Chết, chỉ những kẻ chưa từng nhìn thấy nó mới có thể nói một cách nhẹ nhàng như thế.
Huống chi, giữa thời loạn lạc này, mạng người còn rẻ mạt hơn cả loài chó trong thời bình. Nhìn ánh mắt trĩu nặng lo âu và u sầu của mẫu thân dành cho ta, ta đã thấu rõ rằng thế gian này sẽ ép ta phải đối mặt với những gì.
Ta hỏi ngược lại nàng: "Còn ngươi thì sao? Tại sao ngươi cũng không chết? Ngươi là kẻ đầu tiên, đúng không?"
Nàng thoáng sửng sốt, sau đó ánh mắt vô thức nhìn về căn phòng mà gã đàn ông kia đang ngủ, trong ánh mắt ấy ẩn chứa sát khí.
Canh đã chín, ta vội vàng múc đầy bát rồi rời đi.
Trước khi đi, ta nói với nàng: "Nếu có điều mong cầu, hãy sống tiếp. Chỉ có sống mới có thể đạt được điều mình muốn."
…
Mẫu thân ta lúc ngủ trông thật đẹp.
Thuở còn trẻ, bà từng là một kỹ nữ nổi tiếng khắp Giang Nam, khiến bao công tử phong lưu từ năm quận đua nhau vung tiền chỉ để giành được một nụ cười của bà.
Một khúc hát của bà có thể làm say lòng người, biết bao cuộc rượu chè trở nên náo nhiệt và rực rỡ hơn bao giờ hết.
Nhưng bà vẫn chưa được uống bát canh gà mà ta mang về.
Bát canh mà ta đã vất vả, gần như đánh đổi tất cả để có được, bát canh mà bà vẫn luôn khắc khoải nhớ đến ngay cả trong phút lâm chung.
Ngay cả việc giúp bà hoàn thành tâm nguyện trước khi nhắm mắt, ta cũng phải dồn hết sức lực mới làm được.
Mẫu thân ta, cả một đời khổ hạnh, mới tám tuổi đã bị bán đi. Phụ mẫu bà chỉ vì một bát canh gà mà nhẫn tâm từ bỏ bà.
Nhưng bà nói điều bà nhớ nhất vẫn là quãng thời gian trước năm tám tuổi, khi ấy dù đói một chút cũng chẳng hề gì, vì bà còn tự do.
Về sau, khi danh tiếng của bà đã vang khắp thiên hạ, bà lại đem lòng yêu phụ thân ta, một thư sinh nghèo. Toàn bộ của cải của bà đều dốc hết để giúp ông đọc sách, đi thi, kết giao quan hệ.
Bà là người có mắt nhìn. Phụ thân ta quả nhiên đã được đề danh trên bảng vàng, từng bước thăng quan tiến chức.
Nhưng bà cũng là người không có mắt nhìn.
Từ vị trí chính thất trở thành thiếp, từ thiếp lại bị đẩy xuống làm tiện thiếp, cuối cùng, bà ra đi trên một manh chiếu rách nát trong con hẻm nhỏ gió lùa tứ phía.
Nhưng dù có như vậy, thì tại sao? Tại sao lại để bà không thể uống ngụm canh cuối cùng?
Bát canh mà ta đã phải đánh đổi thứ duy nhất mình có để đổi lấy, thứ mà nếu bà biết được, chắc hẳn sẽ đau lòng đến c.h.ế.t đi sống lại.
Phải có người chịu trách nhiệm, không phải sao? Chẳng hạn như kẻ đã khiến ta tốn thời gian vô ích, buộc ta phải tự bắt gà, tự nấu canh.
Ta lau khô nước mắt, rút cây trâm gỗ trên đầu của mẫu thân, mài cho đầu nhọn hoắt, rồi cài lên tóc mình. Một lần nữa, ta bước vào quán cơm nhỏ ấy.