn định, nhưng thu nhập cao hơn trước rất nhiều.
Trong trường học, các giáo viên hiểu được tình huống của cô, bắt đầu không hỏi cô trên lớp nữa. Các bạn trong lớp quen với sự chậm chạp và im lặng của cô, từ từ ngầm đồng ý sự cô lập cô, không còn tò mò hỏi vấn đề của cô, thậm chí không còn coi cô là một "học sinh đặc biệt" đầy bí mật từ đầu đến chân, dùng ánh mắt khác lạ hoặc soi xét để đối đãi.
Cuộc sống của cô trở nên bình lặng như nồi cháo đun nhỏ lửa, không gặp bất kỳ điều gì đáng mong đợi, cũng không gặp bất kỳ khổ nạn nào không thể chịu đựng.
Cô cảm thấy cuộc sống như vậy đã đủ tốt.
Vì đã trải qua những ngày tháng khổ nạn, nên mới hiểu cuộc sống bình thường quý giá đến nhường nào.
Thời tiểu học nhanh chóng kết thúc, trong kỳ thi chuyển cấp, cô có thành tích trung bình, được nhận vào trường cấp hai gần khu nhà bà ngoại.
Ngày cô nhận được giấy báo nhập học, mẹ dẫn cô và bà ngoại đi ăn nhà hàng rồi nói với cô, vì điều động công tác, mẹ phải đến thành phố phía nam làm việc một tháng. Bà ngoại đã quyết định tháng sau về quê, mẹ nói dì cả ở thành phố biết tình huống này, muốn mời cô đến nhà dì ở một mùa hè.
Trong lòng Giang Manh không muốn đến nhà dì cả lắm.
Vì không muốn làm phiền dì cả, cũng vì cô biết, chị họ Phù Hân Nhã của cô luôn không thích cô.
Nhưng khi mẹ và bà ngoại đều quyết định để cô đến nhà dì cả ở, cô vẫn nghe lời gật đầu.
Vì cô cũng không muốn làm phiền mẹ và bà ngoại.
Từ khi biến cố xảy ra, dường như cô đã làm phiền quá nhiều người, quá nhiều người rồi.
“Sao lại để nó ở phòng sách, phòng sách lớn thế kia...”
Trong nhà dì cả, vì dì cả chuẩn bị dọn dẹp phòng sách cho cô ở, chị họ Phù Hân Nhã nổi giận đùng đùng, gào lên bất mãn.
Dì cả giận dữ nói: "Vậy thì con ở phòng sách, dọn phòng của con ra cho Tiểu Tịch ở!"
“Con không chịu!”
“Nó ở phòng sách cũng được, nhưng những thứ con để trong phòng sách không được lấy ra!”
"Đứa trẻ này! Mẹ nuông chiều con quá đáng rồi!"
Dì cả tức giận xắn tay áo, giơ tay định đánh Phù Hân Nhã lại bị Giang Manh vội vàng kéo lại.
"Dì cả."
Cô mỉm cười với dì cả, dùng ngôn ngữ ký hiệu nói: “Để đồ của chị họ ở đây đi.”
“Căn phòng này thực sự... quá lớn.”
Dì cả không nói gì nữa, thở dài, ánh mắt thương xót đưa tay xoa đầu cô.
Dì cả và dượng thường xuyên đi công tác sớm hôm, nhà dì cả thường chỉ có hai người là Giang Manh và Phù Hân Nhã.
Giang Manh quen với việc tự đi chợ nấu ăn, sẽ làm cả phần của Phù Hân Nhã, nhưng Phù Hân Nhã không bao giờ ăn, cô ta thích gọi đồ ăn ngoài hơn. Dần dần, cô bắt đầu chỉ làm phần của mình.
Phù Hân Nhã thường xuyên đến phòng sách tìm đồ, lật tung căn phòng cô vừa dọn dẹp. Mỗi khi Phù Hân Nhã rời đi, cô lại dọn dẹp lại căn phòng. Nhưng rất nhanh, Phù Hân Nhã lại chạy đến lật tung lần nữa.
Không phải chưa từng nghĩ đến phản kháng, nhưng cô không có tư cách phản kháng.
Cô thậm chí không cần làm gì cũng có thể dự đoán được một khi mình phản kháng, Phù Hân Nhã sẽ dùng câu "nhà mày nợ ân tình nhà tao" để đàn áp cô.
Năm bố gặp nạn, nhà cô đúng là nợ nhà dì cả ân tình, nợ rất nhiều rất nhiều.
Mẹ nói, ân tình là thứ khó trả nhất.
Vì vậy cô phải hiểu chuyện, phải học cách nhẫn nhịn, phải biết đại cục…
Giang Manh ở nhà dì cả cố gắng làm tốt tất cả những gì mẹ từng dặn dò, nhưng mỗi lần dọn dẹp căn phòng bị Phù Hân Nhã làm loạn mà mũi cay cay, cô vẫn sẽ không nhịn được muốn khóc.
Tại sao lại là cô chứ?
Tại sao số phận lại chọn cô trở thành người gánh vác ân tình, rõ ràng cô chưa từng làm việc xấu nào.
Đáng tiếc số phận luôn có quyền lựa chọn tuyệt đối, nắm giữ trải nghiệm của mỗi người, không bao giờ cần đưa ra lý do với bất kỳ ai.
Và điều duy nhất cô có thể làm là cố gắng sống qua từng ngày ở nhà dì cả, đồng thời mong mẹ có thể nhanh chóng đến đón cô về nhà.
“Tiểu Tịch, mùa hè có muốn đi học thêm toán cùng chị họ không?”
Một buổi trưa cuối tuần, dì cả đi mua sắm về, trên tay cầm tờ rơi lớp học thêm, ôn tồn hỏi cô.
Cô vội vàng lắc đầu từ chối. Học phí lớp học thêm này không rẻ, trên người cô không mang đủ tiền, lẽ nào để dì cả trả tiền sao?
Cô thực sự không muốn nợ thêm ân tình nữa.
"Em đi với chị đi."
Phù Hân Nhã nhàn nhạt mở miệng, nói với cô: “Dì hai chị đã đồng ý rồi, nói đến lúc sẽ chuyển tiền học phí cho mẹ chị. Hơn nữa nếu hai người cùng đăng ký, còn được giảm giá nữa.”
“Coi như em giúp nhà chị tiết kiệm chút tiền, nếu thực sự không muốn đi, em đăng ký xong rồi hoàn tiền không đi học, hông được sao?”
“Chị nghe nói lớp học thêm này toàn dạy nâng cao, cho dù em đi cũng không hiểu, không có tác dụng gì đâu.”
Lời nói của Phù Hân Nhã không dễ nghe, nhưng cô lại vì thế mà nhẹ nhõm.
Không cần để dì cả trả tiền là được.
Hơn nữa, có thể ở lớp học thêm trải qua mùa hè này cũng rất tốt. Như vậy từ sáng đến tối cô sẽ không phải ở nhà dì cả... Trong phòng cô chất đầy đủ loại đồ chơi kỳ lạ của Phù Hân Nhã, cả ngày ở chung với những món đồ này, cô luôn sợ lỡ tay làm hỏng chúng.
Cô nghĩ vậy, gật đầu đồng ý với dì cả.
Nhiều năm sau, khi Giang Manh dọn dẹp đồ cũ thời thơ ấu, lật ra tờ rơi kẹp trong cuốn sổ tay, trong lòng cô không khỏi cảm khái vạn phần. Cô gái ngày ấy đồng ý với dì cả đi học thêm, nhất định không thể ngờ được, tình cảm thầm kín thời thiếu nữ dài gần mười năm của cô, đắng cay mà không bao giờ quên, lại bắt đầu từ mùa hè nóng bỏng ngắn ngủi đó.